Báo Đồng Nai điện tử
En

Rắc rối khi người dân vay mượn, tặng, cho vàng

Đoàn Phú
09:19, 19/10/2023

Thói quen tích trữ vàng thay cho tiền mặt của người dân nông thôn lẫn thành thị hiện vẫn còn. Do giá vàng biến động theo hướng lên - xuống thất thường nên khi các bên vay mượn, tặng, cho vàng dễ phát sinh mâu thuẫn, tranh chấp.

Luật sư Nguyễn Khoa Quyền (Đoàn Luật sư Đồng Nai) tư vấn cho người dân xã Phú Cường (H.Định Quán) việc tranh chấp khi cho mượn vàng. Ảnh: Đ.Phú

* Mượn vàng phải trả đúng loại vàng đã mượn

Dù thu nhập từ việc kinh doanh, mua bán không cao nhưng vợ chồng anh N.H. - chị V.T.K. (ngụ P.Hiệp Hòa, TP.Biên Hòa) vẫn cố gắng trong 1-2 tháng tiết kiệm mua được 1 chỉ vàng 9999 (loại vàng 24K) . Nhờ vậy, qua 15 năm tích cóp, vợ chồng chị đã tích lũy được 13 cây vàng 9999.

Chị K. trình bày, năm 2021, vợ chồng chị có cho vợ chồng người em chồng ở quê (tỉnh Quảng Ngãi) mượn 1 cây vàng với cam kết trong giấy mượn nợ là 2 năm sau sẽ trả. Thời điểm chị cho mượn, giá 1 cây vàng (loại 24K) là 61 triệu đồng (6,1 triệu đồng/chỉ). Tuy nhiên, đến kỳ trả thì vợ chồng người em chồng chỉ chấp nhận trả cho vợ chồng chị bằng tiền tại thời điểm mượn vàng, chứ không chịu trả bằng vàng đúng số lượng và loại vàng đã mượn.

“Vợ chồng người em còn nói cho vay mượn bằng vàng bị pháp luật cấm nên họ chỉ chấp nhận trả bằng tiền, như vậy có đúng không?” - chị K. thắc mắc.

“Pháp luật chỉ nghiêm cấm việc người dân sử dụng vàng làm phương tiện thanh toán, chứ không có quy định cấm người dân cho vay mượn, tặng cho nhau bằng vàng, trang sức” - luật sư LƯU HỒNG KHANH (Đoàn Luật sư Đồng Nai) lưu ý.

Tương tự, trường hợp chị B.H. (ngụ P.Tân Hòa, TP.Biên Hòa) cũng dở khóc, dở cười vì cho cho bạn mượn vàng. Do là chỗ thân tình, nhà không có tiền mặt nên đầu tháng 9-2022, chị B.H. có cho bạn là chị D.K. (ngụ cùng địa phương) mượn 5 chỉ vàng loại 24K (thời điểm tháng 9-2022, giá vàng bán cho cửa tiệm là 5,1 triệu đồng/chỉ) để lo cho con nhập học đại học. Nay tới thời điểm trả nợ, chị D.K. chỉ đồng ý trả cho chị B.H. 5 chỉ vàng loại 18K (giá thấp hơn loại vàng 24K) kèm số tiền chênh lệch. Do 2 loại vàng giá trị khác nhau nên chị B.H. không đồng ý nhận vàng, chỉ yêu cầu trả đúng số lượng và chất lượng vàng như cũ.

Vấn đề này, theo luật sư Lưu Hồng Khanh (Đoàn Luật sư Đồng Nai), do hiện tại pháp luật cho phép người dân được sở hữu vàng hợp pháp, tức nguồn vàng mua vào phải được các tổ chức, cá nhân bán ra tuân thủ pháp luật về kinh doanh vàng. Đồng thời, hiện pháp luật chưa có quy định nào cấm việc cá nhân vay mượn vàng với nhau. Do đó, việc vợ chồng chị V.T.K. cho vợ chồng người em chồng và chị B.H. cho chị D.K. vay mượn vàng là hợp pháp.

“Do việc vay mượn bằng vàng giữa họ là hợp pháp nên căn cứ Điều 463 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì bên mượn vàng phải trả cho bên kia bằng vàng cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng vàng đã mượn trước đó” - luật sư Khanh lưu ý.

* Cho cô dâu vàng, nữ trang rồi lấy lại

Việc người thân tặng, cho cô dâu, chú rể nữ trang, trang sức bằng vàng trong ngày cưới là chuyện thường gặp. Tuy nhiên, với trường hợp của anh G.N. và chị L.M. (ngụ H.Vĩnh Cửu) thì có phần éo le. Anh N. trình bày, đầu năm 2023, anh chị tổ chức đám cưới. Tại tiệc cưới, vợ anh được người thân hai bên gia đình tặng, cho nhiều vàng, nữ trang, trang sức bằng vàng. Nào ngờ sau hôn lễ, anh N. hỏi vợ về số vàng, trang sức này thì vợ trả lời, mọi người thỏa thuận chỉ giả vờ cho, tặng vàng để lấy “oai” trước đám tiệc. Sau đám cưới, họ tới đòi và chị đã đem vàng, nữ trang đó trả lại. Anh N. thắc mắc, việc cho, tặng rồi đòi lại vàng, nữ trang như vậy có đúng không?

Sự việc của anh N., theo luật gia Vòng Khiềng, Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật (Hội Luật gia tỉnh), vàng, nữ trang và trang sức bằng vàng là tài sản không thuộc đối tượng bắt buộc phải đăng ký quyền sở hữu theo đúng quy định pháp luật như: động sản và bất động sản theo Điều 106 Bộ luật Dân sự năm 2015 và các văn bản có liên quan. Vì vàng không thuộc đối tượng phải đăng ký quyền sở hữu theo quy định của pháp luật nên người đang chiếm hữu, nắm giữ vàng, nữ trang và trang sức bằng vàng hợp pháp đó sẽ là chủ sở hữu. Nay vợ của anh đã trả lại cho họ và họ đang nắm giữ tài sản một cách hợp pháp nên anh không có quyền đòi lại.

Đồng thời, việc tặng, cho vàng, trang sức trong ngày cưới giữa họ với vợ anh là giao dịch dân sự có điều kiện. Cho nên, khi giữa vợ anh và họ có thỏa thuận tặng cho chỉ là giả và sau ngày cưới thì phải trả lại, nghĩa là cả hai bên thực hiện đúng theo Điều 120 Bộ luật Dân sự năm 2015 nên giao dịch đó đã được hai bên chấm dứt đúng với những gì đã thỏa thuận trước và sau đó.

“Nếu vợ anh không chịu trả lại số vàng, nữ trang, trang sức đó thì khi họ có giấy tờ, tài liệu, chứng cứ chứng minh được nguồn gốc tài sản này là của họ như: được cho tặng, mua, trao đổi… thì pháp luật buộc vợ anh phải trả lại” - luật gia Vòng Khiềng cho biết thêm.      

Đoàn Phú

Tin xem nhiều