Báo Đồng Nai điện tử
En

Khoan giếng sinh hoạt, phục vụ sản xuất phải đúng quy định

Đoàn Phú
09:01, 22/02/2024

Nguồn nước ngầm có vai trò rất quan trọng trong sinh hoạt, sản xuất đối với người dân. Hiện nguồn nước ngầm có nguy cơ sụt giảm, khi người dân có nhu cầu khoan giếng phục vụ sinh hoạt, sản xuất cần quan tâm đến các quy định mới về việc khoan giếng.

Khoan giếng lấy nước tưới cây tại một hộ dân ở xã Xuân Bắc (H.Xuân Lộc). Ảnh: Đ.Phú
Khoan giếng lấy nước tưới cây tại một hộ dân ở xã Xuân Bắc (H.Xuân Lộc). Ảnh: Đ.Phú

* Nỗi lo nguồn nước ngầm sụt giảm cùng nắng hạn

Trước cái nắng gay gắt của mùa khô năm 2024, không ít giếng khoan sinh hoạt, tưới tiêu của nhà nông tại một số xã trên địa bàn tỉnh như: Sông Nhạn (H.Cẩm Mỹ), Xuân Hòa (H.Xuân Lộc), Phú Ngọc (H.Định Quán)… bị giảm tầng so với lượng nước dồi dào trong mùa mưa.

Để đảm bảo nguồn nước tưới, sinh hoạt trong mùa khô, nhiều nông dân đã tìm các giải pháp sử dụng nguồn nước có hiệu quả như: tưới nước nhỏ giọt, tưới phun sương, làm bồn cho cây trồng… Một số hộ dân lại tìm nguồn nước ngầm bổ sung bằng cách khoan giếng mới, khoan thêm độ sâu.

Nông dân Trần Văn Mỹ (ngụ xã Sông Nhạn, H.Cẩm Mỹ) cho biết, hiện các giếng khoan trong vườn của ông đã giảm tầng so với thời điểm này năm ngoái. Để bảo vệ vườn cây, ông chọn thời điểm tưới cây vào lúc chiều mát, đêm khuya hoặc sáng sớm. Muốn có đủ nguồn nước tưới, trong ngày ông và các nông dân tranh thủ bơm nước từ giếng khoan vào các bể, ao bằng bạt để tích lũy.

“Việc khoan giếng mới sẽ tốn kém và chưa hẳn đã tìm đủ lượng nước để tưới khi nắng hạn kéo dài. Do đó, nhà nông cần triệt để áp dụng các biện pháp tiết kiệm nước như: tưới nước tiết kiệm, đắp bạt hoặc tạo các lớp cỏ để giữ ẩm cho cây. Đây mới là những giải pháp tốt” - một cán bộ Hội Nông dân xã Sông Nhạn bày tỏ.

Mới bắt đầu cao điểm của mùa khô năm 2024, các con suối ở khu vực ấp 2, xã Xuân Hòa đã trơ đáy. Các giếng khoan, giếng đào với độ sâu từ 20-40m tại nhiều khu vực vườn rẫy đã đứt mạch. Nông dân ở đây cho biết, các giếng mới khoan độ sâu trên 50-70m hiện chưa bị ảnh hưởng. Tuy vậy, nếu cứ kéo dài tình trạng hễ nắng hạn là thi nhau khoan giếng sâu để cứu cây trồng là không ổn.

“Đầu tư cho hệ thống tưới nước tiết kiệm là ưu việt. Song song đó, chính quyền địa phương cần quản lý chặt chẽ việc khoan giếng mới, khoan giếng quá sâu cạnh tranh mạch nước ngầm với các vườn lân cận. Cùng với đó, cần đầu tư hệ thống thủy lợi, hồ chứa nước thì may ra giải quyết triệt để vấn đề nước tưới mùa nắng cho những khu vực thường xuyên hạn hán” - nông dân Tư Hải (ngụ ấp 4, xã Xuân Hòa) bày tỏ.

Theo đại diện chính quyền một số xã ở các huyện: Xuân Lộc, Sông Nhạn, Định Quán…, việc khuyến khích người dân sử dụng mạch nước ngầm tiết kiệm; tránh lãng phí, tránh khoan giếng quá nhiều luôn được địa phương thực hiện, nhất là việc tập trung tuyên truyền về các quy định bảo vệ nguồn nước để người dân hiểu, nắm bắt và thực hiện.

Luật sư CHU VĂN HIỂN (Hội Luật gia tỉnh) bày tỏ, lý do Luật Tài nguyên nước năm 2023 có những quy định mở hay siết chặt hơn so với Luật Tài nguyên nước năm 2012 về khai thác, sử dụng nguồn nước ngầm trong sinh hoạt, sản xuất là dựa vào tình hình thực tế, cụ thể trong việc khai thác, bảo vệ nguồn nước ngầm bị tác động tiêu cực trong tương lai. Chính vì vậy, người dân cần lưu ý trong việc khai thác, sử dụng nguồn nước ngầm trong sinh hoạt, sản xuất đúng quy định pháp luật theo từng thời kỳ.

* Quy định mới về khai thác mạch nước ngầm

Sử dụng nước sạch sinh hoạt, tưới cho cây trồng là nhu cầu thiết yếu của người dân nói chung, nhà nông nói riêng. Đối với những khu vực thường xuyên gặp nắng hạn, chưa có hệ thống thủy lợi, hồ chứa thì vấn đề này càng cấp thiết nên giải pháp phần lớn của nhà nông là khoan giếng lấy nước.

Chính vì vậy, trước cái nắng gay gắt khi bắt đầu vào mùa khô năm 2024, nhiều nông dân quan tâm đến Luật Tài nguyên nước năm 2023 (có hiệu lực từ ngày 1-7-2024) vừa được Quốc hội thông qua. Trong đó, người dân muốn tìm hiểu về những thay đổi về quy định khai thác mạch nước ngầm để phục vụ cho sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh của luật mới ban hành so với Luật Tài nguyên nước năm 2012 (đang có hiệu lực).

Theo luật sư Chu Văn Hiển (Hội Luật gia tỉnh), Luật Tài nguyên nước năm 2012 quy định về việc cá nhân kê khai, cấp phép khai thác tài nguyên nước và đăng ký khai thác, sử dụng tài nguyên nước khác với Luật Tài nguyên nước năm 2023.

Cụ thể, tại Điều 44 Luật Tài nguyên nước năm 2012 có quy định, khai thác, sử dụng nước cho sinh hoạt của hộ gia đình; khai thác, sử dụng nước với quy mô nhỏ cho sản xuất, kinh doanh, dịch vụ không phải đăng ký, không phải xin phép. Trường hợp khai thác nước dưới đất, sử dụng nước cho sinh hoạt của hộ gia đình; khai thác, sử dụng nước với quy mô nhỏ cho sản xuất, kinh doanh, dịch vụ ở các vùng mà mực nước đã bị suy giảm quá mức thì phải đăng ký.

Trong khi đó, Điều 52 Luật Tài nguyên nước năm 2023 quy định: Khai thác nước cho sinh hoạt tại các khu vực trong thời gian xảy ra hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, sự cố ô nhiễm, dịch bệnh do cấp có thẩm quyền công bố theo quy định của pháp luật thì không phải kê khai, cấp phép khai thác tài nguyên nước và đăng ký khai thác, sử dụng tài nguyên nước. Còn khai thác nước dưới đất quy mô nhỏ để sử dụng cho sản xuất phải đăng ký khai thác, sử dụng tài nguyên nước và hộ gia đình khai thác nước dưới đất để sử dụng cho sinh hoạt của mình phải thực hiện kê khai để quản lý.

“Theo Khoản 4, Điều 85 Luật Tài nguyên nước năm 2023 thì việc kê khai khai thác nước dưới đất của hộ gia đình để sử dụng cho sinh hoạt thực hiện kê khai để quản lý kể từ ngày 1-7-2026, chứ không phải kể từ ngày 1-7-2024 khi Luật Tài nguyên nước năm 2023 có hiệu lực” - luật sư Chu Văn Hiển lưu ý.

Đoàn Phú

Tin xem nhiều