Lực lượng chức năng H.Trảng Bom vừa vận động thành công các đơn vị, cá nhân sai phạm quy định về đất đai tự nguyện tháo dỡ 9 công trình nhà xưởng, 15 ki-ốt xây dựng trên tổng diện tích hơn 3 ngàn m2 đất nông nghiệp.
Chủ công trình tự nguyện tháo dỡ 15 ki-ốt xây dựng trên đất nông nghiệp tại xã Bắc Sơn (H.Trảng Bom). Ảnh: Phòng Quản lý đô thị H.Trảng Bom cung cấp |
Việc xử lý các trường hợp vi phạm trật tự xây dựng trên đất nông nghiệp vốn không phải là điều dễ dàng đối với nhiều địa phương, nhất là với các công trình đã xây dựng nhiều năm. Để nhận được sự hợp tác và đồng thuận của người dân, lực lượng chức năng H.Trảng Bom đã tổ chức vận động, tuyên truyền để người dân, doanh nghiệp tự nguyện tháo dỡ thay vì phải tiến hành biện pháp cưỡng chế.
* Vận động, thuyết phục người vi phạm chấp hành
Trong số các công trình vừa tháo dỡ trả lại hiện trạng đất, có 15 ki-ốt do Công ty TNHH Thanh Bình xây dựng trái phép trên đất của Xí nghiệp Nguyên liệu giấy Đông Nam bộ. Việc xây dựng trái phép được cơ quan chức năng của tỉnh phát hiện và lập biên bản xử lý từ tháng 2-2020. Theo đó, hình thức xử phạt hành chính là phạt tiền 110 triệu đồng kèm biện pháp khắc phục hậu quả trả lại hiện trạng ban đầu. Thế nhưng, công ty chỉ chấp hành nộp phạt và tháo toàn bộ phần mái, kèo, cửa cuốn của 15 ki-ốt, còn lại phần tường vẫn để đó.
“Không để tình trạng vi phạm dây dưa kéo dài, tháng 11-2023, Phòng Quản lý đô thị H.Trảng Bom đã làm việc, vận động công ty nghiêm túc chấp hành việc tháo dỡ công trình vi phạm và công ty đã thực hiện vào cuối tháng 12-2023” - Phó trưởng phòng Quản lý đô thị H.Trảng Bom Vương Đình Hiếu cho biết.
Theo ông Hiếu, việc xử lý các trường hợp vi phạm trật tự xây dựng trên đất nông nghiệp vốn không phải đơn giản. Quá trình thực hiện phải đảm bảo tuân thủ đúng quy định của pháp luật và tuyên truyền, vận động các cá nhân, đơn vị.
Trường hợp xây dựng trái phép trên khu đất nông nghiệp có diện tích hơn 2,3 ngàn m2 thuộc thửa đất số 29 và 31 tờ bản đồ 22, xã Hố Nai 3 (H.Trảng Bom) của ông Hoàng Lang (ngụ P.Long Bình, TP.Biên Hòa) là một ví dụ.
Ông Lang đã xây dựng 8 công trình, gồm 2 nhà xưởng, văn phòng làm việc, nhà tiền chế… với kết cấu nền bê tông, cột sắt, mái tôn. Các công trình này được xây dựng từ năm 2007 và sử dụng cho đến nay. Việc xây dựng trên đất nông nghiệp là sử dụng đất sai mục đích nên buộc phải dỡ bỏ.
Dù không phản đối nhưng ông Lang trăn trở vì việc di dời nhà xưởng đang hoạt động gặp ít nhiều khó khăn. Nắm bắt tâm tư của người dân, UBND xã Hố Nai 3 cho ông Lang thêm thời gian để xử lý các công việc phát sinh.
“UBND huyện ban hành quyết định xử phạt hành chính, yêu cầu ông Lang tháo dỡ trả lại hiện trạng đất từ tháng 3-2023, nhưng ông Lang khất lần việc chấp hành. Lực lượng chức năng của xã, huyện đã vận động, tuyên truyền để ông Lang nằm rõ quy định của Luật Đất đai, Luật Xây dựng. Đồng thời, thuyết phục ông tự nguyện tháo dỡ để tận dụng nguyên vật liệu nhà xưởng của mình vào việc khác cho khỏi lãng phí. Đầu tháng 1-2024, ông Lang đã chấp hành tháo dỡ trả lại hiện trạng đất và đóng phạt hành chính theo quy định” - Chủ tịch UBND xã Hố Nai 3 Trần Viết Tiến cho biết.
* Tăng hiệu quả công tác quản lý
Ngoài các công trình vi phạm về đất đai, xây dựng đã xử lý tại H.Trảng Bom, vẫn còn tồn tại nhiều công trình vi phạm. Trong đó có 63 cơ sở sản xuất, kinh doanh tại ấp Lộ Đức, xã Hố Nai 3. Các công trình tồn tại từ giai đoạn 2006-2019, hiện đã đưa vào hoạt động, thu hút một lượng lớn công nhân lao động đến làm việc. Theo kế hoạch, đối với các cơ sở đã được cấp phép xây dựng sẽ tiến hành di dời vào Cụm công nghiệp Sông Trầu và Cụm công nghiệp xã Đồi 61. Tuy nhiên, 2 cụm công nghiệp này chỉ mới dự kiến triển khai trong giai đoạn 2023-2025, do đó rất khó khăn trong việc thực hiện di dời.
Theo UBND H.Trảng Bom, để xảy ra các tồn tại nêu trên ngoài nguyên nhân nhận thức của các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động đầu tư xây dựng chưa tốt, còn có nguyên nhân xuất phát từ công tác quản lý nhà nước của chính quyền các cấp, của tập thể, cá nhân được giao quản lý còn chưa hết trách nhiệm; công tác lãnh đạo, điều hành có lúc chưa được quyết liệt; công tác tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn pháp luật về xây dựng chưa thường xuyên, liên tục; công tác kiểm tra, phát hiện và xử lý sai phạm chưa nghiêm, chưa kịp thời và triệt để.
Để nâng cao hiệu quả công tác quản lý quy hoạch, đất đai, trật tự xây dựng trên địa bàn trong thời gian tới, UBND huyện đã xây dựng nhiều giải pháp. Đáng chú ý là xử lý nghiêm trách nhiệm người đứng đầu địa phương và công chức nếu để xảy ra tình trạng vi phạm mà không kịp thời phát hiện, xử lý về sử dụng đất không đúng mục đích, chuyển mục đích sử dụng trái phép, không đúng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; xây dựng trái phép thuộc phạm vi địa bàn quản lý.
Kim Liễu - Đăng Tùng
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin