Báo Đồng Nai điện tử
En

Chuyện bé đừng xé ra to

Đoàn Phú
08:29, 01/12/2023

Trong cuộc sống sinh hoạt khó tránh khỏi những mâu thuẫn, tranh chấp nhỏ xảy ra giữa các cá nhân liên quan đến: ranh đất, hành vi đổ rác bừa bãi, hát karaoke gây ồn...

Luật sư Nguyễn Đức (Đoàn Luật sư Đồng Nai) tuyên truyền pháp luật hòa giải cơ sở cho người dân H.Định Quán. Ảnh: Đ.PHÚ
Luật sư Nguyễn Đức (Đoàn Luật sư Đồng Nai) tuyên truyền pháp luật hòa giải cơ sở cho người dân H.Định Quán. Ảnh: Đ.PHÚ

Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, các bên không chọn giải pháp giải quyết nội bộ, tại cơ sở (ấp, khu phố) mà muốn ầm ĩ sự việc bằng cách tố cáo với cơ quan chức năng, nhờ báo chí can thiệp.

* Mâu thuẫn nhỏ trong sinh hoạt

Những ngày không có việc làm, ông P.V.L. (ngụ P.Trảng Dài, TP.Biên Hòa) thường tụ tập bạn bè thợ hồ hát karaoke. Chuyện hát hò này ảnh hưởng tới sinh hoạt của những hộ cùng thuê trọ xung quanh. Cũng chính vì vậy, bà K.M. (hàng xóm) thường đi qua, đi lại càu nhàu hoặc dồn hết rác ra con hẻm trước nhà ông L. cho bõ tức. Vậy là đôi bên xảy ra cãi nhau, ông L. và nhóm bạn không mở nhạc hát như trước nữa mà dùng chén, nồi gõ, càng làm cho bà M. thêm điên tiết.

Sự việc tái diễn, bà M. không báo cho tổ, khu phố nhờ can thiệp mà đi thẳng ra các cơ quan tư vấn pháp luật nhờ làm đơn tố vợ chồng L. có hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm bà trong lúc đôi bên có lời qua tiếng lại.

Hay như việc bà C.T.T. (ngụ P.Tân Hạnh, TP.Biên Hòa) sau khi ký hợp đồng thuê lại khu đất của ông B.V. (ngụ cùng địa phương) để kinh doanh vật liệu xây dựng đã nhiều lần yêu cầu người thuê đất trước đó là ông K.Y. sớm dời một số vật liệu gồm: cát, đá, gạch, sắt, gỗ khi hợp đồng thuê với ông B.V. kết thúc, để bà tiếp quản, nhưng không được. Lẽ ra bà T. yêu cầu chủ đất, chính quyền can thiệp, ngược lại bà lại làm đơn gửi cơ quan báo chí kêu cứu.

Trường hợp giữa ông N.V.P. và gia đình ông L.V.X. (ngụ H.Trảng Bom) cá biệt hơn. Con của ông P. với con của ông X. trong lúc chơi đùa đã xảy ra đánh nhau. Người lớn như các ông thay vì dùng lời lẽ phải trái để giáo dục con thì cả hai đều thuê một nhóm thanh niên lạ mặt tới để chứng tỏ gia đình mình có “số má” để dằn mặt nhau.

* Cần chú trọng hòa giải từ cơ sở

Pháp luật hình sự, hành chính, dân sự... cho phép công dân tự mình hoặc ủy quyền cho người khác đứng ra bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của mình tại các cơ quan có thẩm quyền và việc thực hiện đó phải tuân thủ pháp luật, không được xâm phạm hay làm ảnh hưởng tới quyền, lợi ích của người khác.

“Khi xảy ra mâu thuẫn trong sinh hoạt ở khu dân cư, người dân nên mạnh dạn nhờ ấp, khu phố hoặc chính quyền địa phương hỗ trợ, can thiệp kịp thời. Nếu không được giải quyết thỏa đáng mới phản ảnh tới cơ quan chức năng khác” - luật sư NGUYỄN ĐỨC (Đoàn Luật sư Đồng Nai) lưu ý.

Chính vì vậy, theo luật sư Nguyễn Đức (Đoàn Luật sư Đồng Nai), với trường hợp mâu thuẫn giữa ông P.V.L. và bà K.M. (ngụ P.Trảng Dài), căn cứ theo Luật Hòa giải ở cơ sở năm 2013, bà M. có quyền làm đơn gửi khu phố nơi hai bên gia đình sinh sống để yêu cầu hòa giải. Còn trường hợp bà C.T.T. với ông K.Y., việc bà gửi đơn yêu cầu cơ quan báo chí can thiệp trong quan hệ tranh chấp giữa bà với ông K.Y. là không đúng với chức năng, thẩm quyền của cơ quan báo chí. Muốn thực hiện đúng và đạt hiệu quả, bà buộc chủ đất là ông B.V. phải giải quyết dứt điểm các khối phế liệu còn tồn tại trước khi giao mặt bằng cho bà theo hợp đồng thuê. Hoặc bà và chủ đất yêu cầu tổ chức thừa phát lại tới lập vi bằng về khối vật liệu đó để làm cơ sở chứng cứ khi yêu cầu chính quyền hoặc tòa án can thiệp. Lúc đó, ông K.Y. buộc phải thực hiện nghĩa vụ di dời, chi phí lập vi bằng, công sức bảo quản và thiệt hại gây ra cho bà.

Riêng sự việc ông N.V.P. và gia đình ông L.V.X. (ngụ H.Trảng Bom) giải quyết mâu thuẫn bằng việc thuê người tới đe dọa nhau là hành vi vi phạm pháp luật. Hành vi này có thể bị phạt tiền từ 300 ngàn đến 8 triệu đồng theo Điều 7 Nghị định 144/2021/NĐ-CP ngày 31-12-2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu hộ, cứu nạn; phòng, chống bạo lực gia đình.

Luật sư Nguyễn Đức cho biết thêm, hòa giải cơ sở là việc hòa giải viên hướng dẫn, giúp đỡ các bên đạt được thỏa thuận, tự nguyện giải quyết với nhau các mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp luật theo quy định của Luật Hòa giải ở cơ sở năm 2013. Mục tiêu của hòa giải cơ sở là giúp cho mâu thuẫn nhỏ giữa các bên được cộng đồng dân cư, tổ, khu phố được giải quyết nhanh chóng, kịp thời giảm thiểu phát sinh mâu thuẫn lớn, đảm bảo tình làng, nghĩa sớm, không phát sinh tốn kém thời gian, tiền bạc của người dân.

Đoàn Phú

Tin xem nhiều