Việc đưa pháp luật vào trường học ngày càng được ngành Giáo dục quan tâm, chú trọng nhằm cập nhật, bổ sung kiến thức, ý thức tuân thủ pháp luật cho học sinh ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.
Luật sư Vy Thị Nhung (Đoàn Luật sư Đồng Nai) phát tài liệu tuyên truyền cho học sinh Trường THCS Nguyễn Trãi (xã Phú Cường, H.Định Quán) tại buổi tuyên truyền pháp luật. Ảnh: Đ.PHÚ |
Để tạo sự hấp dẫn cho học sinh khi tham gia các buổi tuyên truyền pháp luật, các luật sư, luật gia của Đoàn Luật sư tỉnh, Hội Luật gia tỉnh phải “mềm hóa” các kiến thức pháp luật, vấn đề pháp lý để học sinh dễ hiểu, dễ nhớ.
* Nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho học sinh
Luật gia Vòng Khiềng, Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật Hội Luật gia tỉnh cho biết, Trung tâm Tư vấn pháp luật Hội Luật gia tỉnh thường chọn nói chuyện chuyên đề về pháp luật với học sinh vào các buổi chào cờ đầu tuần. Nội dung chuyên đề tập trung về cách phòng tránh bạo lực học đường; sử dụng mạng xã hội an toàn; đảm bảo an toàn giao thông…
“Luật thì rộng, quy định này dẫn tới quy định kia nên chúng tôi chỉ chọn những vấn đề luật cấm, những vấn đề học sinh thường mắc phải trong cuộc sống, học tập để tuyên truyền, giáo dục” - luật gia VÒNG KHIỀNG, Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật tỉnh Hội Luật gia tỉnh chia sẻ. |
Luật gia Vòng Khiềng bày tỏ, ngoài việc chia sẻ kiến thức pháp luật, điều ông muốn gửi tới học sinh là luôn có ý thức tự giác thượng tôn pháp luật, lấy pháp luật và đạo đức làm gốc rễ trong quá trình hình thành nhân cách sống. Có như vậy mới ngăn ngừa được tình trạng bạo lực, bắt nạt học đường; không vi phạm pháp luật về giao thông cũng như các hành vi vi phạm pháp luật khác (như xâm hại tình dục, gây rối trật tự công cộng, cố ý gây thương tích…) khi còn đang trong lứa tuổi học sinh.
Tại buổi tuyên truyền pháp luật do Hội Luật gia tỉnh tổ chức ở Trường phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh (H.Trảng Bom) vừa qua, em Lý Thị Nga (dân tộc Nùng, học sinh lớp 10) bộc bạch, kiến thức pháp luật được các luật gia truyền đạt không có trong sách giáo khoa nên rất mới mẻ, thú vị và bổ ích. Qua đó, em nhận thức được vấn đề pháp luật là áp dụng chung cho tất cả mọi người, không phân biệt dân tộc, điều kiện địa lý, nơi cư trú. Chẳng hạn như: pháp luật cấm tảo hôn; khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông thì không được uống rượu bia, ai vi phạm đều phải bị xử lý như nhau.
Dự buổi tuyên truyền pháp luật của Đoàn Luật sư Đồng Nai tại Trường THPT Phước Thiền (H.Nhơn Trạch) vừa qua, em Lê Văn Quốc (học lớp 11) bày tỏ, nhờ nghe luật sư phân tích em mới hiểu hành vi quay clip khi chứng kiến bạn đánh nhau rồi tung lên mạng xã hội là không nên, vì sẽ gây hại cho bạn, cổ súy cái xấu, gây ảnh hưởng tới an ninh trật tự địa phương.
Theo Hiệu trưởng Trường THPT Phước Thiền Phan Mỹ Linh, việc nhà trường, ngành Giáo dục, chính quyền địa phương phối hợp với các chuyên gia pháp luật của Hội Luật gia tỉnh, Đoàn Luật sư Đồng Nai nói chuyện pháp luật cho học sinh, giáo viên, hiệu quả đạt được rất cao. Bởi, các chuyên gia pháp lý không chỉ hiểu sâu các vấn đề pháp luật, mà còn hướng dẫn kỹ năng xử lý các tình huống pháp lý để phòng ngừa các hành vi vi phạm pháp luật trong học sinh một cách sinh động, thực tế. Qua đó, giúp học sinh không chỉ hiểu đúng, nắm vững kiến thức pháp luật mà còn biết cách ứng xử để tránh vi phạm pháp luật, cũng như các tệ nạn xã hội.
* Lựa chọn nội dung tuyên truyền phù hợp, thiết thực
Hiệu trưởng Trường phổ thông Dân tộc nội trú, THCS liên huyện Tân Phú - Định Quán (H.Tân Phú) Lê Văn Mười cho biết, việc nhà trường mời Hội Luật gia tỉnh tổ chức tuyên truyền, giáo dục pháp luật về an ninh trật tự, an toàn giao thông; cách sử dụng mạng xã hội và kỹ năng phòng, chống các tệ nạn xã hội, phòng ngừa tai nạn thương tích, phòng tránh tác hại của thuốc lá điện tử trong học đường… là rất cần thiết. Qua đó, giúp học sinh hiểu và tự giác thực hiện tốt pháp luật; giảm thiểu những hành vi vi phạm, ứng xử lệch chuẩn ở lứa tuổi vị thành niên.
Đoàn Luật sư Đồng Nai, Hội Luật gia tỉnh luôn chọn những chuyên gia pháp lý có kỹ năng, phương pháp sư phạm để phối hợp với các trường, địa phương thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền, phổ biến và tư vấn pháp luật cho học sinh, giáo viên. Các chuyên gia này đều được tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng, phương pháp truyền đạt qua các đợt hội thảo, tọa đàm nội bộ và chuyên sâu từ các trường, viện. |
Theo đánh giá của một số trường học, việc các chuyên gia pháp lý để cho học sinh mạnh dạn bày tỏ những vấn đề pháp luật mình chưa biết hoặc lý giải những tình huống pháp lý là một phương pháp hay. Qua đó có sự tương tác trong công tác tuyên truyền, giúp cho đội ngũ luật gia, luật sư điều chỉnh phạm vi, nội dung trình bày trước học sinh cho phù hợp, không quá rộng, không vượt tầm tư duy của các em.
Qua thực tiễn triển khai tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho học sinh, luật sư Lê Quang Y, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư Đồng Nai đúc kết, nội dung cần truyền thông đến học sinh luôn khác với người dân, công nhân, cán bộ cơ sở. Do đó, các báo cáo viên phải tự chắt lọc nội dung để trình bày, diễn đạt cho phù hợp và tạo sự giao lưu, trao đổi để hấp dẫn học sinh.
“Với học sinh, chúng ta không nên nói vấn đề vượt quá 45 phút của một tiết học thông thường để các em không cảm thấy quá sức. Nội dung tuyên truyền cũng cần cô đọng, thời sự và dễ hiểu” - luật sư Lê Quang Y cho biết.
Đoàn Phú
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin