Giếng đào là hình ảnh rất đỗi gần gũi đối với mọi người dân vùng nông thôn, đóng vai trò quan trọng trong đời sống sinh hoạt và sản xuất…
Cán bộ Hội Nông dân H.Xuân Lộc vận động một hộ dân ở xã Xuân Tâm (H.Xuân Lộc) làm hàng rào quanh giếng đào trước cửa nhà. Ảnh: H.Đình |
Thế nhưng, khi xã hội phát triển, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng tăng nhanh, nhu cầu sử dụng nguồn nước ngày càng nhiều, mạch nước ngầm trở nên khan hiếm. Vì thế, những giếng đào đã được thay thế dần bởi giếng khoan sâu hơn. Từ đó, giếng dần bị bỏ hoang, trở thành những hố sâu nguy hiểm cho người hoặc thú vật khi chẳng may sẩy chân, rớt xuống giếng.
Điển hình như vụ tai nạn ngã giếng xảy tại H.Cẩm Mỹ vào cuối năm 2022. Cụ thể, vào trưa 30-12-2022, trong lúc đi ra vườn, bà Đ.T.K.D. (57 tuổi, ngụ xã Bảo Bình, H.Cẩm Mỹ) không may bị rơi xuống giếng hoang lâu ngày không sử dụng. Nhận được tin báo, lực lượng cảnh sát cứu hộ, cứu nạn H.Cẩm Mỹ và TP.Long Khánh đã nhanh chóng có mặt tại hiện trường hỗ trợ. Do giếng sâu, miệng giếng hẹp, bỏ hoang lâu ngày, có nhiều khí độc nên lực lượng chức năng phải rất vất vả trong quá trình ứng cứu. Nhiều lực lượng, thiết bị, phương tiện đã được điều động mới cứu được nạn nhân.
Cũng như những vùng nông thôn khác, H.Xuân Lộc vào những năm 1980-1990, trung bình mỗi gia đình đều có từ 1-2 giếng đào, thậm chí có nhà có đến 3 cái giếng đào để phục vụ nước sinh hoạt và sản xuất. Hiện nay, do mạch nước ngầm khan hiếm, người dân chuyển qua dùng giếng khoan nên rất nhiều giếng đã bị bỏ hoang. Có nhiều gia đình làm nơi đổ rác thải, một trong những tác nhân gây ô nhiễm nguồn nước ngầm; thông thường, giếng đào có độ sâu trung bình từ 8-12m, thậm chí đến 15m, bên dưới nhiều khí độc, rất nguy hiểm khi chẳng may người và súc vật lọt chân rơi xuống.
Theo Công an H.Xuân Lộc, giếng hoang cỏ mọc um tùm, người qua lại không phát hiện được nên có thể lọt xuống giếng, không thể leo lên được. Thế nhưng, theo quan niệm tâm linh của người Việt, khi đã đào giếng thì không được lấp lại. Điều này vô cùng nguy hiểm. Cho nên, người dân cần lưu ý, nếu không lấp giếng hoang thì phải đổ đan bê tông, cắm cờ xung quanh hoặc rào chắn lại cho an toàn.
Nhằm đảm bảo an toàn cho người và gia súc, Hội Nông dân H.Xuân Lộc đang tích cực vận động người dân tiến hành lấp bỏ những giếng hoang không sử dụng hoặc đổ đan bê tông, làm hàng rào bảo vệ xung quanh. Phong trào này đang được phát động rộng rãi đến toàn thể hội viên thực hiện.
Phó chủ tịch Hội Nông dân H.Xuân Lộc Nguyễn Thanh Minh cho biết, trong thời gian qua, việc rào chắn giếng hoang đã được các cấp hội quan tâm, triển khai rộng khắp đến các hội viên nông dân và người dân. Phần lớn đã được người dân quan tâm và thực hiện. Trong thời gian tới, hội sẽ tiếp tục rà soát để yêu cầu hội viên chấp hành nghiêm túc nhằm đảm bảo an toàn.
Anh Nguyễn An Thanh Bình (ngụ ấp Suối Đục, xã Xuân Tâm, H.Xuân Lộc) cho biết, trong vùng này nhà nào cũng có giếng đào. Khi xưa, công đào một cái giếng có thể tốn số tiền bằng với mua một vài con trâu. Thế nhưng, những năm trở lại đây, nguồn nước ngầm cạn kiệt, nhiều giếng đào không còn sử dụng nữa nên bị bỏ hoang, cỏ mọc um tùm, nguy hiểm cho người dân. Được sự vận động của Hội Nông dân huyện, gia đình anh đã rào chắn 2 cái giếng đào cho an toàn…
Để tránh tai nạn đáng tiếc có thể xảy ra do ngã xuống giếng, rất mong chính quyền địa phương và người dân tích cực thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn một cách triệt để.
Hải Đình
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin