Báo Đồng Nai điện tử
En

Chính sách đãi ngộ thanh niên khi nhập ngũ, xuất ngũ

Đoàn Phú
09:21, 17/02/2024

Nghĩa vụ quân sự (NVQS) là nghĩa vụ vẻ vang của công dân phục vụ trong quân đội nhân dân. Khi nhập ngũ cũng như hoàn thành NVQS, công dân đều được hưởng các chính sách đãi ngộ theo quy định của pháp luật.

Vợ chồng ông Nguyễn Thành Long (ngụ P.Thanh Bình, TP.Biên Hòa) thăm con trai đang trong quá trình tại ngũ theo quy định. Ảnh do gia đình cung cấp

Đây là vấn đề nhiều thanh niên quan tâm trước mùa tuyển quân năm 2024.

* Nghĩa vụ vẻ vang của tuổi trẻ

Mới đây, tại buổi tuyên truyền Luật NVQS năm 2015 cho thanh niên trúng tuyển NVQS năm 2024 tại xã Bảo Quang (TP.Long Khánh), luật gia Nguyễn Xuân Thanh (Hội Luật gia tỉnh) cho biết, Điều 30 Luật NVQS năm 2015 quy định, công dân đủ 18 tuổi được gọi nhập ngũ; độ tuổi gọi nhập ngũ từ đủ 18 tuổi đến hết 25 tuổi; công dân được đào tạo trình độ cao đẳng, đại học đã được tạm hoãn gọi nhập ngũ thì độ tuổi gọi nhập ngũ đến hết 27.

Ngoài ra, theo Khoản 1, Điều 31 Luật NVQS năm 2015, công dân được gọi nhập ngũ phải hội đủ các tiêu chuẩn như: lý lịch rõ ràng; chấp hành nghiêm đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; đủ sức khỏe phục vụ tại ngũ theo quy định; có trình độ văn hóa phù hợp.

Khoản 3, Điều 8 Nghị định 27/2016/NĐ-CP quy định, hạ sĩ quan, binh sĩ trước khi nhập ngũ đang làm việc tại tổ chức kinh tế thì khi xuất ngũ tổ chức đó phải có trách nhiệm tiếp nhận lại, bố trí việc làm và bảo đảm tiền lương, tiền công tương xứng với vị trí việc làm và tiền lương, tiền công trước khi nhập ngũ.

Cũng theo luật gia Nguyễn Xuân Thanh, do NVQS là niềm tự hào, trách nhiệm của tuổi trẻ nên tại Khoản 1, Điều 13 Luật NVQS năm 2015 có quy định, công dân thuộc một trong các trường hợp sau đây không được đăng ký NVQS: đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự; đang chấp hành hình phạt tù, cải tạo không giam giữ, quản chế hoặc đã chấp hành xong hình phạt tù nhưng chưa được xóa án tích. Đang bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là cấp xã) hoặc đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc. Bị tước quyền phục vụ trong lực lượng vũ trang nhân dân.

Đồng thời, tại Điều 14 Luật NVQS năm 2015 quy định, người khuyết tật, người mắc bệnh hiểm nghèo, bệnh tâm thần hoặc bệnh mãn tính theo quy định của pháp luật được miễn đăng ký NVQS.

Luật gia Nguyễn Xuân Thanh cho biết thêm, tại Điều 4 Luật NVQS năm 2015 cũng quy định rõ, công dân thuộc một trong các trường hợp sau đây được công nhận hoàn thành NVQS tại ngũ trong thời bình: dân quân tự vệ nòng cốt đã hoàn thành nghĩa vụ tham gia dân quân tự vệ, trong đó có ít nhất 12 tháng làm nhiệm vụ dân quân tự vệ thường trực. Hoàn thành nhiệm vụ tham gia công an xã liên tục từ đủ 36 tháng trở lên. Cán bộ, công chức, viên chức, sinh viên tốt nghiệp đại học trở lên, đã được đào tạo và phong quân hàm sĩ quan dự bị. Thanh niên đã tốt nghiệp đại học, cao đẳng, trung cấp tình nguyện phục vụ tại đoàn kinh tế - quốc phòng từ đủ 24 tháng trở lên theo đề án do Thủ tướng Chính phủ quyết định. Công dân phục vụ trên tàu kiểm ngư từ đủ 24 tháng trở lên.

* Chính sách ưu đãi công dân nhập ngũ, xuất ngũ

Chính sách đãi ngộ quân nhân và thân nhân trong quá trình chấp hành NVQS cũng được rất nhiều thanh niên quan tâm. Về nội dung này, Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh Phan Văn Châu giải thích, thời hạn phục vụ tại ngũ trong thời bình của hạ sĩ quan, binh sĩ là 24 tháng. Trong thời gian tại ngũ, hạ sĩ quan, binh sĩ được hưởng các chế độ, chính sách đối với hạ sĩ quan, binh sĩ phục vụ tại ngũ, xuất ngũ và thân nhân theo Điều 50 của Luật NVQS năm 2015 và điều này được Nghị định 27/2017/NĐ-CP ngày 6-4-2016 của Chính phủ quy định một số chế độ, chính sách đối với hạ sĩ quan, binh sĩ phục vụ tại ngũ, xuất ngũ và thân nhân của hạ sĩ quan, binh sĩ tại ngũ.

Theo đó, hạ sĩ quan, binh sĩ phục vụ tại ngũ từ tháng thứ 13 trở đi được nghỉ phép hàng năm; thời gian nghỉ là 10 ngày (không kể ngày đi và về) và được thanh toán tiền tàu, xe, tiền phụ cấp đi đường theo quy định hiện hành. Ngoài chế độ nghỉ phép này, nếu gia đình gặp thiên tai, hỏa hoạn nặng hoặc cha, mẹ đẻ; cha, mẹ vợ hoặc cha, mẹ chồng; người nuôi dưỡng hợp pháp; vợ hoặc chồng và con đẻ, con nuôi hợp pháp từ trần, mất tích hoặc hạ sĩ quan, binh sĩ lập được thành tích đặc biệt xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ thì được nghỉ phép đặc biệt, thời gian không quá 5 ngày (không kể ngày đi và về) và được thanh toán tiền tàu, xe, tiền phụ cấp đi đường theo quy định hiện hành.

Trước khi nhập ngũ, hạ sĩ quan, binh sĩ là thành viên hộ nghèo, học sinh, sinh viên nếu vay tiền từ ngân hàng chính sách xã hội thì được tạm hoãn trả và không tính lãi suất trong thời gian tại ngũ theo quy định hiện hành. Hạ sĩ quan, binh sĩ tại ngũ có đủ điều kiện, tiêu chuẩn về phẩm chất chính trị, đạo đức, văn hóa, sức khỏe, độ tuổi thì được tham gia tuyển sinh theo quy định của Bộ Quốc phòng và được cộng điểm ưu tiên trong tuyển sinh theo quy định hiện hành.

Bên cạnh đó, thân nhân của hạ sĩ quan, binh sĩ tại ngũ gồm: cha, mẹ đẻ; cha, mẹ vợ hoặc cha, mẹ chồng; người nuôi dưỡng hợp pháp của vợ hoặc chồng; vợ hoặc chồng; con đẻ, con nuôi hợp pháp của hạ sĩ quan, binh sĩ được trợ cấp khó khăn đột xuất trong các trường hợp như: khi nhà ở của hạ sĩ quan, binh sĩ tại ngũ gặp tai nạn, hỏa hoạn, thiên tai dẫn đến bị sập nhà, trôi nhà, cháy nhà hoặc phải di dời chỗ ở hoặc tài sản bị hư hỏng, thiệt hại nặng về kinh tế thì được trợ cấp mức 3 triệu đồng/suất/lần. Thân nhân của hạ sĩ quan, binh sĩ tại ngũ ốm đau từ 1 tháng trở lên hoặc điều trị 1 lần tại bệnh viện từ 7 ngày trở lên thì được trợ cấp mức 500 ngàn đồng/thân nhân/lần. Thân nhân của hạ sĩ quan, binh sĩ tại ngũ hy sinh, từ trần hoặc mất tích thì được trợ cấp mức 2 triệu đồng/người…

Cũng theo luật gia Phan Văn Châu, khi hạ sĩ quan, binh sĩ xuất ngũ, ngoài chế độ bảo hiểm xã hội một lần được hưởng theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội thì hạ sĩ quan, binh sĩ khi xuất ngũ được trợ cấp xuất ngũ một lần, cứ mỗi năm phục vụ trong quân đội được trợ cấp bằng 2 tháng tiền lương cơ sở theo quy định của Chính phủ tại thời điểm xuất ngũ. Hạ sĩ quan, binh sĩ phục vụ tại ngũ thời hạn đủ 30 tháng, khi xuất ngũ được trợ cấp thêm 2 tháng phụ cấp quân hàm hiện hưởng. Hạ sĩ quan, binh sĩ hoàn thành nghĩa vụ phục vụ tại ngũ theo quy định của Luật NVQS năm 2015 khi xuất ngũ được trợ cấp tạo việc làm bằng 6 tháng tiền lương cơ sở theo quy định của Chính phủ tại thời điểm xuất ngũ…

Đoàn Phú

Tin xem nhiều