Báo Đồng Nai điện tử
En

Người lao động quan tâm về tiền thưởng, nghỉ lễ, Tết dịp cuối năm

Đoàn Phú
09:02, 19/12/2023

Chế độ nghỉ hàng tuần, năm, lễ, Tết là chế độ đãi ngộ theo quy định của pháp luật lao động dành cho người lao động (NLĐ). Mục tiêu của chính sách này nhằm tạo điều kiện cho NLĐ có thời gian nghỉ ngơi, tái tạo sức lao động, sum họp gia đình, hưởng thụ văn hóa…

Luật gia Phạm Đình Đức (Hội Luật gia TP.Biên Hòa, bên phải) tư vấn cho người lao động về tiền thưởng, làm việc ngày nghỉ lễ, Tết. Ảnh: Đoàn Phú

Vì vậy, khi năm hết, Tết đến, NLĐ rất quan tâm đến vấn đề tiền thưởng, quy định nghỉ năm, lễ, Tết.

* Luật cho phép NLĐ được nghỉ những ngày nào?

Việc luật hóa nhiều vấn đề bắt buộc người sử dụng lao động (NSDLĐ) phải tuân thủ về thời gian nghỉ ngơi đối với NLĐ như: trong giờ làm việc, chuyển ca, hàng tuần, năm, lễ, Tết… không chỉ là chính sách nhân văn, mà còn thể hiện quyền của NLĐ trong quan hệ lao động. Vấn đề này được Bộ luật Lao động năm 2019 và các văn bản có liên quan quy định và hướng dẫn khá cụ thể, chi tiết.

Cụ thể, theo Bộ luật Lao động năm 2019, NLĐ làm việc theo thời giờ làm việc trong điều kiện bình thường (8 giờ/ngày, 48 giờ/tuần) từ 6 giờ trở lên trong 1 ngày thì được nghỉ giữa giờ ít nhất 30 phút liên tục, làm việc ban đêm thì được nghỉ giữa giờ ít nhất 45 phút liên tục (Khoản 1, Điều 109); NLĐ làm việc theo ca được nghỉ ít nhất 12 giờ trước khi chuyển sang ca làm việc khác (Điều 110); Mỗi tuần, NLĐ được nghỉ ít nhất 24 giờ liên tục. Trong trường hợp đặc biệt do chu kỳ lao động không thể nghỉ hàng tuần thì NSDLĐ có trách nhiệm bảo đảm cho NLĐ được nghỉ tính bình quân 1 tháng ít nhất 4 ngày (Điều 111).

Khoản 2, Điều 18 Nghị định 12/2022/NĐ-CP ngày 17-1-2022 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng lao động có quy định, phạt tiền từ 10-20 triệu đồng đối với NSDLĐ có hành vi vi phạm quy định của pháp luật về nghỉ hàng tuần, nghỉ hàng năm hoặc nghỉ lễ, Tết.

Đặc biệt, Điều 112 Bộ luật Lao động năm 2019 có quy định, NLĐ được nghỉ làm việc trong Tết Dương lịch 1 ngày (ngày 1-1 dương lịch); Tết âm lịch 5 ngày; Ngày Chiến thắng 1 ngày (ngày 30-4 dương lịch); Ngày quốc tế Lao động 1 ngày (ngày 1-5 dương lịch); Quốc khánh 2 ngày (ngày 2-9 dương lịch và 1 ngày liền kề trước hoặc sau); Ngày Giỗ tổ Hùng Vương 1 ngày (ngày mùng 10-3 âm lịch).

Để hướng dẫn ngày nghỉ Tết âm lịch và nghỉ lễ Quốc khánh năm 2024 đối với cán bộ, công chức, viên chức và NLĐ theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Công văn số 8662/VPCP-KGVX ngày 3-11-2023 của Văn phòng Chính phủ về việc nghỉ Tết Âm lịch và nghỉ lễ Quốc khánh năm 2024 đối với cán bộ, công chức, viên chức và NLĐ, Bộ LĐ-TBXH đã ban hành Thông báo số 5015/TB-LĐTBXH ngày 22-11-2023 về việc hướng dẫn nghỉ Tết âm lịch và nghỉ lễ Quốc khánh năm 2024 đối với NLĐ ngoài cơ quan hành chính, sự nghiệp, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội.

Cụ thể, NSDLĐ được lựa chọn một trong các phương án nghỉ Tết âm lịch như sau: 1 ngày cuối năm Quý Mão 2023 và 4 ngày đầu năm Giáp Thìn 2024; 2 ngày cuối năm Quý Mão 2023 và 3 ngày đầu năm Giáp Thìn 2024; 3 ngày cuối năm Quý Mão 2023 và 2 ngày đầu năm Giáp Thìn 2024 sau khi đã bàn bạc thống nhất với NLĐ, tổ chức đại diện cho NLĐ.

Đối với dịp nghỉ lễ Quốc khánh 2024: nghỉ thứ hai ngày 2-9-2024 dương lịch và lựa chọn một trong 2 ngày: chủ nhật ngày 1-9-2024 hoặc thứ ba ngày 3-9-2024 dương lịch. Nếu ngày nghỉ hàng tuần trùng với ngày nghỉ lễ, Tết quy định thì NLĐ được nghỉ bù ngày nghỉ hàng tuần vào ngày làm việc kế tiếp theo quy định của Bộ luật Lao động năm 2019.

* NLĐ không nghỉ thì được hưởng quyền lợi gì?

Mặc dù Bộ luật Lao động năm 2019 có quy định cụ thể về những nhóm ngày nghỉ luật bắt buộc NSDLĐ phải thực hiện nghiêm về chế độ nghỉ ngơi cho NLĐ như: nghỉ hàng tuần, phép năm, thai sản… Hoặc luật cho phép giữa NSDLĐ và NLĐ thỏa thuận vẫn làm việc do nhu cầu, mục đích công việc của hai bên. Tuy nhiên, vấn đề này không phải NLĐ nào cũng nắm bắt được để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình khi NSDLĐ không tuân thủ, nhất là những dịp năm hết, Tết đến có nhiều ngày nghỉ theo quy định.

Cụ thể, NLĐ Phạm Thị Bích (ngụ xã Tân Bình, H.Vĩnh Cửu) muốn biết quy định được nghỉ lễ Noel, Tết dương lịch và âm lịch nhưng nếu vẫn đi làm thì NSDLĐ giải quyết chế độ tiền lương ra sao? Hay NLĐ Thạch Phúc (ngụ xã Hàng Gòn, TP.Long Khánh) thắc mắc, đồng bào dân tộc thiểu số Khmer có được nghỉ thêm ngày Tết cổ truyền của dân tộc Khmer không? Hoặc NLĐ Nguyễn Văn Hùng (ngụ P.Tân Mai, TP.Biên Hòa) muốn được tư vấn, Tết dương lịch, âm lịch luật có bắt buộc NSDLĐ phải thưởng thêm tháng lương 13 cho NLĐ?...

Vấn đề này, theo luật sư Nguyễn Quang Khiêm (Hội Luật gia tỉnh), hiện pháp luật về lao động không có quy định nào bắt buộc NSDLĐ phải cho NLĐ nghỉ làm việc ngày lễ Noel (ngày 24-12 hàng năm), nghỉ Tết cổ truyền dân tộc của đồng bào dân tộc thiểu số. Do đó, người dân tộc thiểu số không được nghỉ làm vào ngày Tết cổ truyền dân tộc của đồng bào dân tộc thiểu số.

Cũng theo luật sư Nguyễn Quang Khiêm, pháp luật lao động không quy định bắt buộc NSDLĐ phải thưởng lương tháng 13, tháng 14 cho NLĐ, mà việc thưởng này được thực hiện theo Điều 104 Bộ luật Lao động năm 2019. Theo đó, căn cứ vào kết quả sản xuất, kinh doanh, mức độ hoàn thành công việc của NLĐ trong tháng, quý, năm mà NSDLĐ thưởng bằng tiền hay hiện vật cho NLĐ.

Bên cạnh đó, Điều 98 Bộ luật Lao động năm 2019 cũng quy định rõ, NLĐ làm việc ngày nghỉ Tết dương lịch, Tết âm lịch thì ngoài hưởng tiền lương những ngày được nghỉ, NLĐ còn được hưởng thêm ít nhất bằng 300% tiền lương khi làm việc.

Đoàn Phú

Tin xem nhiều
Lazada tuyển dụng mới nhấtGiải pháp quà tặng doanh nghiệp hàng đầuGiá In lịch độc quyền 2025