Báo Đồng Nai điện tử
En

Tăng cường giải pháp bảo vệ công nhân lao động trước nạn “tín dụng đen”

Kim Liễu
09:01, 26/08/2023

Thông tin Bắt nhóm hoạt động "tín dụng đen", cho vay với lãi suất gần 1.000%/năm trên Báo Đồng Nai số phát hành ngày 28-8 đã nhận được nhiều phản hồi từ bạn đọc (BĐ).

Hiện có rất nhiều ứng dụng cho vay tiền nhanh trên mạng, dễ tiếp cận với người vay. Ảnh: K.Liễu
Hiện có rất nhiều ứng dụng cho vay tiền nhanh trên mạng, dễ tiếp cận với người vay. Ảnh: K.Liễu

Để ngăn chặn "tín dụng đen", nhiều BĐ cho rằng, cần sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa của cơ quan chức năng. Bản thân mỗi người lao động cũng cần tự trang bị cho mình kiến thức, tránh trở thành miếng mồi béo bở của “tín dụng đen”.

* Vòng xoáy nợ nần

Hầu hết người vay tiền của nhóm “tín dụng đen” nêu trên là công nhân lao động xa quê khi gặp khó khăn không biết vay mượn tiền ở đâu nên tìm đến “tín dụng đen” để được giải ngân nhanh chóng. Hậu quả của việc vay tiền là bị sa chân vào vòng luẩn quẩn nợ nần không lối thoát với khoản lãi vay “cắt cổ” trả hoài không dứt.

Từng là nạn nhân của tình trạng vay tiền nhanh, chị B. (công nhân làm việc tại H.Long Thành) kể, mấy tháng đầu năm 2023, công ty không có đơn hàng nên thu nhập của chị giảm mạnh, trong khi các khoản chi tiền nhà trọ, tiền học, tiền ăn cho 3 mẹ con vẫn phải chi. Bí quá, chị B. liên hệ số điện thoại dán trên cột điện gần khu nhà trọ để hỏi vay tiền. Thủ tục vay rất nhanh gọn, không cần tài sản thế chấp nhưng chỉ trong buổi sáng chị đã được cho vay 10 triệu đồng. Tuy nhiên, thực chất chị chỉ nhận chưa tới 9 triệu đồng, số tiền còn lại bị trừ vào phí dịch vụ, phí tư vấn… Mỗi tháng chị phải trả nợ gốc, lãi suất lên tới 2 triệu đồng, trong thời hạn 1 năm.

Kết quả khảo sát tình hình đời sống, việc làm, tiền lương của người lao động năm 2023 do Ban Chính sách - pháp luật phối hợp cùng Viện Công nhân và công đoàn (Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam) thực hiện với 3 ngàn người tại 6 tỉnh, thành trên cả nước vừa được công bố trong tháng 7-2023 cho thấy: 17,3% công nhân phải thường xuyên vay nợ; 3,1% trong số đó thường xuyên bị đe dọa, khủng bố; 45,2% người vay luôn lo lắng, bất an.

“Xui rủi, mới đây tôi bị tai nạn giao thông, phải nghỉ làm, không có tiền trả lãi nên họ kéo đến phòng trọ đòi nợ, dọa nạt. Sợ quá, tôi phải tiếp tục vay tiền chỗ khác để đắp vào, dẫn đến tình cảnh nợ chồng nợ, mọi thứ như đi vào ngõ cụt. May mắn có người bạn biết chuyện nên giúp trả nợ. Bây giờ tôi không dám vay tiền như vậy nữa” - chị B. bộc bạch.

Cùng hoàn cảnh, nhiều người lao động chia sẻ, dù biết vay tiền các đối tượng “tín dụng đen” sẽ gặp rắc rối nhưng tình cảnh bức bách đành đánh liều vay “nóng” vì không có lựa chọn khác.

“Với người lao động, để vượt qua thời điểm khó khăn về việc làm hiện nay không dễ dàng. Lợi dụng tình hình này, các đối tượng cho vay tìm đủ cách để tiếp cận. Ngoài các tờ rơi dán trên cột điện, dán quanh khu nhà trọ, các đối tượng cho vay còn nhắn tin tiếp thị cho vay qua tin nhắn SMS, Zalo, Facebook và thông qua các app cho vay tiền nhanh trên mạng…” - anh S. (công nhân đang làm việc tại TP.Biên Hòa) cho hay.

* Cần đẩy mạnh các giải pháp ngăn chặn

Biết tin nhóm cho vay ‘tín dụng đen” nói trên bị bắt, nhiều BĐ bày tỏ rất mừng, mong cơ quan chức năng tiếp tục triển khai các biện pháp nghiệp vụ để ngăn chặn nạn “tín dụng đen”. Một BĐ bình luận trên Facebook Báo Đồng Nai: “Cho vay với mức lãi tới gần 1.000%/năm như các đối tượng trên thì thật là kinh khủng, vi phạm nghiêm trọng quy định của pháp luật, cần phải xử lý nghiêm để răn đe”.

Đồng quan điểm, nhiều ý kiến BĐ cho rằng, các cơ quan chức năng cần đẩy mạnh tuyên truyền, phòng ngừa, ngăn chặn các hoạt động cho vay nặng lãi, “tín dụng đen” nhất là ở những nơi có đông công nhân lao động. Qua đó, giúp người lao động nắm rõ về tác hại, phương thức, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng cho vay; hiểu cặn kẽ về sự nguy hiểm của nạn “tín dụng đen” để chủ động phòng ngừa và tố giác.

Song song đó, các cấp Công đoàn cần sâu sát hơn trong việc nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của công nhân lao động. Chủ động hỗ trợ, giúp đỡ những người đang thực sự khó khăn về tài chính bằng việc: đứng ra đề nghị doanh nghiệp có giải pháp hỗ trợ phù hợp, giới thiệu và bảo lãnh cho người lao động vay tiền tại các tổ chức tín dụng hợp pháp với thủ tục nhanh gọn hơn… Khi được hỗ trợ kịp thời lúc khó khăn, người lao động sẽ không dại gì tìm đến “tín dụng đen”.

Một số BĐ chia sẻ, do là người ngoại tỉnh, không có hộ khẩu, không có tài sản thế chấp nên khó có thể tiếp cận với các nguồn tín dụng chính thống, đành “nhắm mắt” vay nóng. Do vậy, rất cần những mô hình tài chính vi mô và cơ chế vay ưu đãi để giúp người lao động không vướng vào bẫy “tín dụng đen”. Chẳng hạn như, các ngân hàng thương mại cho vay các khoản nhỏ lẻ, không cần thủ tục phức tạp để người lao động dễ tiếp cận.

Kim Liễu

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích