Để người dân tiếp cận, hiểu và biết cách giải quyết các vụ việc tranh chấp theo đúng quy định pháp luật, thời gian qua, Hội Luật gia tỉnh, Đoàn Luật sư tỉnh đã tổ chức nhiều đợt tuyên truyền, phổ biến, tư vấn, trợ giúp pháp lý miễn phí đến tận các địa phương vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Các luật sư Đoàn Luật sư tỉnh tư vấn pháp luật cho người dân xã Trà Cổ (H.Tân Phú). Ảnh: Đ.Phú |
* Đa dạng hình thức tuyên truyền pháp luật
Được địa phương thông báo, sáng 27-9, Đoàn Luật sư tỉnh tổ chức buổi tuyên truyền, tư vấn pháp luật (TVPL) miễn phí cho người dân tại hội trường UBND xã Long Tân (H.Nhơn Trạch), ông Bảy Đỉnh (61 tuổi, ngụ ấp 2, xã Long Tân) tạm gác công việc ruộng vườn để tham dự.
Ông Bảy Đỉnh tâm sự, ngoài kiến thức về trồng trọt, chăn nuôi, nông dân như ông cũng cần trang bị thêm kiến thức pháp luật để bảo vệ tốt thành quả lao động. Chẳng hạn như: mua bán nông sản cần có hợp đồng; sử dụng phân, thuốc bảo vệ thực vật phải rõ nguồn gốc xuất xứ, bảo vệ môi trường… Nhất là, nhà nông phải sử dụng đất đúng mục đích, đúng quy hoạch để tránh bị xử phạt hành chính.
Để tạo cơ hội cho đội ngũ luật sư trẻ cống hiến cho công tác tuyên truyền, TVPL, Đoàn Luật sư tỉnh ngoài mở khóa bồi dưỡng kỹ năng tuyên truyền, TVPL riêng, còn kêu gọi đội ngũ luật sư đóng góp công sức, vật chất cho những chuyến công tác xã hội với kinh phí gần 2 tỷ đồng trong 3 năm (2021-2023). |
Khác với ông Bảy Đỉnh, bà Cao Thị Lành (ngụ ấp 3, xã Long Thọ) tham dự buổi tuyên truyền, TVPL để nắm bắt việc lập di chúc để lại đất đai cho con. Vì bà lo nếu làm không đúng, sau này các con bà xảy ra tranh chấp với nhau sẽ không hay.
Tham gia buổi tuyên truyền, TVPL tại xã Long Tân, luật sư Nguyễn Thành Vàng (Đoàn Luật sư tỉnh) cho biết, đối tượng tham gia tuyên truyền, TVPL phần lớn tại vùng nông thôn là người lớn tuổi nên họ rất quan tâm về việc để lại tài sản cho con khi mất. Do đó, thông thường nội dung chế định thừa kế sẽ được các luật sư tập trung tuyên truyền, cụ thể hóa bằng những câu chuyện, ví dụ dễ hiểu nhằm giúp người dân nắm các quy định pháp luật về thừa kế rõ hơn.
Từ đầu năm 2023 đến nay, Đoàn Luật sư tỉnh đã tổ chức được 10 buổi tuyên truyền, TVPL tại nhiều xã của các huyện: Tân Phú, Định Quán, Nhơn Trạch…, thu hút 250 người tham dự/buổi. Riêng Hội Luật gia tỉnh phối hợp với các địa phương tại TP.Long Khánh, TP.Biên Hòa và các huyện tổ chức được 18 buổi với khoảng 2,5 ngàn lượt người tham dự.
Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Lê Quang Y bày tỏ, dù mỗi buổi tuyên truyền kết hợp với tư vấn, trợ giúp pháp lý chỉ gói gọn trong 2-3 giờ nhưng các thành viên trong đoàn vẫn đảm bảo phổ biến được đầy đủ các nội dung, vấn đề pháp luật địa phương yêu cầu và người dân muốn biết bằng cách đặt nhiều câu hỏi tại hội trường hoặc giải đáp riêng tại các bàn tư vấn bên ngoài hội trường.
“Do người tham dự buổi tuyên truyền TVPL trình độ hiểu biết pháp luật và nhu cầu về nội dung, mục đích muốn biết khác nhau nên các luật sư trình bày nội dung gần gũi, trọng tâm nhưng không được qua loa để người nghe dù trình độ nhận thức pháp luật không đồng đều vẫn nắm bắt được điều mình cần và vận dụng vào ngay trong thực tế cuộc sống” - luật sư Lê Quang Y chia sẻ.
Trong năm 2023, Đoàn Luật sư tỉnh và Hội Luật gia tỉnh không chỉ đơn thuần chú trọng tuyên truyền, TVPL dành riêng cho nông dân, đồng bào dân tộc thiểu số, cán bộ ấp, đoàn thể cấp xã mà còn mở rộng thêm đối tượng khác như: công nhân, học sinh, giáo viên, doanh nghiệp. Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh Phan Văn Châu bộc bạch, do trình độ nhận thức và nhu cầu tìm hiểu pháp luật của người dân ngày càng nâng cao nên công tác tuyên truyền, TVPL không chỉ đổi mới về chủ đề tuyên truyền, mà còn chú trọng đổi mới về hình thức theo hướng gần dân, dễ tiếp cận. Chẳng hạn như: mở chương trình tư vấn trực tiếp qua điện thoại, mạng xã hội; tổ chức hội thảo, tọa đàm về vấn đề pháp luật thường gặp trong cuộc sống…
* Tạo được dấu ấn tốt
Việc đưa pháp luật về cơ sở, chú trọng đến đối tượng yếu thế (đồng bào dân tộc thiểu số, người nghèo, nông dân…) của Hội Luật gia tỉnh, Đoàn Luật sư tỉnh ngày càng tạo được dấu ấn tốt tại các địa phương - nơi triển khai các buổi tuyên truyền, TVPL miễn phí.
“Mục tiêu xuyên suốt của Hội Luật gia tỉnh trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật những năm qua là hướng về cơ sở, đối tượng nông dân, người lao động, đồng bào dân tộc thiểu số. Chủ đề, nội dung tuyên truyền vẫn xác định rõ là bám sát thực tế cuộc sống, yêu cầu của địa phương, người dân” - Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh PHAN VĂN CHÂU bày tỏ. |
Phó chủ tịch UBND xã Phú Cường (H.Định Quán) Lương Tấn Tài chia sẻ, các buổi tuyên truyền, TVPL do Đoàn Luật sư tỉnh, Hội Luật gia tỉnh tổ chức cho cán bộ, nhân dân trên địa bàn xã thời gian qua rất bổ ích. Mỗi đơn vị có đội ngũ báo cáo viên, cách chọn nội dung, chủ đề người dân quan tâm và trình bày ngắn gọn, gần gũi, thu hút người tham dự.
Theo đánh giá của Sở Tư pháp, các luật gia, luật sư tích cực tham gia công tác này, không chỉ là trách nhiệm mà còn thể hiện cao tinh thần cống hiến cho xã hội, cộng đồng và công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật của tỉnh.
Tuy mới khởi động hoạt động tuyên truyền, TVPL được 3 năm (2021-2023), mỗi đợt về xã tuyên truyền, TVPL, Đoàn Luật sư tỉnh đều huy động từ 10-15 luật sư, trong đó có 1/2 là luật sư trẻ. Đoàn Luật sư tỉnh khuyến khích các luật sư trẻ tham gia những chuyến đi để vừa tuyên truyền, TVPL cho người dân, vừa là dịp để học hỏi kỹ năng tuyên truyền, TVPL của các luật sư dạn dày kinh nghiệm khác.
Tham gia nhiều chuyến đi tuyên truyền, TVPL cho người dân vùng sâu, vùng xa, luật sư trẻ Vy Thị Nhung (Đoàn Luật sư tỉnh) đã tự tin đứng trước đông đảo người dân để tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật. Luật sư Nhung chia sẻ, điều mà các luật sư trẻ tích góp được qua những chuyến đi lớn nhất vẫn là cách tuyên truyền, TVPL làm sao cho gần gũi, dễ hiểu nhất; tập trung vào những nội dung người dân quan tâm để hướng dẫn họ nên xử sự ra sao cho đúng đắn, tránh vi phạm pháp luật.
Đoàn Phú
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin