Báo Đồng Nai điện tử
En

Chấn chỉnh việc ‘mượn’ danh luật sư, công ty luật để hoạt động

Đoàn Phú
08:51, 15/01/2024

Hoạt động luật sư được điều chỉnh bởi Luật Luật sư năm 2006, được sửa đổi, bổ sung năm 2012 (gọi tắt là Luật Luật sư năm 2012). Theo đó, hoạt động luật sư, tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý phải đăng ký với cơ quan tư pháp cấp tỉnh.

Người dân, doanh nghiệp cần cảnh giác với các tờ rơi, rao vặt về dịch vụ pháp lý được phát, dán tràn lan ngoài đường, khu dân cư. Ảnh: Đ.Phú
Người dân, doanh nghiệp cần cảnh giác với các tờ rơi, rao vặt về dịch vụ pháp lý được phát, dán tràn lan ngoài đường, khu dân cư. Ảnh: Đ.Phú

Tuy nhiên, thời gian qua phát sinh tình trạng một số tổ chức, cá nhân lấy tên doanh nghiệp (DN) với cụm từ “Luật…”,  “Tư vấn luật…” và đăng ký hoạt động theo Luật DN năm 2020 (sửa đổi) gây nhầm lẫn cho người dân, tổ chức đó là hoạt động của tổ chức hành nghề luật sư, hoạt động theo Luật Luật sư năm 2012.

* “Mượn” danh luật sư hoạt động dịch vụ pháp lý

Trên địa bàn Đồng Nai hiện có trên 85 DN đăng ký hoạt động với tên gọi của DN có cụm từ “Luật…”, “Tư vấn luật…” nhưng không phải là tổ chức hành nghề luật sư đăng ký hoạt động theo Luật Luật sư năm 2012. Bên cạnh đó, cũng có rất nhiều cá nhân cũng “mượn” cụm từ này để treo bảng quảng cáo nhưng không đăng ký hoạt động tại Sở KH-ĐT hay Sở Tư pháp.

Theo phản ảnh của Đoàn Luật sư tỉnh, việc DN lấy tên có cụm từ “Luật…”, “Tư vấn pháp luật…” đăng ký hoạt động theo Luật DN năm 2020 (sửa đổi), chứ không phải theo Luật Luật sư năm 2012 nhưng vẫn hoạt động trong lĩnh vực tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý, tham gia tố tụng, đại diện ngoài tố tụng cho khách hàng sẽ gây ra sự ngộ nhận đó là tổ chức, cá nhân hành nghề luật sư theo Luật Luật sư năm 2012 với những điều kiện khá khắt khe như: phải qua đào tạo kỹ năng nghề luật sư, đậu kỳ thi luật sư sau khi tập sự để trở thành luật sư chính thức, được Sở Tư pháp cấp giấy phép hành nghề…

Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Lê Quang Y bày tỏ, việc cá nhân, tổ chức có hành vi giả mạo luật sư hoặc giả mạo tổ chức hành nghề luật sư để hoạt động tư vấn pháp luật, cung cấp dịch vụ pháp lý, đại diện theo pháp luật tham gia tố tụng (mặc dù không đủ điều kiện, không thực hiện đăng ký, không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép thực hiện chức năng, nhiệm vụ, ngành nghề này) nhằm lừa dối người dân để trục lợi là hành vi cần phải lên án và thông tin cho người dân biết để phòng tránh.

Cũng theo luật sư Lê Quang Y, các cá nhân, tổ chức có hành vi giả mạo luật sư hoặc giả mạo tổ chức hành nghề luật sư còn công khai thực hiện truyền thông, quảng cáo bằng các hình thức như dán tờ rơi, treo bảng hiệu, đăng tải thông tin trên trang Facebook, Zalo cá nhân, cá biệt có trường hợp quảng bá rộng rãi thông tin trên website của công ty hoạt động dưới hình thức văn phòng đại diện, chi nhánh hành nghề trên địa bàn tỉnh… Việc này ảnh hưởng tiêu cực tới hoạt động nghề nghiệp lành mạnh, chân chính, tuân thủ pháp luật, hình ảnh của giới luật sư và công tác quản lý nhà nước đối với luật sư, tổ chức hành nghề luật sư trên địa bàn tỉnh.

Trước thực trạng này, ngày 9-1-2024, Sở Tư pháp đã có văn bản về việc thông tin, tuyên truyền về các tổ chức, cá nhân hành nghề luật sư trên địa bàn tỉnh Đồng Nai để người dân và DN biết để liên hệ. Văn bản trên đánh giá, việc DN được đăng ký hoạt động với tên gọi của DN có từ, cụm từ: “Luật…”, “Tư vấn luật…” nhưng không có chức năng, không hành nghề luật sư nên gây nhầm lẫn, hiểu lầm với các công ty luật, văn phòng luật sư và các chi nhánh tổ chức hành nghề luật sư được đăng ký hoạt động và hành nghề trong lĩnh vực luật sư trên địa bàn tỉnh; khuyến cáo người dân, DN trên địa bàn lựa chọn đúng tổ chức có chức năng cung cấp dịch vụ pháp lý, tư vấn pháp luật khi có nhu cầu về dịch vụ pháp lý.

* Cần được chấn chỉnh

Luật sư Hà Mạnh Tường, Chánh Văn phòng Đoàn Luật sư tỉnh cho biết, việc DN đăng ký thành lập với tên gọi có cụm từ “Luật…”, “Tư vấn luật…” được Bộ Tư pháp và Bộ KH-ĐT có ý kiến khá rõ tại các văn bản số  3575/BTP-BTTP ngày 25-9-2020 của Bộ Tư pháp về việc đăng ký hoạt động tư vấn pháp luật, dịch vụ pháp lý và văn bản số 4750/BKHĐT-ĐKKD ngày 23-7-2020 của Bộ KH-ĐT về việc đăng ký kinh doanh ngành, nghề tư vấn pháp luật, dịch vụ pháp lý.

“Thực tế là thời gian qua xảy ra tình trạng khá nhức nhối và phức tạp là cùng một loại hình dịch vụ tư vấn pháp luật nhưng có 2 hệ thống đăng ký tồn tại song song với điều kiện, trình tự, thủ tục đăng ký khác nhau. Đây chính là kẽ hở dẫn tới hiện tượng tư vấn, dịch vụ pháp lý trá hình hoạt động chui” - luật sư VŨ DUY NAM (Đoàn Luật sư tỉnh) cho biết.

Theo đó, trường hợp DN kinh doanh ngành, nghề “Hoạt động đại diện, tư vấn pháp luật” (bao gồm hoạt động “tham gia tố tụng”, “đại diện ngoài tố tụng cho khách hàng”) thì phải đảm bảo đủ điều kiện theo quy định của Luật Luật sư năm 2012 và thực hiện đăng ký tại Sở Tư pháp theo quy định của Luật Luật sư năm 2012 và Nghị quyết số 65/2006/NQ-QH11 ngày 29-6-2006 của Quốc hội về việc thi hành Luật Luật sư (gọi tắt Nghị quyết số 65), không thực hiện thủ tục đăng ký DN đối với mã ngành này theo quy định của Luật DN năm 2020 (sửa đổi) và các văn bản hướng dẫn thi hành tại cơ quan đăng ký kinh doanh.

Riêng trường hợp DN đăng ký kinh doanh ngành, nghề bao gồm cụm từ “tư vấn pháp luật”, “dịch vụ pháp lý” thì phải đảm bảo đủ điều kiện theo quy định của Luật Luật sư năm 2012 và thực hiện đăng ký tại Sở Tư pháp theo đúng quy định của Luật Luật sư năm 2012 và Nghị quyết số 65, không thực hiện thủ tục đăng ký DN đối với ngành, nghề này theo quy định của Luật DN năm 2020 (sửa đổi) và các văn bản hướng dẫn thi hành tại cơ quan đăng ký kinh doanh. Trường hợp DN đăng ký kinh doanh hoạt động tư vấn và dịch vụ khác mà ngành, nghề kinh doanh không bao gồm cụm từ “tư vấn pháp luật”, “dịch vụ pháp lý” (ví dụ: tư vấn tài chính; tư vấn thuế; tư vấn đăng ký DN; tư vấn du học; dịch vụ xin visa, giấy phép lao động, thẻ tạm trú cho người nước ngoài...) thì thực hiện thủ tục đăng ký DN theo quy định của Luật DN năm 2020 (sửa đổi) và các văn bản hướng dẫn thi hành tại cơ quan đăng ký kinh doanh.

Đối với các DN đã được cơ quan đăng ký kinh doanh cấp giấy chứng nhận đăng ký DN theo quy định tại Luật DN kinh doanh ngành, nghề có cụm từ “tư vấn pháp luật”, “dịch vụ pháp lý”, “tham gia tố tụng”, “đại diện ngoài tố tụng” thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Luật sư năm 2012, DN có trách nhiệm đảm bảo đủ điều kiện theo quy định của Luật Luật sư năm 2012 và thực hiện đăng ký lại tại Sở Tư pháp theo đúng quy định của Luật Luật sư và Nghị quyết số 65.

Đoàn Phú

Tin xem nhiều
luật sư chuyên về tranh chấp đất đai hướng dẫn kiện tụng kiện tụng tại tòa án