Luật Đất đai năm 2024 (gồm 16 chương, 260 điều, có hiệu lực ngày 1-1-2025) đã sửa đổi, bổ sung 180/212 điều của Luật Đất đai năm 2013, đồng thời xây dựng mới thêm 78 điều.
Khu định canh - định cư của đồng bào dân tộc Chơro ở xã Hàng Gòn (TP.Long Khánh) sung túc nhờ sự quan tâm, đầu tư đồng bộ của các cấp chính quyền trong những năm qua. Ảnh: Đ.Phú |
Trong đó vấn đề về chính sách đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) có rất nhiều điểm mới so với Luật Đất đai năm 2013.
* Trách nhiệm của Nhà nước cụ thể hơn
Luật Đất đai năm 2013 chỉ quy định trách nhiệm của Nhà nước về đất ở, đất sản xuất nông nghiệp đối với ĐBDTTS (Điều 27) gồm: có chính sách về đất ở, đất sinh hoạt cộng đồng cho ĐBDTTS phù hợp với phong tục, tập quán, bản sắc văn hóa và điều kiện thực tế của từng vùng. Có chính sách tạo điều kiện cho ĐBDTTS trực tiếp sản xuất nông nghiệp ở nông thôn có đất để sản xuất nông nghiệp.
Trong khi đó, theo luật sư Lưu Hồng Khanh (Đoàn Luật sư tỉnh), Luật Đất đai năm 2024 quy định rộng hơn trách nhiệm của Nhà nước về đất đai đối với ĐBDTTS. Cụ thể như, Luật Đất đai năm 2024 quy định trách nhiệm của Nhà nước có chính sách bảo đảm đất sinh hoạt cộng đồng ĐBDTTS phù hợp với phong tục, tập quán, tín ngưỡng, bản sắc văn hóa và điều kiện thực tế của từng vùng.
Đồng thời, Luật Đất đai năm 2024 cũng quy định có chính sách hỗ trợ đất đai lần đầu cho cá nhân là người dân tộc thiểu số thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo tại vùng ĐBDTTS và miền núi, phù hợp với phong tục, tập quán, tín ngưỡng, bản sắc văn hóa và điều kiện thực tế của từng vùng để bảo đảm ổn định cuộc sống như: giao đất ở trong hạn mức và được miễn, giảm tiền sử dụng đất. Cho phép chuyển mục đích sử dụng đất sang đất ở trong hạn mức giao đất ở và được miễn, giảm tiền sử dụng đất đối với đất có nguồn gốc được Nhà nước giao, cho thuê, công nhận hoặc được thừa kế, tặng cho, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật. Giao đất nông nghiệp trong hạn mức không thu tiền sử dụng đất. Cho thuê đất phi nông nghiệp không phải là đất ở để sản xuất, kinh doanh và được miễn, giảm tiền thuê đất...
Đặc biệt, Luật Đất đai năm 2024 quy định cụ thể từng trường hợp được hỗ trợ về đất ở, sản xuất đối với ĐBDTTS thiếu đất, không có đất như: có chính sách hỗ trợ đất đai để bảo đảm ổn định cuộc sống cho cá nhân là người dân tộc thiểu số đã được Nhà nước giao đất, cho thuê đất quy định tại Khoản 2, Điều 16 nhưng nay không còn đất hoặc thiếu đất so với hạn mức mà thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo tại vùng ĐBDTTS và miền núi.
* Quyền sử dụng đất của ĐBDTTS khi được Nhà nước giao đất
Luật Đất đai năm 2024 quy định quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất tại Chương III với 3 mục và 34 điều (từ Điều 26 đến Điều 59), trong đó có quy định đáng chú ý về thực hiện các quyền sử dụng đất (QSDĐ) đối với ĐBDTTS được quy định tại Điểm c, Khoản 3, Điều 45 và Điều 48.
Theo Khoản 3 Điều 16, Luật Đất đai năm 2024, Nhà nước có chính sách hỗ trợ đất đai để bảo đảm ổn định cuộc sống cho cá nhân là người dân tộc thiểu số đã được Nhà nước giao đất, cho thuê đất nhưng sau đó không còn đất hoặc thiếu đất so với hạn mức… Người có uy tín xã Thanh Bình (H.Trảng Bom) SỲ VĂN HƯNG cho biết, đây là ước mơ, sự kỳ vọng của rất nhiều ĐBDTTS. |
Cụ thể, ĐBDTTS nếu được Nhà nước giao đất, cho thuê đất theo quy định tại Khoản 3, Điều 16 Luật Đất đai năm 2024 chỉ được thực hiện quyền để thừa kế, tặng cho, chuyển nhượng QSDĐ cho người thuộc hàng thừa kế thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo tại vùng ĐBDTTS và miền núi. Trường hợp người sử dụng đất chết mà không có người thừa kế thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo theo Khoản 2, Điều 16 của Luật Đất đai năm 2024 thì đất đó được Nhà nước thu hồi và bồi thường tài sản gắn liền với đất cho người được hưởng thừa kế.
Trường hợp người sử dụng đất chuyển khỏi địa bàn cấp tỉnh nơi có đất đến nơi khác sinh sống hoặc không còn nhu cầu sử dụng mà không tặng cho, chuyển nhượng QSDĐ cho người thuộc hàng thừa kế là đối tượng quy định tại Khoản 2, Điều 16 Luật Đất đai năm 2024 thì Nhà nước thu hồi đất và bồi thường tài sản gắn liền với đất theo quy định của pháp luật cho người có đất thu hồi. Diện tích đất đã thu hồi được dùng để tiếp tục giao đất, cho thuê đất cho cá nhân khác là người dân tộc thiểu số theo chính sách quy định tại Điều 16 Luật Đất đai năm 2024.
Cá nhân là người dân tộc thiểu số được Nhà nước giao đất, cho thuê đất theo quy định tại Khoản 3, Điều 16 Luật Đất đai năm 2024 được thế chấp QSDĐ tại ngân hàng chính sách; không được chuyển nhượng, góp vốn, tặng cho, thừa kế, thế chấp QSDĐ, trừ trường hợp quy định tại Khoản 1 và Khoản 2, Điều 48 Luật Đất đai năm 2024.
Theo trang thông tin điện tử Ban Dân tộc tỉnh, Đồng Nai có hơn 50 dân tộc anh em cùng sinh sống. Ngoài dân tộc Kinh (chiếm 93,58% dân số), còn lại đồng bào các dân tộc thiểu số chiếm khoảng 6,42% dân số toàn tỉnh với gần 199 ngàn người. Theo Ban Dân tộc tỉnh, toàn tỉnh hiện có 24 xã thuộc khu vực I vùng ĐBDTTS và miền núi. Hộ nghèo trong vùng ĐBDTTS của tỉnh hiện chỉ còn gần 700 trường hợp, trong đó có nhiều nguyên nhân như: bệnh tật, khó khăn về chỗ ở, đất ở và đất sản xuất. Từ chính sách về đất đai đối với ĐBDTTS theo Luật Đất đai năm 2024 sẽ tiếp tục tạo đà thúc đẩy kinh tế, đời sống ĐBDTTS tại các khu vực định canh, định cư phát triển hơn nữa.
Đoàn Phú
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin