Báo Đồng Nai điện tử
En

Chi phí hòa giải, đối thoại tại tòa án

LS Ngô Văn Định
08:08, 03/01/2024

* Hỏi: Cha mẹ tôi chết không để lại di chúc, các anh chị em muốn chia di sản thừa kế của cha mẹ, hồ sơ vụ việc chuyển đến trung tâm hòa giải, đối thoại tại tòa án. Nếu hòa giải thành, chúng tôi có phải chịu chi phí hay không?

Đặng Minh Dũng (H.Tân Phú)

- Trả lời: Việc hồ sơ vụ việc chia di sản thừa kế của gia đình anh, được chuyển qua trung tâm hòa giải, đối thoại của tòa án là đúng quy định, được hòa giải viên thực hiện trước khi tòa án thụ lý vụ án. Trường hợp anh chị em trong gia đình tham gia và hòa giải thành việc phân chia thừa kế, các anh chị không phải nộp chi phí, lệ phí.

Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án quy định, chi phí hòa giải, đối thoại tại tòa án do ngân sách nhà nước bảo đảm. Trừ trường hợp các bên tham gia hòa giải, đối thoại tại tòa án phải chịu chi phí trong các trường hợp sau đây: chi phí hòa giải đối với tranh chấp về kinh doanh, thương mại có giá ngạch; chi phí khi các bên thống nhất lựa chọn địa điểm hòa giải, đối thoại ngoài trụ sở tòa án; chi phí khi hòa giải viên xem xét hiện trạng tài sản liên quan đến vụ việc dân sự, khiếu kiện hành chính mà tài sản đó nằm ngoài phạm vi địa giới hành chính của tỉnh nơi tòa án có thẩm quyền giải quyết có trụ sở; chi phí phiên dịch tiếng nước ngoài...

Như vậy, nếu anh chị em của anh tham gia hòa giải, đối thoại tại tòa và đạt được sự thỏa thuận, thống nhất với nhau toàn bộ việc chia di sản thừa kế, thể hiện quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, điều này rất tốt vì giữ được tình cảm giữa anh chị em trong gia đình và không phải chịu chi phí hòa giải.

Lưu ý, quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, có hiệu lực thi hành, không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm.

LS Ngô Văn Định

Tin xem nhiều