Báo Đồng Nai điện tử
En

Hàng trăm tấn phế phẩm da phân hủy gây ô nhiễm môi trường

Kim Liễu
08:49, 22/09/2023

Một doanh nghiệp tái chế phụ phẩm da tại ấp 3, xã Phước Bình (H.Long Thành) ngừng hoạt động nhiều năm nay, để lại hàng trăm tấn phế phẩm da ngoài trời bị phân hủy bốc mùi hôi thối, gây ô nhiễm cả khu dân cư.

Phế phẩm da đã phân hủy, chất đống trong khu đất trống ở khu dân cư ấp 3, xã Phước Bình (H.Long Thành) gây ô nhiễm môi trường. Ảnh: K.LIỄU
Phế phẩm da đã phân hủy, chất đống trong khu đất trống ở khu dân cư ấp 3, xã Phước Bình (H.Long Thành) gây ô nhiễm môi trường. Ảnh: K.LIỄU

Theo người dân địa phương, bãi chứa phế phẩm da nói trên tồn tại từ năm 2017 đến nay. Từ đầu mùa mưa năm 2023, phế phẩm da bị phân hủy nặng, bốc mùi hôi thối nồng nặc, gây ô nhiễm môi trường, xáo trộn đời sống, sinh hoạt của người dân.

* Nồng nặc mùi hôi thối trong khu dân cư

Ông Nguyễn Như Giáp (ngụ ấp 3, xã Phước Bình) phản ảnh, hơn 3 tháng nay, gia đình ông và các hộ dân xung quanh bị “tra tấn” bởi mùi hôi thối nồng nặc bốc ra từ bãi chứa phế phẩm nói trên. Nhất là sau mỗi cơn mưa, mùi phế phẩm da theo hướng gió lan tỏa khắp nơi.

“Hôi thối nhất là vào buổi sáng và chiều tối, nhiều hôm gia đình tôi đang dùng cơm phải bỏ ngang vì bị ám mùi không thể nuốt trôi cơm” - ông Giáp than thở.

Để ngăn mùi hôi từ bãi phế phẩm này, ông Nguyễn Văn Bình nhà ở cách bãi chứa phế phẩm khoảng 60m đã dùng mút để nhét vào các khe cửa, nhưng vẫn không ngăn được mùi.

“2 con tôi ngày nào đi học cũng ở lại trường chứ không dám về nhà, vì không khí trong nhà lúc nào cũng đặc quánh mùi hôi thối nồng nặc từ bãi phế thải tỏa vào. Có hôm, con tôi đang ăn phải nôn thốc nôn tháo bởi mùi hôi thối xộc thẳng vào nhà theo hướng gió” - ông Bình bức xúc nói.

Chủ tịch UBND xã Phước Bình HUỲNH VĂN KHÁNH cho biết, địa phương đang hoàn tất các bước hồ sơ, thủ tục để thực hiện việc cấp nước máy cho khu vực ấp 3. Dự kiến sẽ triển khai vào năm 2024 với tổng kinh phí đầu tư trên 9 tỷ đồng (ngân sách tỉnh 70%, còn lại là ngân sách của xã).

Còn ông Lê Hải Lý, nhà gần khu vực bãi phế phẩm kể, tuần rồi gia đình em gái của ông từ TP.HCM xuống chơi, dự định ở lại vài hôm nhưng vừa mới đặt chân xuống xe chưa lâu đã vội cáo từ vì không thể ngửi nổi mùi hôi thối từ khu vực bãi phế phẩm lan tỏa khắp nơi.

Không chỉ có người dân ấp 3, xã Phước Bình bị ảnh hưởng bởi không khí ô nhiễm mà nhiều hộ dân ở địa bàn giáp ranh thuộc P.Mỹ Xuân, TX.Tân Thành (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) cũng rơi vào cảnh tương tự.

“Từ ngày không khí bị ô nhiễm, quán cà phê của gia đình tôi kinh doanh ế ẩm vì khách không ai dám tới ngồi uống nước. Ngay cả quần áo giặc phơi bên ngoài cũng bị ám mùi hôi rất khó chịu. Tội nhất là người già và trẻ nhỏ phải ở nhà thường xuyên nên buộc phải chịu đựng sự ô nhiễm” - ông Nguyễn Quang Khôi (ngụ P.Mỹ Xuân) chia sẻ.

Người dân xã Phước Bình phản ảnh, hiện nhiều giếng nước trong khu vực không thể sử dụng được do nguồn nước có mùi lạ, nghi do chất thải thẩm thấu gây ô nhiễm nguồn nước ngầm. Bức xúc trước tình trạng ô nhiễm, đầu tháng 7-2023, người dân ở ấp 3, xã Phước bình đã gửi đơn đề nghị chính quyền địa phương xử lý dứt điểm tình trạng ô nhiễm môi trường từ bãi rác tự phát nói trên.

* Cần xử lý dứt điểm

Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Đồng Nai, bãi chứa phế phẩm nói trên thuộc thửa đất số 78, tờ bản đồ số 67 do bà Nguyễn Thị Mỹ Phượng đứng tên có diện tích khoảng 2 ngàn m2.

Nước thải từ bãi chứa phế phẩm da chảy tràn ra ngoài khu đất của các hộ dân xung quanh
Nước thải từ bãi chứa phế phẩm da chảy tràn ra ngoài khu đất của các hộ dân xung quanh

Người được bà Phượng ủy quyền là ông Nguyễn Ngọc Huân cho biết, năm 2017, bà Phượng cho Công ty Thực phẩm Pan Da (TX.Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) thuê kho để tái chế phụ phẩm da (da phế phẩm). Công ty hoạt động được 2 năm thì ngừng hoạt động vì chủ bỏ trốn, để lại khoảng 700 tấn phế phẩm da. Bà Phượng không tìm được giám đốc công ty để yêu cầu xử lý nên đành đưa số phế phẩm da này ra ngoài trời để cho công ty khác thuê kho. Quá trình để phế phẩm ngoài trời lâu ngày dẫn đến phân hủy, bốc mùi hôi thối.

Trước tình trạng trên, ngày 10-7, UBND xã Phước Bình đã đến kiểm tra và yêu cầu ông Huân xử lý toàn bộ phần phế phẩm trên, khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường. Thời hạn xử lý được thống nhất giữa chính quyền địa phương, đơn vị chức năng, ông Huân và các hộ dân là ngày 30-8.

Tuy nhiên, đến ngày 19-8, phía bà Phượng mới hoàn tất việc di dời toàn bộ phần phế phẩm trên bề mặt bãi chứa. Riêng phần da phân hủy thành bùn đen và ao chứa nước thải trong khu vực hiện chưa được xử lý.

“Mong chính quyền địa phương tiếp tục giám sát và yêu cầu chủ khu đất khắc phục dứt điểm tình trạng ô nhiễm môi trường tại khu vực này; đồng thời, xem xét cung cấp nước máy cho người dân sử dụng, vì hiện nay nguồn nước ngầm tại khu vực đang bị ô nhiễm” - ông Nguyễn Như Giáp, đại diện các hộ dân ở ấp 3, xã Phước Bình kiến nghị.

Liên quan đến đề xuất này, đại diện Phòng TN-MT H.Long Thành cho biết, ngày 20-9, phòng đã tiến hành lấy 4 mẫu nước ngầm (1 mẫu tại khu đất và 3 mẫu tại khu vực xung quanh) gửi đơn vị chức năng xét nghiệm, đánh giá mức độ ô nhiễm theo yêu cầu của các hộ dân và đang chờ kết quả phân tích, trên cơ sở đó sẽ có hướng xử lý phù hợp.

Kim Liễu

Tin xem nhiều