Vì nhiều lý do khác nhau, những người hết tuổi lao động tức người lao động (NLĐ) cao tuổi theo Bộ luật Lao động năm 2019 vẫn có nhu cầu làm việc để đảm bảo cuộc sống, kinh tế bản thân.
Các luật sư thuộc Đoàn Luật sư tỉnh (trái) tư vấn pháp luật về lao động cho người dân tại xã Cây Gáo (H.Trảng Bom). Ảnh: Đ.Phú |
Luật sư Nguyễn Văn Hòa (Đoàn Luật sư tỉnh) cho biết, NLĐ cao tuổi làm việc theo hợp đồng lao động (HĐLĐ) được hưởng tiền lương và các quyền lợi khác như lao động bình thường.
* Người hết tuổi lao động vẫn có nhu cầu việc làm
Dù đã ngoài 72 tuổi, ông H.H.M. (xã Vĩnh Tân, H.Vĩnh Cửu) vẫn có nhu cầu việc làm để tự lo cho bản thân, không phụ thuộc vào con cái. Ngày 1-3-2023, ông được Công ty TNHH N.G. (trụ sở tại xã Bình Minh, H.Trảng Bom) ký HĐLĐ (thời hạn 12 tháng), nhiệm vụ là nhân viên bảo vệ, làm việc từ 7-22 giờ thứ hai đến chủ nhật, lương tháng trên 7 triệu đồng.
Do sức khỏe và chuyện gia đình nên làm việc hết tháng 3 và 13 ngày của tháng 4-2023 thì ông M. xin nghỉ việc và được công ty đồng ý. Vì vậy, ông M. được công ty làm thủ tục chấm dứt HĐLĐ ngay sau đó. Mặc dù hợp đồng đã được thanh lý, nhưng Công ty TNHH N.G. vẫn không chịu thanh toán tiền lương tháng 3 và 13 ngày làm việc của tháng 4-2023 cho ông M. khiến ông phải vất vả để đi đòi quyền lợi là tiền lương công ty còn nợ và các chế độ khác.
Cũng vì hoàn cảnh kinh tế gia đình, sau khi nghỉ hưu được 5 năm, ông Q.K.D. (65 tuổi, quê tỉnh Thanh Hóa, ngụ tại P.Trảng Dài, TP.Biên Hòa) được Công ty X.K. (trụ sở xã Thiện Tân, H.Vĩnh Cửu) ký HĐLĐ 6 tháng, công việc là chăm sóc cây cảnh, lương 5 triệu đồng/tháng. Ông D. hỏi: “Dù HĐLĐ giao kết ngày làm việc 8 giờ, được nghỉ ngày chủ nhật, nhưng do công việc đặc thù tưới và chăm sóc cây cảnh nên công ty bắt tôi làm luôn ngày chủ nhật. Vậy tôi có được quyền đòi tiền làm thêm giờ khi HĐLĐ hết hạn?”.
Trường hợp của ông M., ông D. theo luật sư Nguyễn Văn Hòa, nhu cầu việc làm để tạo sinh kế cho gia đình, bản thân của những NLĐ lớn tuổi là chính đáng và được pháp luật khuyến khích các doanh nghiệp sử dụng lao động cao tuổi phù hợp với sức khỏe, bảo đảm quyền lao động, sử dụng nguồn nhân lực. Theo quy định của Bộ luật Lao động năm 2019, vào năm 2023, tuổi nghỉ hưu của lao động nam làm việc trong điều kiện bình thường là đủ 60 tuổi 9 tháng, nữ là đủ 56 tuổi. Do đó, các ông thuộc trường hợp lao động cao tuổi nên pháp luật lao động có những chính sách riêng dành cho đối tượng này.
Cũng theo luật sư Hòa, lao động trong độ tuổi lao động hay lao động lớn tuổi đều được thụ hưởng các quyền chung về: nguyên tắc trả lương (Điều 94), làm thêm giờ (Điều 107), nghỉ hàng tuần (Điều 111) của Bộ luật Lao động năm 2019… Do đó, công ty chưa thực hiện nghĩa vụ trả lương, làm thêm giờ và các quyền lợi khác cho các ông khi 2 bên chấm dứt HĐLĐ thì các ông vẫn có quyền đòi.
* Cách đòi quyền lợi khi công ty chưa thực hiện nghĩa vụ
Mặc dù NLĐ lớn tuổi có kinh nghiệm trong công việc, tuy vậy họ vẫn còn e ngại và lúng túng trong việc đòi quyền lợi. Chẳng hạn như trường hợp của 2 ông M. và D., vì cần công việc phù hợp với độ tuổi, sức khỏe và giải quyết sự buồn tẻ của tuổi già, lại có tiền phụ giúp con cháu nên các ông chỉ chú ý tới tiền công, tiền lương được trả, không chú ý tới việc người sử dụng lao động (NSDLĐ) có thực hiện chế độ trả lương, làm thêm giờ có đúng Luật Lao động không. Chỉ tới khi nghỉ việc, công ty chưa trả đủ lương và các quyền lợi khác thì các ông mới phát hiện ra.
“NLĐ cao tuổi, lao động trẻ em, lao động khuyết tật… thuộc đối tượng yếu thế nên ngoài tổ chức Công đoàn, họ còn được giới luật sư, luật gia, trợ giúp viên pháp lý hỗ trợ pháp luật miễn phí trong quá trình đòi quyền lợi” - luật gia PHẠM ĐÌNH ĐỨC (Hội Luật gia TP.Biên Hòa) hướng dẫn. |
Về vấn đề này, theo luật sư Nguyễn Quang Thiêm (Đoàn Luật sư tỉnh), trong giao kết HĐLĐ, giữa NLĐ cao tuổi và NSDLĐ có quyền thỏa thuận với nhau về việc rút ngắn thời gian làm việc hàng ngày hoặc áp dụng chế độ làm việc không trọn thời gian. Do đó, tùy vào nội dung HĐLĐ đã thỏa thuận và ký kết giữa các bên mà áp dụng chế độ tiền lương, tiền công, tiền làm thêm giờ… cho phù hợp.
Luật sư Khiêm cho biết thêm, dù các bên đã thỏa thuận với nhau nhưng thỏa thuận đó không được trái với pháp luật là làm việc trong điều kiện bình thường, không thuộc trường hợp công việc và môi trường nặng nhọc, độc hại thì cũng không vượt quá 8 giờ trong 1 ngày và 48 giờ trong 1 tuần. Nếu NSDLĐ bắt NLĐ lớn tuổi làm vượt giờ, không cho nghỉ hàng tuần thì phải chi trả phần giờ làm vượt trong ngày, tuần, tháng và làm việc trong những ngày được nghỉ theo đúng Bộ luật Lao động năm 2019.
Cũng vấn đề này, luật gia Phạm Đình Đức (Hội Luật gia TP.Biên Hòa) bày tỏ, khi NLĐ cao tuổi nói riêng và NLĐ nói chung thấy quyền lợi về tiền lương, làm thêm giờ và các chế độ khác không được NSDLĐ chi trả đúng sau khi chấm dứt HĐLĐ vẫn có quyền yêu cầu NSDLĐ xem xét chi trả cho đúng. Nếu NSDLĐ không xem xét hoặc có xem xét nhưng thực hiện chi trả vẫn chưa đúng thì khiếu nại lên Phòng LĐ-TBXH huyện nơi công ty đóng trụ sở, Thanh tra lao động thuộc Sở LĐ-TBXH tỉnh giải quyết. Nếu các bên không thỏa thuận được hoặc NSDLĐ đồng ý chi trả khi được các cơ quan giải quyết nhưng sau đó chây ỳ, trốn tránh thực hiện nghĩa vụ thì NLĐ có quyền khởi kiện vụ việc ra tòa án để đòi quyền lợi.
Đoàn Phú
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin