Báo Đồng Nai điện tử
En

Dự thảo Luật Chuyển đổi giới tính: Cần tiếp tục hoàn thiện

Đoàn Phú
09:01, 26/12/2023

Dự thảo Luật Chuyển đổi giới tính (viết tắt Dự thảo Luật CĐGT) được công bố trên Cổng thông tin Chính phủ thu hút sự quan tâm của nhiều người, nhất là người chuyển giới.

Các đồng đẳng viên TP.Biên Hòa tham dự tuyên truyền về bình đẳng giới do Hội Luật gia tỉnh tổ chức. Ảnh tư liệu: Đ.Phú

Dự thảo Luật CĐGT có 7 chương, 33 điều quy định về: phạm vi điều chỉnh, nguyên tắc chuyển đổi giới, các phương pháp thực hiện can thiệp y học để CĐGT…

* Quyền của người chuyển giới

Quyền CĐGT được Bộ luật Dân sự năm 2015 thừa nhận. Cụ thể, quyền này được Điều 37 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định, việc CĐGT được thực hiện theo quy định của luật. Cá nhân CĐGT có quyền, nghĩa vụ đăng ký thay đổi hộ tịch theo quy định của pháp luật về hộ tịch; có quyền nhân thân phù hợp với giới tính đã được chuyển đổi theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015 và luật khác có liên quan.

Do Bộ luật Dân sự năm 2015 và các luật khác có liên quan chưa quy định cụ thể về quyền và nghĩa vụ của người CĐGT, người đề nghị can thiệp y học để CĐGT; quy trình, thủ tục đối với người đề nghị can thiệp y học để CĐGT, đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thực hiện can thiệp y học để CĐGT; công nhận giới tính nữ hoặc nam đối với người CĐGT; quản lý nhà nước về CĐGT nên việc CĐGT của người chuyển giới vẫn còn bỏ ngỏ. Vì vậy, Dự thảo Luật CĐGT ra đời nhằm tạo hành lang pháp lý cho những người mong muốn được y học can thiệp và pháp luật công nhận việc CĐGT của mình.

Điểm d, Khoản 1, Điều 25 Dự thảo Luật CĐGT quy định, một trong các điều kiện để được cấp giấy xác nhận giới tính là đã can thiệp y học để CĐGT. Điều này có nghĩa là công dân bắt buộc thực hiện can thiệp y học để CĐGT thì mới được Nhà nước thừa nhận là người chuyển giới.

Tại Điều 7 Dự thảo Luật CĐGT quy định 17 nhóm quyền của người chuyển giới như: được công nhận giới tính mới sau khi đã can thiệp y học để  CĐGT khi đáp ứng đủ điều kiện theo quy định của Dự thảo Luật CĐGT. Được lựa chọn phương pháp can thiệp y học để CĐGT phù hợp với sức khỏe, mong muốn và khả năng tài chính của mình. Được tôn trọng, bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín, đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình và các quyền riêng tư khác theo quy định của pháp luật. Được bảo đảm các quyền khác theo quy định của Hiến pháp và pháp luật…

Trong đó, đáng chú ý nhất là nhóm quyền về: được giữ nguyên quan hệ cha, mẹ, con cũng như quyền và nghĩa vụ từ quan hệ hôn nhân - gia đình trước khi CĐGT, bao gồm cả việc nhận nuôi con nuôi. Được lưu giữ tinh trùng, trứng để duy trì nòi giống thông qua các dịch vụ sinh sản phù hợp với đạo lý và pháp luật Việt Nam. Được bảo lưu thông tin trên các văn bằng, chứng chỉ đã được cấp trước khi CĐGT. Được tư vấn, hỗ trợ về tâm lý, y tế và pháp lý trước và trong quá trình thực hiện can thiệp y học để CĐGT. Có đầy đủ quyền nhân thân phù hợp với giới tính đã được chuyển đổi theo quy định của pháp luật dân sự và pháp luật khác có liên quan.

* Cần hoàn thiện hơn

Khoản 7, Điều 5 Dự thảo Luật CĐGT quy định, nghiêm cấm công dân thực hiện CĐGT 2 lần trở lên trong đời. Trong khi đó, Khoản 1, Điều 6 của Dự thảo Luật CĐGT quy định, công dân chỉ được CĐGT một lần trong đời.

Theo luật gia Nguyễn Văn Lộc (Hội Luật gia TP.Biên Hòa), 2 quy định này về bản chất và ngữ nghĩa được hiểu là pháp luật chỉ cho phép công dân chỉ được CĐGT 1 lần trong đời. Do 2 quy định này cùng quy định 1 vấn đề nhưng cách dùng thuật ngữ diễn đạt khác nhau nên dễ dẫn đến hiểu sai như: được CĐGT dưới 1 lần, hoặc trên 1 lần và dưới 2 lần trong đời. Do đó, bỏ quy định tại Khoản 7, Điều 5 Dự thảo Luật CĐGT và giữ lại quy định tại Khoản 1, Điều 6 của Dự thảo Luật CĐGT là ưu việt nhất.

Ngoài ra, Khoản 1, Điều 10 Dự thảo Luật CĐGT quy định, độ tuổi thực hiện can thiệp y học được quy định như sau: Người từ đủ 18 tuổi trở lên đối với các phương pháp can thiệp y học quy định tại Điều 9 của Dự thảo Luật CĐGT, trừ trường hợp quy định tại Điểm b khoản này (người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi nếu được cơ sở khám bệnh, chữa bệnh xác nhận có tình trạng bức bối giới quá mức thì được thực hiện phương pháp can thiệp y học quy định tại Khoản 1, Điều 9 của Dự thảo Luật CĐGT và khi được sự đồng ý của cha, mẹ hoặc người giám hộ).

Theo các chuyên gia pháp lý, việc Dự thảo Luật CĐGT chỉ cho phép 2 nhóm đối tượng được đề nghị can thiệp y học để CĐGT theo Điểm a, Điểm b, Khoản 1 là còn giới hạn quyền này đối với đối tượng là trẻ em (dưới 16 tuổi). Bởi đây là quyền của trẻ em đã được Điều 35 Luật Trẻ em năm 2016 quy định, trẻ em khuyết tật được hưởng đầy đủ các quyền của trẻ em và quyền của người khuyết tật theo quy định của pháp luật; được hỗ trợ, chăm sóc, giáo dục đặc biệt để phục hồi chức năng, phát triển khả năng tự lực và hòa nhập xã hội. Đồng thời, phù hợp với Khoản 1, Điều 2 Luật Người khuyết tật năm 2010 (người khuyết tật là người bị khiếm khuyết một hoặc nhiều bộ phận cơ thể hoặc bị suy giảm chức năng được biểu hiện dưới dạng tật khiến cho lao động, sinh hoạt, học tập gặp khó khăn) và tại Khoản 1, Điều 2 Nghị định 88/2008/NĐ-CP của Chính phủ ngày 5-8-2008 về xác định lại giới tính (khuyết tật bẩm sinh về giới tính là những bất thường ở bộ phận sinh dục của một người ngay từ khi mới sinh ra, biểu hiện ở một trong các dạng như nữ lưỡng giới giả nam, nam lưỡng giới giả nữ hoặc lưỡng giới thật).

Do đó, các chuyên gia pháp lý góp ý cho Điều 10 của Dự thảo Luật CĐGT như sau: bổ sung thêm nhóm độ tuổi dưới 16 tuổi vào Khoản 1.

Khoản 1, Điều 22 Dự thảo Luật CĐGT quy định, trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước có trách nhiệm tư vấn pháp lý cho người có nhu cầu CĐGT, người đề nghị can thiệp y học để CĐGT, người đã can thiệp y học để CĐGT nhưng chưa thực hiện thủ tục hộ tịch, người CĐGT.

Các chuyên gia pháp lý góp ý, Dự thảo Luật CĐGT quy định như vậy là chưa phù hợp, chưa công bằng, nhất là chưa tạo sự bình đẳng cho người CĐGT tự mình được quyền lựa chọn dịch vụ tư vấn pháp lý thuận lợi. Bởi vì, ngoài đội ngũ trợ giúp viên pháp lý nhà nước, xã hội còn có các tổ chức hành nghề luật sư, Hội Luật gia với đội ngũ đông đảo, giỏi chuyên môn, khả năng, năng lực tư vấn cho các đối tượng trên.

Đoàn Phú

Tin xem nhiều