Báo Đồng Nai điện tử
En

Xử lý nghiêm tình trạng giết mổ, kinh doanh thịt bẩn

Kim Liễu
08:50, 24/08/2023

Phản hồi tin Phát hiện cơ sở sơ chế khoảng 1,2 tấn thịt heo đã bốc mùi hôi thối trên Báo Đồng Nai phát hành ngày 18-8, nhiều bạn đọc (BĐ) bày tỏ lo ngại trước tình trạng thực phẩm bẩn trên thị trường ngày càng diễn biến phức tạp, khó lường.

Thịt heo không đảm bảo an toàn vệ sinh được một lò mổ tại P.Long Bình (TP.Biên Hòa) sơ chế chuẩn bị mang đi tiêu thụ, bị cơ quan chức năng phát hiện, xử lý. Ảnh: Trần Danh

Qua đó, nhiều BĐ kiến nghị cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm tình trạng giết mổ, kinh doanh thịt bẩn.

* Nỗi lo thực phẩm bẩn

Nội dung bản tin cho biết, trong 2 ngày 14 và 18-8, lực lượng chức năng tại TP.Biên Hòa đã liên tiếp phát hiện, lập hồ sơ xử lý các cơ sở chế biến thực phẩm (các loại thịt: heo, gà, bò...) không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Cụ thể: phát hiện 1 cơ sở giết mổ tại KP.5, P.Long Bình đang sơ chế khoảng 1,2 tấn thịt heo không rõ nguồn gốc xuất xứ, bốc mùi hôi thối, không đảm bảo vệ sinh thú y; kiểm tra tại kho của chi nhánh Công ty TNHH Thực phẩm Nguyên Đán (đóng tại P.Tân Hiệp), lực lượng công an phát hiện có hơn 250kg sản phẩm động vật nhập khẩu và tại kho của Cơ sở Nhữ Thị Hà (đóng tại P.Hố Nai) chứa trên 8,5 tấn sản phẩm động vật (heo, gà, trâu) không rõ nguồn gốc xuất xứ.

BĐ Trà Duy Lâm (ngụ P.Trảng Dài, TP.Biên Hòa) chia sẻ, đọc tin ông thấy rất bất bình trước hành vi kinh doanh của các chủ cơ sở trên. Càng lo ngại hơn khi biết số thịt không rõ nguồn gốc xuất xứ, bốc mùi hôi thối… được sơ chế rồi đem đi bán cho các quán ăn. “Do nhà xa chỗ làm nên ngày nào tôi cũng ăn cơm ở các quán gần công ty, thật khó có thể chấp nhận việc số thịt trên được các quán mua về chế biến lại rồi bán cho thực khách” - ông Lâm nói.

“Việc tuồn hàng tấn thịt bẩn ra thị trường lâu dài sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe hàng ngàn người tiêu dùng chứ không phải là chuyện đơn giản. Phải xử thật nghiêm mới mong dẹp được vấn nạn thực phẩm bẩn” - BĐ TRẦN THỊ NHẪN (ngụ P.Tam Hiệp, TP.Biên Hòa) đề xuất.

Cùng tâm trạng với ông Lâm, nhiều BĐ, nhất là những người do tính chất công việc thường xuyên ăn cơm tiệm đã bày tỏ lo ngại về chất lượng bữa ăn hàng ngày. “Hàng tấn heo chết, gà, bò đông lạnh không đảm bảo chất lượng được sơ chế, tẩm ướp bằng hóa chất độc hại rồi len lỏi vào các bếp ăn tập thể của người lao động, của từng gia đình thì sẽ là mối nguy hại rất lớn đối với sức khỏe của người dùng” - bà Trần Thị Hồng Liên (ngụ xã Lộc An, H.Long Thành) bức xúc bày tỏ.

Theo một số BĐ, sẽ rất khó kiểm soát được thịt bẩn tuồn ra thị trường nếu không xử lý được tình trạng giết mổ lậu. Bên cạnh việc giết mổ heo bệnh, heo chết đem bán, hiện nay tình trạng thịt heo, gà, nội tạng động vật… đông lạnh không rõ nguồn gốc vẫn còn được bày bán khá nhiều trên thị trường, nhất là tại các điểm tự phát và trên các trang mạng xã hội. “Giá các loại thịt đông lạnh thường chỉ rẻ bằng ½ giá thị trường nên những người kinh doanh hàng ăn thường mua về chế biến thì mới lời nhiều” -  một chủ quán ăn ở P.Thống Nhất (TP.Biên Hòa) cho hay.

* Mạnh tay với các vi phạm

BĐ Nguyễn Văn Hiếu (ngụ P.Thống Nhất, TP.Biên Hòa) bày tỏ, Đồng Nai là “thủ phủ” chăn nuôi heo nên số lượng heo chết sẽ không nhỏ, nếu không được giám sát thì số heo này sẽ được đưa vào các lò mổ lậu và tuồn ra thị trường, trong khi Đồng Nai cũng là tỉnh công nghiệp với số lượng bếp ăn tập thể cho công nhân rất nhiều. Đây sẽ là nơi tiêu thụ thịt bẩn nếu các đơn vị cung cấp thực phẩm chỉ biết đến lợi nhuận mà không quan tâm đến chất lượng.

“Để đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP), nhiều BĐ đề xuất cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát các cơ sở kinh doanh, mua bán, giết mổ động vật và các điểm kinh doanh cung cấp thức ăn sẽ góp phần rất quan trọng trong việc ngăn chặn thực phẩm bẩn, không đảm bảo an toàn ra thị trường” - ông Hiếu đề xuất.

Bình luận trên Facebook Báo Đồng Nai, nhiều BĐ kiến nghị ngành chức năng quyết liệt hơn trong việc tăng cường công khai các cơ sở vi phạm, sản phẩm thực phẩm không bảo đảm ATTP để người dân biết, lựa chọn thực phẩm an toàn. Đồng thời, cần công bố đường dây nóng để người dân báo tin khi phát hiện thực phẩm bẩn cũng như các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm bẩn. Song song với sự vào cuộc quyết liệt của ngành chức năng, mỗi người tiêu dùng cũng cần nâng cao ý thức về vệ sinh ATTP theo khuyến cáo của các đơn vị chức năng.

Bên cạnh kiến nghị đẩy mạnh truyền thông về các quy định, kiến thức về ATTP cho người người tiêu dùng, người sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, BĐ Trần Thị Nhẫn (ngụ P.Tam Hiệp, TP.Biên Hòa) còn đề nghị các cơ quan chức năng nghiên cứu, đề xuất sửa đổi các quy định của pháp luật để xử lý nghiêm những vi phạm về ATTP.

Kim Liễu

Tin xem nhiều