Hỏi: Vì lý do sức khỏe mà vợ chồng tôi đã thống nhất sinh con bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm từ tinh trùng của người khác kết hợp với trứng của vợ tôi để tạo phôi. Xin hỏi người cho tinh trùng có phải là cha ruột của đứa trẻ do vợ tôi sinh ra hay không? Đứa trẻ có được hưởng di sản thừa kế của người này (và ngược lại) không?
B.V.T (ngụ H.Long Thành)
- Trả lời: Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 định nghĩa: Sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản là việc sinh con bằng kỹ thuật thụ tinh nhân tạo hoặc thụ tinh trong ống nghiệm.
Về mặt y tế, thụ tinh nhân tạo là thủ thuật bơm tinh trùng của người cho tinh trùng vào cổ tử cung của vợ anh. Nói cách khác, đó là việc sử dụng các biện pháp kỹ thuật y học hiện đại để can thiệp vào quá trình thụ thai của người vợ anh nhằm mục đích giúp vợ anh (hiếm muộn, vô sinh) có thể mang thai và có những đứa con như mong muốn.
Bên cạnh đó, pháp luật cũng quy định: “Việc cho và nhận tinh trùng, cho và nhận phôi được thực hiện trên nguyên tắc vô danh giữa người cho và người nhận; tinh trùng, phôi của người cho phải được mã hóa để bảo đảm bí mật nhưng vẫn phải ghi rõ đặc điểm của người cho, đặc biệt là yếu tố chủng tộc”…
Nhằm tránh trường hợp phức tạp về việc tranh chấp con sau này nên Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 cũng xác định rõ: Việc sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản không làm phát sinh quan hệ cha, mẹ và con giữa người cho tinh trùng, cho noãn, cho phôi với người con được sinh ra.
Như vậy, giữa người cho tinh trùng và đứa trẻ do vợ anh sinh ra không phát sinh quan hệ cha con nên không có việc hưởng di sản thừa kế của nhau theo quy định, trừ trường hợp thừa kế theo di chúc.
LS Ngô Văn Định
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin