Báo Đồng Nai điện tử
En

Biên Hòa nỗ lực giải quyết ‘vấn nạn’ ăn xin

Phương Liễu
08:56, 28/02/2024

Không chỉ trong những ngày Tết Nguyên đán, mà trên nhiều tuyến đường ở TP.Biên Hòa hiện nay vẫn có không ít người lang thang, ăn xin nằm, ngồi lê lết trên vỉa hè, dưới lòng đường để chờ người đi đường thương cảm mà cho tiền. Đặc biệt, tại nhiều giao lộ, tình trạng trẻ lớn bồng trẻ nhỏ bấu víu vào xe dừng chờ đèn đỏ để xin tiền gây nguy cơ mất an toàn giao thông.

Người già ngồi xin ăn trước cổng nhà thờ Biên Hòa (TP.Biên Hòa). Ảnh: P.LIỄU
Người già ngồi xin ăn trước cổng nhà thờ Biên Hòa (TP.Biên Hòa). Ảnh: P.LIỄU

Mặc dù chính quyền TP.Biên Hòa cùng các sở, ngành liên quan đã vào cuộc rất nỗ lực nhưng vẫn không thể giải quyết được vấn đề người lang thang, ăn xin.

* Người ăn xin nhếch nhác trên đường

Theo ghi nhận của phóng viên Báo Đồng Nai, ở khu vực cầu vượt Amata (TP.Biên Hòa) có nhiều trẻ em ùa ra đường xin tiền mỗi khi các phương tiện dừng chờ đèn đỏ. Các em vô tư ùa ra đường ngay cả khi phương tiện chưa kịp dừng đèn đỏ, khiến không ít người đi đường phải thắng gấp. Bất chấp nắng nóng gay gắt, những đứa trẻ đen nhẻm vẫn bám sát cửa xe ô tô để xin tiền. Có người thương mà cho tiền, nhưng có người ngại trẻ đu bám gần xe không an toàn nên xua tay để trẻ nhanh rời đi.

Trưa 24-2, nhiều người đi chợ A42 (P.Trung Dũng, TP.Biên Hòa) rất bức xúc khi một người đàn ông đẩy xe lăn, trên xe là một bé trai chừng 16 tuổi có dấu hiệu như bị bệnh động kinh, tay chân teo tóp. Cậu bé gào khóc bức bối khi người đàn ông (được cho là cha của cậu bé) buộc chân tay cậu bé vào xe rồi đẩy đi xin ăn. Trong cái nắng gay gắt, cậu bé nhễ nhại mồ hôi, mặt đỏ bừng và giãy giụa nhưng vẫn bị người cha đẩy đi khắp nơi xin tiền. Nhiều người lắc đầu ngao ngán vì thương cảm cho cậu bé.

Tại một số tuyến đường chính của TP.Biên Hòa như: Phạm Văn Thuận, Nguyễn Ái Quốc, Cách Mạng Tháng Tám cũng xuất hiện nhiều người ăn xin nằm, ngồi lê lết trên vỉa hè, trên các lối đi... Đặc biệt, tại khu vực trước cửa nhà thờ Biên Hòa (P.Quyết Thắng, TP.Biên Hòa), vào buổi tối, từng nhóm người tụ tập xin ăn, thậm chí ăn ngủ vạ vật trên vỉa hè khiến hình ảnh thành phố trở nên nhếch nhác, mất mỹ quan.

* Giải quyết người lang thang xin ăn: Cần xử lý từ gốc

Về vấn đề giải quyết các đối tượng lang thang, xin ăn, ngay từ trước Tết Nguyên đán 2024, Sở LĐ-TBXH đã có Văn bản số 227/SLĐTBXH-BTXH ngày 8-1-2024 gửi các sở, ngành liên quan, các địa phương trong tỉnh về việc tăng cường công tác giải quyết tình trạng người lang thang, xin ăn trên địa bàn tỉnh, đặc biệt trong dịp Tết 2024.

Ngày 14-9-2023, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 2212/QĐ-UBND thay thế Quyết định số 4272/QĐ-UBND ngày 13-11-2020 của UBND tỉnh về đề án Tập trung, giải quyết đối tượng lang thang, xin ăn trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. Mục tiêu của đề án nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của các cấp, các ngành và nhân dân toàn tỉnh trong việc giải quyết tình trạng người lang thang, xin ăn, góp phần làm sạch đẹp quang cảnh môi trường đô thị; đảm bảo an ninh trật tự, mỹ quan môi trường du lịch văn minh, thân thiện, tạo thuận lợi và hấp dẫn để thu hút khách du lịch, các nhà đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tỉnh.

Theo đó, Sở LĐ-TBXH yêu cầu các sở, ngành, chính quyền địa phương phối hợp với Sở LĐ-TBXH trong công tác xử lý người lang thang, xin ăn trên địa bàn. Riêng các địa phương, sở yêu cầu các huyện, thành phố tăng cường công tác kiểm tra, giám sát tại các địa bàn trọng điểm như: nhà ga, bến xe, các chợ, các tuyến đường có nhiều quán ăn, điểm tham quan du lịch nhằm phát hiện người lang thang cơ nhỡ, ăn xin đeo bám khách để xử lý tình trạng người lang thang xin ăn. Sau phân loại, nếu là người vô gia cư, thuộc đối tượng bảo trợ xã hội sẽ đưa về Trung tâm Công tác xã hội tỉnh để nuôi dưỡng, chăm sóc; còn xác định được nơi cư trú thì chuyển trả về địa phương.

Ngoài ra, Sở LĐ-TBXH đề nghị các địa phương cần thực hiện tốt công tác giáo dục tư tưởng cho các nhóm đối tượng hành nghề xin ăn trên địa bàn hiểu về tác hại, nguy cơ, hệ lụy của việc đi lang thang, xin ăn; vận động các đối tượng tham gia lao động sản xuất để có thu nhập ổn định. Kiên quyết xử lý các trường hợp lợi dụng người lang thang, xin ăn để trục lợi qua các hình thức như thuê mướn, “chăn dắt”.

Trao đổi về vấn đề này, Phó chủ tịch UBND TP.Biên Hòa Nguyễn Xuân Thanh cho biết, tình trạng người lang thang, xin ăn trên địa bàn thành phố hiện khá phức tạp. Thành phố đã tăng cường công tác giám sát và xử lý những trường hợp lang thang, cơ nhỡ, tiến hành phân loại đối tượng; tăng cường tuyên truyền nâng cao cảnh giác cho người dân để tránh lòng tốt bị cá nhân trục lợi.

Mới đây, TP.Biên Hòa đã giao trách nhiệm cho Phòng LĐ-TBXH thành phố thực hiện đầy đủ, kịp thời chính sách an sinh, trợ giúp xã hội; khuyến khích các tổ chức nhân đạo từ thiện hỗ trợ tại cộng đồng cho những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, nhất là trẻ mồ côi, trẻ thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, người khuyết tật, người cao tuổi neo đơn không nơi nương tựa; cũng như thực hiện tốt các chính sách trợ giúp, phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng cho người khuyết tật.

Ngoài ra, UBND TP.Biên Hòa giao trách nhiệm cho Công an TP.Biên Hòa thường xuyên tổ chức tuần tra, kiểm soát các tuyến đường trên địa bàn; theo dõi qua camera an ninh trên các trục đường chính, các giao lộ, vòng xuyến, nếu phát hiện có trường hợp người vô gia cư xin ăn sẽ nhanh chóng báo cho công an địa bàn để phối hợp xử lý theo quy định.

Tuy nhiên, nhiều người dân cho rằng, vấn đề người lang thang, xin ăn phải được giải quyết từ gốc chứ không thể chỉ ra quân trong những dịp lễ, Tết. Trong đó, cần khoanh vùng và có giải pháp cho từng nhóm. Chẳng hạn, đối tượng nghèo cần giúp đỡ về việc làm, thực hiện các chính sách hỗ trợ, an sinh xã hội; người bị bệnh cần được hỗ trợ về y tế. Riêng đối với những đối tượng “chăn dắt” trẻ em hoặc người trẻ khỏe, lành lặn nhưng lười lao động, ngụy tạo vết thương, giả làm tàn tật phải được xử lý mạnh tay, để các đối tượng này không ỷ lại vào lòng tốt của người khác, không dùng trẻ em, người tàn tật làm phương tiện để tạo thu nhập bất chính.

Phương Liễu

Tin xem nhiều