Báo Đồng Nai điện tử
En

Trang bị kỹ năng phòng vệ, ngăn ngừa bắt cóc trẻ em

Phương Liễu
08:38, 22/08/2023

Vụ cháu bé 7 tuổi ở TP.Hà Nội bị bắt cóc chiều 14-8 kèm lời yêu cầu gia đình giao 15 tỷ đồng để chuộc con đang khiến dư luận quan tâm, đặc biệt là những gia đình có con nhỏ.

Cha mẹ đi làm công nhân, nhiều trẻ ở nhà trọ tại P.Trung Dũng (TP.Biên Hòa) phải ở nhà một mình, không có người lớn trông coi. Ảnh minh họa: P.LIỄU

Vụ việc được Công an TP.Hà Nội giải quyết thành công, cháu bé đã trở về nhà an toàn, tiền chuộc cũng được thu hồi và đặc biệt là đối tượng bắt cóc cháu bé bị bắt ngay sau đó vài giờ… Nhưng đây cũng là lời cảnh báo đến nhiều gia đình trong việc quản lý, trông nom trẻ cũng như sự cần thiết phải trang bị kỹ năng ứng phó khi gặp tình huống bắt cóc trẻ em.

* Luôn cảnh giác, đề phòng...

Chị Trần Thị Lan Anh, một cư dân sống ở chung cư Amber Court (P.Thống Nhất, TP.Biên Hòa) có 2 con nhỏ 8 tuổi và 6 tuổi. Buổi chiều, chị hay khuyến khích 2 con xuống sân chung cư đạp xe để các cháu vận động. Nhưng từ hôm xảy ra vụ bắt cóc ở Hà Nội, chị đã không dám cho con xuống sân chung cư chơi một mình vì lo sợ xảy ra tình huống xấu.

Cách đây 5 năm, con anh Trần Trung Kiên (ngụ P.Trung Dũng, TP.Biên Hòa) lúc đó mới 4 tuổi đang chơi một mình ở con hẻm gần nhà thì bị một phụ nữ lạ mặt dắt đi. Khi vợ anh thấy và chạy đến giằng con lại thì người này nói: “Thấy cháu khóc, nói bị lạc nên đang hỏi han để giúp đưa cháu về nhà”. Anh Kiên cho biết, các đối tượng xấu rất tinh vi, thường ăn mặc lịch sự, đi xe đắt tiền nên rất khó phát hiện. Sau vụ trẻ 7 tuổi bị bắt cóc ở Hà Nội, anh mới thấy việc dạy con cách ứng phó khi bị bắt cóc sẽ góp phần giúp trẻ tránh được những tình huống nguy hiểm.

Vụ trẻ bị bắt cóc ở TP.Hà Nội vừa qua khiến bà Vũ Thị Thanh Đoan (ngụ P.Tân Phong, TP.Biên Hòa) lo lắng. Bà Đoan cho biết, trước nay bà vẫn để các cháu ra sân, sang nhà hàng xóm hay ra ngõ chơi với trẻ em trong xóm. Nhưng giờ thì bà quản lý và luôn để mắt đến các cháu, không để các cháu ra ngoài chơi một mình.

Nhiều người dân cũng tỏ ra bất bình về hành vi bắt cóc trẻ em giữa ban ngày, ngay khu dân cư đông đúc nêu trên và cho rằng mỗi người dân và toàn cộng đồng cần quan tâm, lưu ý và can thiệp kịp thời khi thấy có người lạ đi vào khu dân cư hoặc khi có dấu hiệu kêu cứu cần sự hỗ trợ, giúp đỡ của trẻ em.

* Chú ý kỹ năng phòng vệ

Để phòng ngừa cho trẻ trước nguy cơ bị bắt cóc, đồng thời giữ an toàn khi trẻ đã bị kẻ xấu bắt đi, không chỉ người lớn mà cả trẻ em cũng cần được trang bị kỹ năng phòng vệ nhằm bảo đảm an toàn.

Theo luật sư NGÔ VĂN ĐỊNH, Phó giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật (Hội Luật gia tỉnh), tại Khoản 33, Điều 1 Bộ luật Hình sự sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định tội bắt cóc trẻ em làm con tin nhằm mục đích để tống tiền thì bị phạt tù từ 2-20 năm hoặc phạt tù chung thân (tùy theo tính chất nguy hiểm của tội phạm).

Qua vụ bé 7 tuổi ở TP.Hà Nội bị bắt cóc, trả lời phỏng vấn một số cơ quan báo chí, thượng tá - TS Đào Trung Hiếu (chuyên gia tội phạm học, Cục Truyền thông, Bộ Công an) đã có những đánh giá vụ việc và đưa ra những lưu ý để phụ huynh tham khảo, nhằm phòng tránh và ứng phó khi con bị bắt cóc.

Theo TS Đào Trung Hiếu, giữ an toàn cho trẻ em trong mọi trường hợp là rất cần thiết. Do đó, trước hết từ phía cha mẹ phải luôn đề phòng, cảnh giác khi cho con tiếp xúc gần với không chỉ người lạ mà cả những người quen như: người giúp việc; các đối tượng ham mê cờ bạc, nghiện ma túy... ở nơi mình sinh sống. Mỗi khi đưa con đến những nơi vui chơi công cộng, nơi mua sắm, du lịch… không để con ngoài tầm mắt của mình; không để con ở nhà một mình. Nên đưa đón con đi học và dạy con không đồng ý đi theo, không lên xe người khác đón, dù là người quen, nếu không được cha mẹ dặn trước; dạy con không tiếp xúc, nhận quà và đi cùng người lạ mặt…

ThS tâm lý Nguyễn Công Bình, Chánh văn phòng Hội Khoa học tâm lý - giáo dục tỉnh Đồng Nai cho biết, hậu quả của việc bắt cóc trẻ em thường rất nặng nề, gây ra những tổn hại nghiêm trọng về thể chất, tâm lý của trẻ, nhất là để lại trong tiềm thức nỗi sợ hãi và mất niềm tin vào người lớn ở trẻ. Những tổn thương tâm lý này có thể kéo dài trong suốt cuộc đời nạn nhân, ảnh hưởng lớn đến sự phát triển bình thường về thể chất và tinh thần, tâm lý của trẻ em. Do đó, việc dạy trẻ kỹ năng phòng vệ trước người lạ và tình huống nguy hiểm, đối diện với kẻ bắt cóc rất quan trọng.

ThS Nguyễn Công Bình khuyến cáo các bậc phụ huynh nên dạy con một số kỹ năng để trẻ có thể tự bảo vệ mình trong trường hợp không có người lớn ở bên. Chẳng hạn như khi bị người lạ dụ dỗ, lôi kéo thì biết la thật lớn, khóc thật to, biết kêu cứu để gây sự chú ý cho những người xung quanh; biết chạy đến những người có thể tin tưởng như: thầy cô giáo, các chú công an, bộ đội, bác bảo vệ, nhân viên cửa hàng để cầu cứu… Dạy trẻ nhớ họ tên, số máy điện thoại, cơ quan công tác của cha mẹ, địa chỉ nhà nhưng phải giữ bí mật những thông tin này cho đến khi được giúp đỡ.

Phương Liễu

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích