Những ngày Tết Nguyên đán 2024 đang đến gần, ngoài hàng hóa phục vụ đời sống, tiêu dùng, có cả nhiều gian hàng, trang mạng xã hội bày bán công khai nhiều loại đồ chơi cho trẻ em mang tính bạo lực.
Súng đồ chơi được rao bán trên mạng xã hội. Ảnh chụp màn hình |
* Bày bán tràn lan
Những ngày này, nhiều gian hàng bán đồ chơi ở TP.Biên Hòa và trên mạng xã hội đã bày biện, rao bán nhiều loại đồ chơi trẻ em mang tính bạo lực như: súng, đạn, dao, kiếm, pháo….
Đáng chú ý, trên nhiều trang mạng xã hội còn rao bán, giới thiệu nhiều súng đồ chơi có dạng hình súng quân dụng, súng ngắn bắn đạn nhựa. Điều nguy hiểm là các loại súng này có lực bắn mạnh, có khả năng gây thương tích. Đây cũng là mặt hàng bị cấm kinh doanh nhưng vì lợi nhuận mà nhiều người vẫn rao bán.
Ngoài ra, trên mạng xã hội hiện cũng rao bán nhiều đồ chơi mang tính “độc, lạ”, kích thích sự tò mò của trẻ nhưng là vật sắc nhọn, không đảm bảo an toàn cho trẻ khi vui chơi như: kiếm, đao, dao cà rốt vô tri…
Một tiểu thương bán đồ chơi trẻ em tại TP.Biên Hòa cho biết, các đồ chơi như: súng, dao, kiếm… rất được trẻ em yêu thích nên bán đắt hàng, nhất là vào dịp Tết. Cứ dịp Tết về, các chợ đầu mối ở TP.HCM nhập các loại đồ chơi mới, lạ đáp ứng nhu cầu của người mua. Người bán cũng không phân biệt được đâu là đồ chơi mang tính bạo lực, không lành mạnh, không rõ xuất xứ nguồn gốc… Chỉ thấy đồ chơi nào được trẻ em ưa chuộng thì lấy về bán.
Chị Thu Ngân (ngụ P.Xuân An, TP.Long Khánh) bày tỏ, với những loại đồ chơi mang tính bạo lực, dù con có nài nỉ mua chị cũng kiên quyết từ chối. Tuy vậy, các bậc phụ huynh như chị cũng khó kiểm soát được khi con lấy tiền lì xì lén lút mua hoặc đặt hàng trên mạng.
* Đồ chơi trẻ em nào bị cấm?
Theo Quyết định 88/2000/QĐ-BTM ngày 18-1-2000 của Bộ trưởng Bộ Thương mại về ban hành danh mục chi tiết hàng hóa cấm lưu thông, dịch vụ thương mại cấm thực hiện; hàng hóa, dịch vụ hạn chế kinh doanh, kinh doanh có điều kiện (còn hiệu lực) thì một số loại đồ chơi trẻ em được xem là có hại tới giáo dục nhân cách, sức khỏe của trẻ em hoặc tới an ninh, trật tự, an toàn xã hội như: các loại đồ chơi có hình dáng giống như các loại súng, các loại đồ chơi có hình dáng giống các loại vũ khí khác (lựu đạn, bom, mìn, bộc phá; kiếm, mác, lê, dao găm, cung nỏ).
Luật sư NGÔ VĂN ĐỊNH, Phó giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật tỉnh (Hội Luật gia tỉnh) cho biết, nếu việc buôn bán đồ chơi trẻ em mà cấu thành tội buôn lậu theo Điều 188 hoặc Điều 190 (tội sản xuất, buôn bán hàng cấm) hay Điều 191 (tội tàng trữ, vận chuyển hàng cấm) của Bộ luật Hình sự năm 2015 (được sửa đổi bổ sung năm 2017) thì có thể bị phạt tù đến 15 năm. |
Một số loại đồ chơi trẻ em khác cũng bị cấm, hạn chế kinh doanh là: các loại pháo (pháo nổ, pháo hoa, pháo đập, đạn đập làm bằng thuốc pháo hoặc bằng các loạt vật liệu khác có thể gây cháy, bỏng). Các loại đồ chơi ảo. Các loại đồ chơi điện tử có hình ảnh, âm thanh, hành động mô tả cảnh đánh nhau, giết người dã man hoặc những hành động xúc phạm nhân phẩm, phá hoại môi trường có hại về thẩm mỹ và giáo dục trẻ em. Các phần mềm vi tính trò chơi điện tử có nội dung kích động bạo lực, mại dâm. Các loại đồ chơi dùng điện có điều khiển từ xa có thể gây nhiễu cho các đồ dùng trang thiết bị khác hoặc không bảo đảm an toàn cho trẻ em…
Luật sư Ngô Văn Định, Phó giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật tỉnh (Hội Luật gia tỉnh) cho biết, việc bán, trao đổi, tàng trữ đồ chơi trẻ em có tính bạo lực, không rõ nguồn gốc xuất xứ, ảnh hưởng tới giáo dục nhân cách, sức khỏe…, tùy theo tính chất, mức độ, hậu quả của hành vi mà bị chế tài hành chính hay hình sự.
Cụ thể, về xử phạt hành chính, hành vi lưu hành, vận hành, phát tán, sở hữu, vận chuyển, tàng trữ, kinh doanh xuất bản phẩm, đồ chơi, trò chơi và những sản phẩm khác phục vụ đối tượng trẻ em nhưng có nội dung ảnh hưởng đến sự phát triển lành mạnh của trẻ em bị phạt tiền từ 5-50 triệu đồng theo Khoản 2, Điều 30 Nghị định 130/2021/NĐ-CP ngày 30-12-2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo trợ, trợ giúp xã hội và trẻ em.
Hành vi cho trẻ em sử dụng các loại đồ chơi nguy hiểm bị cấm sẽ bị phạt tiền từ 1-2 triệu đồng theo Điểm d, Khoản 1, Điều 11 Nghị định 144/2021/NĐ-CP ngày 31-12-2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình.
Đặc biệt, tại Nghị định 98/2020/NĐ-CP ngày 26-8-2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng quy định khá cụ thể như: buôn bán đồ chơi trẻ em mà Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng trị giá dưới 3 triệu đồng hoặc thu lợi bất chính dưới 1,5 triệu đồng bị phạt từ 1-3 triệu đồng.
Đoàn Phú
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin