* Hỏi: Anh chị em chúng tôi tranh chấp về tài sản chung, tại trung tâm hòa giải - đối thoại đã hòa giải thành. Chúng tôi cần làm gì để việc hòa giải được thi hành hoặc cưỡng chế thi hành. Xin được luật sư tư vấn.
Nguyễn Thị Huế (TP.Biên Hòa)
- Trả lời: Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án năm 2020 quy định: Hòa giải thành là thông qua hòa giải, các bên tham gia hòa giải tự nguyện thỏa thuận về việc giải quyết toàn bộ hoặc một phần vụ việc dân sự mà phần này không liên quan đến những phần khác của vụ việc dân sự đó.
Thủ tục ra quyết định công nhận hoặc không công nhận kết quả hòa giải thành tại tòa án như sau: Sau khi lập biên bản ghi nhận kết quả hòa giải, hòa giải viên chuyển biên bản cùng tài liệu kèm theo cho tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ việc dân sự, để ra quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, trong trường hợp các bên có yêu cầu.
Quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, có hiệu lực pháp luật và không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015. Quyết định công nhận kết quả hòa giải thành được thi hành theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự.
Do các anh chị em của bà đã tự nguyện thỏa thuận về việc giải quyết toàn bộ vụ việc liên quan đến chia tài sản chung nên tại phiên họp ghi nhận kết quả hòa giải thành, các anh chị em cần phải yêu cầu tòa án công nhận kết quả hòa giải thành. Vì chỉ có quyết định hòa giải thành mới có giá trị thi hành hoặc cưỡng chế theo pháp luật về thi hành án dân sự.
Lưu ý, tại phiên họp ghi nhận kết quả hòa giải thành, các anh chị em của bà cần phải yêu cầu tòa án công nhận kết quả hòa giải thành, đây là thủ tục bắt buộc.
Luật sư Ngô Văn Định
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin