Báo Đồng Nai điện tử
En

Cần giải pháp quyết liệt để ngăn thịt bẩn tràn lan trên thị trường

Kim Liễu
08:42, 25/12/2023

Vụ việc lực lượng chức năng phát hiện hơn 450kg thịt bẩn tại chợ Tam Hòa (TP.Biên Hòa) mới đây, đã gây lo lắng cho nhiều người tiêu dùng.

Thịt heo không đảm bảo an toàn vệ sinh được một lò mổ tại P.Long Bình (TP.Biên Hòa) sơ chế chuẩn bị mang đi tiêu thụ, bị cơ quan chức năng phát hiện, xử lý ngày 14-8. Ảnh: Trần Danh
Thịt heo không đảm bảo an toàn vệ sinh được một lò mổ tại P.Long Bình (TP.Biên Hòa) sơ chế chuẩn bị mang đi tiêu thụ, bị cơ quan chức năng phát hiện, xử lý ngày 14-8. Ảnh: Trần Danh

Dư luận mong muốn cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm để đảm bảo chất lượng nguồn cung thực phẩm. Nhất là khi Tết đang cận kề, đây là thời điểm mà nhu cầu tiêu thụ các loại thịt tăng cao.

* Bất an với thịt bẩn

Bạn đọc (BĐ) Trần Thị Hòe (ngụ P.Tam Hiệp, TP.Biên Hòa) chia sẻ: “Đọc tin Kiểm tra chợ Tam Hòa, phát hiện 450kg thịt không đảm bảo vệ sinh trên Báo Đồng Nai phát hành ngày 20-12, tôi thấy rất lo. Nhà gần chợ nên gia đình tôi thường mua thịt heo, gà, bò tại chợ Tam Hòa. Tôi đã không ít lần mua thịt tại các điểm bán vừa bị lực lượng chức năng kiểm tra, tịch thu hàng hóa. Rất khó phân biệt thịt không đảm bảo vệ sinh thú y vì các các chủ sạp ai cũng cam kết mình bán hàng đảm bảo chất lượng”.

Cùng tâm trạng, nhiều BĐ cho biết, do điều kiện công việc nên phải thường ăn cơm ở các quán  nơi mà hầu như chất lượng thực phẩm được quyết định bởi lương tâm của người bán. Vì vậy, mỗi lần xem thông tin các cơ quan chức năng bắt giữ thịt bẩn là ông Nguyễn Văn Tiến (P.Trảng Dài, TP.Biên Hòa) thấy lo ngại về bữa ăn hàng ngày của mình. Càng bất an hơn khi xem tin “Xử phạt vi phạm về an toàn thực phẩm hơn 4,6 tỷ đồng” trên Báo Đồng Nai phát hành 21-12. Theo đó, trong năm 2023, lực lượng chức năng của tỉnh đã tiến hành kiểm tra, hậu kiểm tại hơn 16 ngàn cơ sở chế biến, sản xuất, kinh doanh thực phẩm và đã phát hiện 510 cơ sở vi phạm, xử phạt vi phạm hành chính số tiền hơn 4,6 tỷ đồng. Ngoài ra, đã tịch thu, tiêu hủy hơn 51,2 tấn sản phẩm động vật, hơn 14 tấn sản phẩm hàng hóa vi phạm. Riêng ngành Y tế đã kiểm tra hơn 14 ngàn cơ sở, xử phạt 92 cơ sở với số tiền hơn 1,1 tỷ đồng.

“Nếu hàng chục tấn thịt bẩn không đảm bảo chất lượng được sơ chế, tẩm ướp bằng hóa chất độc hại rồi len lỏi vào các bếp ăn tập thể của người lao động, của từng gia đình thì sẽ là mối nguy hại rất lớn đối với sức khỏe của người dùng” - ông Nguyễn Văn Tiến lo lắng.

* Tăng cường kiểm tra, xử lý

Nhiều BĐ cũng bày tỏ lo ngại trước tình trạng thực phẩm bẩn trên thị trường ngày càng diễn biến phức tạp, khó lường. Ngoài bán hàng trực tiếp, hiện nay người bán có rất nhiều kênh để phân phối, bên cạnh các điểm bán nhỏ lẻ còn có các kênh phân phối trên các trang mạng xã hội.

Bình luận của bạn đọc dưới bản tin Kiểm tra chợ Tam Hòa, phát hiện 450kg thịt không đảm bảo vệ sinh đăng trên Facebook Báo Đồng Nai

“Hiện nay, tình trạng thịt heo, gà, nội tạng động vật… đông lạnh không rõ nguồn gốc vẫn được bày bán khá nhiều với giá chỉ bằng ½ giá giá thị trường” - ông Hà Bửu Lộc (ngụ P.Hòa Bình, TP.Biên Hòa) chia sẻ.

Theo ông Lộc, để đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP), nhất là trong dịp Tết Nguyên đán 2024 sắp tới, cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát các cơ sở kinh doanh, mua bán, giết mổ động vật, các điểm kinh doanh cung cấp thức ăn. Đặc biệt là  kiểm tra mặt hàng này trên thị trường online.

Phản hồi bên dưới  tin Kiểm tra chợ Tam Hòa, phát hiện 450kg thịt không đảm bảo vệ sinh trên Facebook Báo Đồng Nai, ngoài bày tỏ lo lắng trước tình trạng thực phẩm bẩn tràn lan trên thị trường, nhiều ý kiến đề nghị cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, xử lý; chấn chỉnh tình trạng giết mổ không đúng địa điểm quy định; xử lý nghiêm các hành vi vận chuyển, kinh doanh, buôn bán động vật, sản phẩm động vật không đảm bảo vệ sinh thú y, vệ sinh an toàn thực phẩm... “Cần kiểm tra nhiều, tại nhiều chợ hơn nữa để đảm bảo an toàn thực phẩm cho bà con ạ” - tài khoản Facebook Ngoc Xuan kiến nghị.

Còn tài khoản Facebook Hoang Kim Hưng thì đề xuất thêm: “Cần phải kiểm tra rau nhiễm thuốc trừ sâu nữa. Rau nhiễm thuốc trừ sâu gây ung thư. Hãy vào cuộc sớm để giữ sức khỏe cho nhân dân”.

Bên cạnh mong muốn sự vào cuộc quyết liệt của ngành chức năng trong kiểm tra, xử lý, nhiều BĐ cho rằng, mỗi người tiêu dùng cũng cần nâng cao ý thức về vệ sinh ATTP theo khuyến cáo của các đơn vị chức năng. Song song đó, cơ quan chức năng cần đẩy mạnh truyền thông về các quy định, kiến thức về ATTP cho người người tiêu dùng, người sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm.

Kim Liễu

Tin xem nhiều