Điều khiển phương tiện chạy quá tốc độ quy định, vượt ẩu... là những hành vi vi phạm quy định của pháp luật về an toàn giao thông đường bộ, tiềm ẩn nguy cơ dẫn đến tai nạn giao thông (TNGT).
Điều khiển phương tiện chạy quá tốc độ quy định, vượt ẩu... là những hành vi vi phạm quy định của pháp luật về an toàn giao thông đường bộ, tiềm ẩn nguy cơ dẫn đến tai nạn giao thông (TNGT).
Hiện trường vụ tai nạn giao thông xảy ra trên cầu vượt Amata (TP.Biên Hòa) vào ngày 12-5, nguyên nhân một phần do lái xe không làm chủ tốc độ. Ảnh: V.Nguyên |
Theo các cơ quan chức năng, nhiều vụ TNGT xảy ra trong thời gian qua do người điều khiển phương tiện phóng nhanh, vượt ẩu. Do đó, các hành vi này cần phải được xử lý nghiêm.
* Gây tai nạn do phóng nhanh, vượt ẩu
Theo Thông tư số 31/2019/TT-BGTVT ngày 29-8-2019 của Bộ GT-VT quy định về tốc độ và khoảng cách an toàn của xe cơ giới, xe máy chuyên dùng tham gia giao thông đường bộ, người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ phải giảm tốc độ để có thể dừng lại một cách an toàn khi qua nơi đường bộ giao nhau cùng mức, đường vòng, đường có địa hình quanh co, đèo dốc… Tuy nhiên, vì nhiều lý do, không ít người vẫn phóng nhanh, vượt ẩu, chuyển hướng không giảm tốc độ và chú ý quan sát dẫn đến tai nạn.
Theo thông tin từ Sở GT-VT, qua theo dõi, kiểm tra hoạt động của các phương tiện: xe taxi, xe buýt, xe tuyến cố định, xe hợp đồng, xe container, xe tải… từ tháng 12-2021 đến tháng 3-2022, thông qua thiết bị giám sát hành trình, đơn vị đã phát hiện 553 phương tiện trong tháng có từ 5 lần vi phạm tốc độ/1 ngàn km xe chạy theo quy định. |
Khoảng 12 giờ ngày 12-5, xe bồn bơm bê tông biển số 60C-246… do tài xế T.Đ.K. (quê tỉnh Ninh Bình) điều khiển lưu thông trên quốc lộ 1 theo hướng từ công viên 30-4 về ngã tư Vũng Tàu. Khi đến khu vực giữa cầu vượt Amata (TP.Biên Hòa), xe bất ngờ lao vào dải phân cách khiến hơn 20m dải phân cách cứng bị cuốn ra giữa mặt cầu. Lúc này, xe tải biển số 50LD-159… do tài xế N.T.D. (ngụ P.Long Bình, TP.Biên Hòa) điều khiển lưu thông hướng ngược lại với tốc độ cao đến khu vực này đã tông vào các tấm bê tông nằm giữa cầu. Sau đó, xe tải mất kiểm soát lao tiếp vào dải phân cách rồi vượt qua phía lan can cầu vượt. Cú va chạm mạnh khiến chiếc xe tải nằm kẹt giữa lan can, gần rơi xuống đường phía dưới cầu vượt. May mắn là tài xế kịp thoát ra ngoài nên vụ tai nạn không gây thương vong về người.
Mới đây, vào khoảng 8 giờ 30 ngày 27-5, tại khu vực ngã tư Vũng Tàu (TP.Biên Hòa) xảy ra vụ TNGT giữa xe bồn với xe máy khiến 1 người tử vong tại chỗ. Vào thời điểm này, người phụ nữ khoảng 50 tuổi điều khiển xe máy biển số 60F2-165… lưu thông trên quốc lộ 51 theo hướng Cổng 11 đi cầu An Hảo. Khi đến khu vực dừng chờ đèn tín hiệu giao thông tại nút giao thông ngã tư Vũng Tàu thì xảy ra va chạm với xe bồn trộn bê tông biển số 51E-041… do tài xế N.H.V. điều khiển lưu thông cùng chiều phía sau.
Sau cú va chạm, xe máy bị cuốn vào gầm xe bồn khiến nạn nhân tử vong tại chỗ. Bước đầu, lực lượng chức năng xác định nguyên nhân tai nạn do tài xế V. vượt ẩu. Lái xe chuyển hướng để rẽ phải vào Khu công nghiệp Biên Hòa 2 nhưng không đảm bảo an toàn, không chú ý quan sát dẫn đến va chạm với xe máy.
* Kiên quyết xử lý vi phạm
Trên thực tế, hành vi vi phạm quy định về tốc độ và tránh, vượt diễn ra phổ biến trên tất cả các tuyến đường từ đường nội ô đến đường nông thôn hay quốc lộ, tỉnh lộ. Nhiều người có thói quen phóng nhanh, vượt ẩu khi đường vắng, ít phương tiện qua lại. Thậm chí tại những đoạn đường quanh co, dốc nhưng lái xe không giảm tốc độ. Chính sự chủ quan này đã dẫn đến nhiều vụ TNGT thương tâm.
Theo quy định của Luật Giao thông đường bộ năm 2008, người điều khiển phương tiện tham gia giao thông phải nghiêm chỉnh chấp hành quy định về tốc độ và khoảng cách an toàn tối thiểu giữa 2 xe được ghi trên biển báo hiệu đường bộ. Tại những đoạn đường không có biển báo hiệu, người điều khiển phương tiện phải lái xe ở tốc độ phù hợp với điều kiện thực tế của cầu, đường, mật độ phương tiện tham gia giao thông, địa hình, thời tiết và các yếu tố ảnh hưởng khác để đảm bảo an toàn; chỉ được vượt xe khác khi đảm bảo an toàn.
Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia Khuất Việt Hùng phân tích, theo tính toán của các chuyên gia, với tốc độ 70km/giờ, lực va đập sẽ tăng gấp 2 lần so với tốc độ 50km/giờ; tốc độ 87km/giờ, lực va đập tăng lên gấp 3 lần so với tốc độ 50km/giờ; tốc độ 100km/giờ, lực va chạm tăng lên gấp 4 lần so với tốc độ 50km/giờ.
Theo ông Hùng, khi tăng tốc độ trung bình 5% thì TNGT tăng 10% và tai nạn chết người tăng 20%. Những nghiên cứu này lý giải vì sao đối với những vụ TNGT có nguyên nhân do vi phạm tốc độ, đa phần nạn nhân TNGT thiệt mạng hoặc phải gánh chịu những chấn thương nghiêm trọng. Do đó, người điều khiển phương tiện cần tuân thủ nghiêm quy định về tốc độ, không phóng nhanh, vượt ẩu, chuyển hướng phải quan sát…
Để nâng cao ý thức tự giác chấp hành quy định về tốc độ đối với người điều khiển phương tiện tham gia giao thông trong thời gian tới, trung tá Trần Văn Bắc, Phó trưởng phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh, cho biết lực lượng cảnh sát giao thông sẽ tập trung quyết liệt công tác kiểm tra tốc độ lưu thông trên tất cả các tuyến đường có quy định về tốc độ, đi kèm với hành vi tránh vượt không đúng quy định.
Ngoài ra, sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra tốc độ xe cơ giới bằng việc theo dõi các thiết bị giám sát hành trình được gắn trên phương tiện, nếu vi phạm sẽ xử lý nghiêm theo quy định. Đồng thời, thông qua hệ thống camera giám sát trên đường để “phạt nguội” những trường hợp vi phạm.
Võ Nguyên