Báo Đồng Nai điện tử
En

Cần có giải pháp kiểm soát bình ổn giá thị trường

Kim Liễu
08:46, 07/09/2023

Mấy tháng gần đây, giá nhiều mặt hàng thiết yếu (xăng, gạo), hàng tiêu dùng và dịch vụ được điều chỉnh tăng đã gây ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của nhiều người dân.

Giá tiêu dùng tăng nên người đi chợ luôn cân nhắc khi chọn mua thực phẩm (Ảnh chụp tại một khu chợ nhỏ trên đường Võ Thị Sáu, P.Quyết Thắng, TP.Biên Hòa). Ảnh: K.Liễu

Nhiều người cho biết, đã phải tính toán lại bài toán chi tiêu trong gia đình nhằm bù cho giá điện, xăng, lương thực, thực phẩm đang nhích lên. Trong bối cảnh hiện nay, cần lắm các giải pháp căn cơ từ cơ quan chức năng nhằm kiểm soát, bình ổn giá thị trường.

* Thắt chặt chi tiêu

Có nhiều lý do được đưa ra để giải thích cho việc giá hàng hóa tăng, ngoài yếu tố cung - cầu thị trường, xăng, dầu, điện tăng giá…, còn do mức lương cơ sở, mức lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng được điều chỉnh tăng.

Bà Lê Thị Mai, cán bộ hưu trí ở P.Quang Vinh (TP.Biên Hòa) chia sẻ, với mức lương hưu đã được điều chỉnh tăng, mỗi tháng bà lãnh hơn 2,4 triệu đồng. Gần đây hàng hóa liên tục tăng giá, không chỉ giá thực phẩm tăng mà các hàng hóa tiêu dùng khác cũng tăng. Chưa kịp vui vì lương tăng, bà đã phải tính toán, cân đối tiêu dùng các khoản.

“Cứ mỗi lần tăng lương, tôi thấy giá cả lại leo thang. Nếu không kiểm soát được giá tiêu dùng thì chính sách tăng lương không có nhiều ý nghĩa” - bà Mai nói.

“Tôi mong sớm vượt qua giai đoạn khó khăn này để có điều kiện làm việc và thu nhập ổn định trở lại. Đồng thời, Nhà nước cần có chính sách bình ổn giá cả để giảm bớt khó khăn cho người tiêu dùng, đặc biệt là những người có thu nhập thấp” -  anh Trần Văn Việt (công nhân ở Khu công nghiệp Amata, TP.Biên Hòa) đề xuất.

Chị N.T.L. đang làm việc ở một cơ quan nhà nước tại TP.Biên Hòa bộc bạch, lương cơ sở được điều chỉnh tăng thêm 400 ngàn đồng/tháng là điều rất vui với viên chức như chị. Tuy nhiên, ngay khi mức lương được điều chỉnh tăng từ ngày 1-7 thì các khoản chi tiêu thường xuyên trong gia đình chị đã tăng đáng kể. Ngoài giá điện được điều chỉnh tăng, gần đây giá xăng tăng liên tục. Các mặt hàng thực phẩm như: gạo, thịt, rau củ quả nhích lên từng ngày khiến lương tăng không đủ bù cho các khoản tăng giá.

“Trước đây, mỗi buổi đi chợ, tôi chi tiêu hết 150 ngàn đồng, còn bây giờ phải chi đến 200 ngàn đồng mới mua đủ thức ăn cho gia đình trong 1 ngày ” - chị L. nói.

Giá cả hàng hóa tăng đã khiến nhiều người tiêu dùng lo lắng, nhất là những người có thu nhập thấp, công nhân lao động.

Vợ chồng anh Trần Văn Việt (công nhân làm việc trong Khu công nghiệp Amata, TP.Biên Hòa) cho hay, từ sau Tết Nguyên đán 2023 đến nay, công ty bị cắt giảm đơn hàng, không tổ chức làm việc tăng ca nên thu nhập của anh từ 9 triệu đồng/tháng giảm còn 7 triệu đồng/tháng. Vợ anh vừa sinh con nhỏ nên vẫn chưa đi làm lại, gia đình anh phải tính toán kỹ càng các khoản chi tiêu. 

Anh Việt chia sẻ: “Giá cả tăng, mình ăn uống, tiêu xài có thể bớt lại. Việc này người lớn có thể nhịn được nhưng còn trẻ vẫn phải cần có sữa, tã…, trong khi các mặt hàng này cũng tăng giá”.

* Kiểm soát, bình ổn giá cả

Thực tế, khó khăn không chỉ ảnh hưởng đến những công nhân, người lao động nghèo mà ngay cả những người buôn bán cũng đối mặt với nhiều vấn đề khi tình hình kinh doanh không được như mong muốn.

Chị L., chủ một quán ăn trên đường Võ Thị Sáu
(TP.Biên Hòa) than thở khi chi phí đầu vào tăng liên tục: "Giá tăng từ túi ny-lông, hộp nhựa đến dầu ăn, rau, thịt…, mỗi thứ tăng một ít. Bún trước đây 10 ngàn đồng/kg, giờ tăng lên 13 ngàn đồng/kg, rau sống các loại tăng thêm 3-4 ngàn đồng/kg, đường tăng gần 4 ngàn đồng/kg… Tôi mua sỉ mới được giá đó, chứ mua lẻ còn đắt hơn”.

Tuy nhiên, bà L. không tăng giá bán vì so với trước Tết, lượng khách mỗi ngày chỉ còn khoảng 40%, nếu tăng giá sẽ mất khách. Để duy trì hoạt động kinh doanh, bà L. cắt giảm nhiều chi phí, điều chỉnh sử dụng thiết bị điện những lúc vắng khách. Kể cả rau củ, gia vị chế biến món ăn hàng ngày, bà cũng phải đong đếm từng món.

Chống chọi với cơn “bão giá”, không chỉ các bà nội trợ mà mọi người đều phải tính toán cắt giảm những khoản tiêu dùng, thay đổi thói quen chi tiêu mới có thể không bị thâm hụt tài chính trước tình hình khó khăn.

Thực tế có tình trạng sau khi lương tăng hoặc giá điện, xăng, dầu tăng thì ngay sau đó các loại hàng hóa thiết yếu cũng tranh thủ “té nước theo mưa” và thiết lập mặt bằng giá cả mới. Đến khi giá các mặt hàng điện, xăng, dầu hạ thì các loại hàng hóa trên vẫn không giảm giá hoặc giảm nhỏ giọt và chắc chắn không bao giờ quay lại mức giá ban đầu, nên chi phí sinh hoạt cứ thế bị đẩy lên.

“Để ngăn chặn giá các mặt hàng thiết yếu tăng, rất cần giải pháp khả thi hơn từ các cơ quan chức năng trong việc điều tiết giá cả, kiểm soát và bình ổn thị trường” - bà Trần Thanh Duyên (ngụ xã Hưng Lộc, H.Thống Nhất) đề xuất.

Kim Liễu

Tin xem nhiều