Để bảo đảm an toàn cho mọi người, ngăn ngừa bùng phát bệnh dại cũng như giữ gìn bộ mặt mỹ quan của thành phố, trong thời gian tới, xử lý chó thả rông là việc làm cần mạnh tay và kiên quyết.
Người dân cần tiêm vaccine phòng bệnh dại cho chó nuôi. Ảnh: P.Liễu |
Theo đó, ngoài tăng cường công tác tuyên truyền, tăng chế tài xử phạt đối với những chủ nuôi để chó thả rông, cho chó ra đường thiếu biện pháp an toàn thì việc tổ chức bắt chó thả rông là một hình thức răn đe cần tiến hành kịp thời.
* Quản lý chó thả rông cần bắt đầu từ cơ sở
Trước đây, việc bắt chó thả rông thuộc trách nhiệm của Chi cục Chăn nuôi và thú y Đồng Nai (Sở NN-PTNT), nhưng từ năm 2018, thực hiện Thông tư số 07/2016/TT-BNNPTNT ngày 31-5-2016 của Bộ NN-PTNT quy định về phòng, chống dịch bệnh động vật trên cạn thì việc bắt chó thả rông được giao cho UBND các phường, xã, thị trấn. Tuy nhiên, lãnh đạo nhiều địa phương cho rằng, cấp cơ sở đã có quá nhiều việc phải làm, thêm việc xử lý chó thả rông trong điều kiện thiếu đủ thứ từ nguồn nhân lực đến kinh phí, địa điểm nuôi thả, chăm sóc sau khi bắt chó về… là làm khó cơ sở.
Phó chủ tịch UBND P.Long Bình (TP.Biên Hòa) Trần Văn Thắng cho hay, trên địa bàn phường hiện còn nhiều hộ dân nuôi chó, cũng có tình trạng chó thả rông. Tuy nhiên, việc xử lý chó thả rông rất khó khăn vì đó là việc xảy ra bất chợt, địa điểm không cố định. Ngay cả khi người dân có phản ảnh, phường cử người đến nơi thì con chó đó đã về nhà hoặc chạy đi chỗ khác nên hầu như không xử lý được.
Cùng băn khoăn trên, Chủ tịch UBND P.Tân Mai (TP.Biên Hòa) Trần Quang Minh chia sẻ, địa phương gặp rất nhiều khó khăn với công tác kiểm tra, giám sát chó chạy rông ngoài đường, bởi không có nhân sự để làm.
“Tôi đồng tình với việc tổ chức bắt chó thả rông. Nhưng muốn làm cũng không dễ, bởi cần phải có nhân lực, kinh phí cho việc thành lập, hoạt động và duy trì tổ bắt chó thả rông, chưa kể phải có nơi nuôi nhốt, cho ăn, trông nom những con chó sau khi bắt về trong thời gian chờ xử lý. Thời gian tới, UBND phường tiếp tục chủ động tuyên truyền, nâng cao ý thức người dân về tự quản lý chó nuôi, tuân thủ việc tiêm phòng bệnh dại cho chó cũng như không để chó chạy rông trên đường gây nguy hiểm cho người khác” - ông Minh nói.
Ông HUỲNH TẤN THÀNH (ngụ P.Tân Tiến, TP.Biên Hòa) cho biết: “Tôi thích chó, trong nhà đang nuôi 2 con. Để không gây ảnh hưởng đến hàng xóm, đến cộng đồng, tôi thường cho chó chơi trong sân, cũng như làm cho chó một “nhà vệ sinh” bằng cát ở góc sân và xử lý sạch sẽ, gọn gàng. Cứ định kỳ 9 tháng, tôi lại đưa chó đi tiêm phòng bệnh dại. Nếu nuôi mà không quản được vật nuôi của mình, để chúng cắn người, phóng uế ngoài đường, gây tai nạn giao thông... thì thà không nuôi”. |
Rõ ràng, hoạt động giám sát tình trạng chó thả rông tại các địa phương gặp khó khăn, địa phương nào nỗ lực lắm cũng chỉ hạn chế được phần nào. Theo Chủ tịch UBND P.Tân Hòa Nguyễn Anh Tuấn, hiện ngày nào Đội Trật tự đô thị của phường cũng đi tuần tra, xử lý tình trạng lấn chiếm lòng, lề đường nên “kiêm” luôn việc nhắc nhở những hộ dân nuôi chó không để chó chạy ra đường; đồng thời, phối hợp với cơ quan thú y để tiêm phòng bệnh dại cho chó.
Qua trao đổi với lãnh đạo nhiều xã, phường ở TP.Biên Hòa, từ đầu năm 2023 đến nay rất hiếm có trường hợp chủ nuôi bị xử lý hành chính bởi hành vi không đăng ký vật nuôi, để chó chạy rông hay cho chó ra đường mà không rọ mõm. Trừ trường hợp chó cắn người gây thương tích hoặc phát hiện mang bệnh dại mới cùng với cơ quan chức năng tiến hành xử lý. Bởi thế, việc quản lý chó thả rông tại nhiều địa phương vẫn còn bỏ ngỏ.
Về việc tổ chức các đội bắt chó, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và thú y Đồng Nai Nguyễn Trường Giang cho biết, đây là trách nhiệm của các địa phương và chi cục đã làm việc với các huyện, thành phố về vấn đề này. Theo đó, chi cục sẽ lo khâu tập huấn nghiệp vụ, hỗ trợ công cụ bắt chó nhưng còn nhân lực, tổ chức nuôi nhốt, quản lý và xử lý chó sau khi bắt về là trách nhiệm của địa phương. Địa phương nào thống nhất thì chi cục sẽ phối hợp thực hiện.
Theo lãnh đạo một số huyện và thành phố, khó khăn nhất hiện nay vẫn là vấn đề kinh phí cho việc tổ chức, hoạt động, duy trì các đội bắt và xử lý chó sau khi bắt về.
Phó chủ tịch UBND TP.Biên Hòa Nguyễn Xuân Thanh cho biết, thực hiện kế hoạch của tỉnh, UBND TP.Biên Hòa đang chỉ đạo các phường, xã tăng cường công tác tuyên truyền, tuần tra, giám sát và nhắc nhở người dân. Còn việc thành lập đội bắt chó thả rông, thành phố đang xem xét, cân đối nguồn ngân sách.
Tuy nhiên, về lâu dài vẫn nên tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, nhắc nhở các hộ nuôi thực hiện đăng ký và quản lý vật nuôi, không thả chó chạy rông, ra đường phải có người dắt, có dây xích, có rọ mõm và nhất là tiêm phòng bệnh dại cho chó. Thành phố cũng đang chuẩn bị việc tổ chức một điểm tiêm vaccine phòng bệnh dại có đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị, vật tư, nguồn lực cho điều trị dự phòng, đảm bảo đủ trang thiết bị, vaccine và huyết thanh kháng bệnh dại.
* Bắt chó thả rông, kinh nghiệm từ các tỉnh bạn
Hiện nay, Đồng Nai cũng như nhiều tỉnh, thành đã xác định việc tổ chức quản lý, xử lý, bắt chó thả rông là việc cần phải làm ngay, không thể chủ quan hay chần chừ, bởi hậu quả gây ra chính là mạng sống và sức khỏe của người dân trong cộng đồng. Tuy nhiên, mỗi địa phương có những cách làm riêng mà Đồng Nai cũng cần tham khảo.
Chẳng hạn, tại TP.Hà Nội, từ cuối năm 2022 đến nay, đã thành lập hơn 600 đội bắt chó thả rông trên toàn thành phố. Cứ mỗi tháng, các đội này tổ chức ra quân bắt chó từ 3-5 lần. Thành phố cũng khuyến khích người dân dùng điện thoại ghi hình và báo cho khu phố, cảnh sát khu vực. Từ cơ sở này, khu phố sẽ tổ chức họp, phê bình, nhắc nhở. Nếu người nuôi chó cố tình tái phạm thì khu phố báo lên phường, phường sẽ lập biên bản, thu thập chứng cứ xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật.
Còn tại TP.HCM, nhiều quận, huyện cũng tổ chức đội bắt chó thả rông. Hiệu quả nhất là tại TP.Thủ Đức. Chó bắt về được cán bộ thú y phối hợp thực hiện ghi nhận chi tiết về hình dáng, cân nặng, địa điểm bắt giữ, sau đó nuôi nhốt, chăm sóc trong vòng 48 giờ. Trong thời gian này, UBND phường thông báo đến người dân, nếu chủ nuôi đến, trình được giấy chứng nhận đã tiêm phòng, đóng phạt với mức 1,9 triệu đồng/con (theo Khoản 3, Điều 2, Nghị định 04/2020/NĐ-CP) sẽ được nhận chó về chăm sóc, kèm theo phải làm cam kết không tiếp tục thả chó chạy rông. Quá 48 giờ, chủ nuôi không tới đóng phạt nhận chó, UBND phường sẽ làm thủ tục bàn giao cho Trường trung cấp Nông nghiệp TP.HCM để phục vụ nghiên cứu, giảng dạy.
Tại tỉnh Nam Định, lãnh đạo tỉnh yêu cầu chính quyền các huyện và thành phố phải tổ chức quản lý chặt chẽ đàn chó nuôi theo quy định. Đồng thời, yêu cầu phải rà soát, tiêm phòng bổ sung vaccine phòng bệnh dại cho đàn chó, mèo đảm bảo tỷ lệ tiêm đạt ít nhất 80% tổng đàn nhằm ngăn ngừa bệnh dại phát sinh, lây lan. Tăng cường việc kiểm tra, chấn chỉnh, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm quy định về phòng, chống bệnh dại theo quy định của pháp luật. Địa phương nào để xảy ra tình trạng chó thả rông cắn người thì chủ tịch UBND địa phương đó sẽ phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh.
Trong tình hình dịch bệnh dại đang có nguy cơ bùng phát và sẽ diễn biến phức tạp, nếu những ca bị chó dại cắn ngày một nhiều lên, tất nhiên trách nhiệm trước hết sẽ thuộc về lãnh đạo các địa phương. Tuy nhiên, người nuôi vẫn phải có ý thức trách nhiệm trong công tác quản lý vật nuôi để trước hết bảo đảm an toàn cho mình, sau là cho cộng đồng.
Phương Liễu
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin