Ông Nguyễn Hữu Thắng, Cục trưởng Cục Đường sắt (Bộ Giao thông - vận tải), có chuyến công tác kiểm tra an toàn đường sắt ở Đồng Nai trong ngày 25-7.
Ông Nguyễn Hữu Thắng, Cục trưởng Cục Đường sắt (Bộ Giao thông - vận tải), có chuyến công tác kiểm tra an toàn đường sắt ở Đồng Nai trong ngày 25-7. Trao đổi với phóng viên Báo Đồng Nai, ông Thắng đã nêu lên một số vấn đề cần làm ngay để bảo đảm hơn nữa an toàn đường sắt qua địa bàn tỉnh.
Phóng viên: Qua kiểm tra thực tế ở địa phương, ông đánh giá như thế nào về tình hình an toàn đường sắt ở Đồng Nai?
- Ông Nguyễn Hữu Thắng: Qua khảo sát thực tế cho thấy, địa phương đã chú trọng đầu tư bảo đảm ATGT. Như ở đoạn đường sắt đầu ga Long Khánh (giao với đường Hồ Thị Hương), tỉnh đã đầu tư đến 7 tỷ đồng để mở rộng mặt đường bộ và tầm nhìn cho lái tàu, cũng như người điều khiển phương tiện đường bộ ngang qua đây. Ngành đường sắt sẽ phối hợp với địa phương để kết nối tín hiệu giao thông đường bộ và đường sắt ở đây để tăng cường an toàn hơn. Tuy nhiên, qua thực tế phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, các nguy cơ về tai nạn đường sắt ở Đồng Nai vẫn còn tiềm ẩn cao. Chẳng hạn, ở các đường ngang gần khu công nghiệp, số lượng xe tải nặng, xe container băng ngang đường sắt ngày càng tăng. Đây là đối tượng có nhiều nguy cơ gây tai nạn nghiêm trọng, đồng thời làm gia tăng hư hại đường bộ lẫn đường sắt (ở các đường ngang).
Bên cạnh đó, sự gia tăng dân số (do phát triển kinh tế), trong đó có dân cư cạnh đường sắt đã làm cho các đường ngang bất hợp pháp càng gia tăng. Đây là nguy cơ tiềm ẩn làm tăng tai nạn đường sắt.
Để bảo đảm an toàn giao thông, Đồng Nai đã có đề nghị giảm tốc độ tàu khi đi ngang các khu dân cư, Cục trưởng nghĩ sao về đề nghị này?
Xe container đi qua đường ngang gây nguy cơ tai nạn đường sắt nghiêm trọng và hư hại đường bộ, đường sắt tại đây. |
- Tốc độ tàu tùy thuộc vào lịch trình chạy tàu của ngành đường sắt. Việc này đã được thực hiện lâu nay và còn liên quan đến việc rút ngắn thời gian tàu Thống Nhất (xuyên Việt). Tuy nhiên, với mật độ dân cư gia tăng ở Đồng Nai, cùng với lưu lượng phương tiện đường bộ qua các đường ngang ngày càng gia tăng, ngành cũng cần lắng nghe và điều chỉnh tốc độ tàu cho phù hợp (tốc độ tàu chạy ngang Đồng Nai hiện nay từ 70 - 80km/giờ).
Làm việc với đoàn do Cục trưởng Cục Đường sắt Nguyễn Hữu Thắng dẫn đầu, Đồng Nai đề nghị ngành đường sắt tập huấn cho người địa phương làm nhiệm vụ cảnh giới ở các đường ngang dân sinh có nguy cơ cao, trước mắt là hỗ trợ nhân viên làm nhiệm vụ này. Những vướng mắc trong việc phối hợp bảo đảm an toàn đường sắt cần được ngành thông tin cụ thể để tỉnh chỉ đạo thực hiện tốt hơn. Ngành đường sắt cần đơn giản thủ tục trong việc nâng cấp mở rộng đường ngang ở nơi giao với đường sắt, cần có mức xử phạt cụ thể tình trạng người dân đi lại, sinh hoạt trên đường sắt. |
Xin ông cho biết, khi nào chấm dứt tình trạng hành khách xả thải trực tiếp xuống đường sắt, có lúc xuống cả đường ngang ở nội ô đô thị?
- Ngành đường sắt xin chia sẻ với người dân về việc mất vệ sinh môi trường này, ngành đường sắt phải tổ chức hoạt động kinh doanh văn minh hơn. Thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Giao thông - vận tải, ngành đường sắt phấn đấu đến năm 2015, tất cả các đoàn tàu đều phải được trang bị hầm vệ sinh kín để không xả thải trực tiếp xuống mặt đường.
Xin cảm ơn ông!
Toàn tỉnh hiện có 61 đường ngang đường sắt (đường ngang) hợp pháp. Trong đó, có 32 đường ngang có gác chắn, 15 đường ngang có hệ thống cảnh báo tự động (chuông, đèn), 10 đường ngang chỉ có biển cảnh báo, 4 đường cầu chung. Trong 6 tháng đầu năm 2013, tai nạn đường sắt ở Đồng Nai giảm số vụ và số người bị thương, nhưng lại tăng người chết đến 60% so với cùng kỳ năm 2012. Cụ thể, toàn tỉnh đã xảy ra 7 vụ (giảm trên 22%), bị thương 1 người (giảm 75%), làm chết 8 người. Trong buổi làm việc với đại diện Sở Giao thông - vận tải và Ban An toàn giao thông tỉnh, Cục trưởng Cục Đường sắt Nguyễn Hữu Thắng nhận định, khảo sát từ tỉnh Khánh Hòa vào Đồng Nai cho thấy, nguy cơ xảy ra tai nạn đường sắt còn rất cao. Mục tiêu kéo giảm từ 5-10% tai nạn từ nay đến cuối năm là một thách thức rất lớn. Ngành đường sắt và các địa phương cần phải phối hợp chặt chẽ với nhau hơn nữa mới mong tăng cường thêm an toàn đường sắt. Để bảo đảm an toàn đường sắt hơn nữa, ông Thắng đề nghị địa phương và ngành cần thực hiện ngay một số giải pháp, như: bố trí người cảnh giới ở một số đường ngang dân sinh có mật độ lưu thông đường bộ cao; cần phối hợp tốt để giải tỏa làm đường gom trước khi ngành đường sắt làm hàng rào hộ lan (rào ngăn cách đường sắt) ở các khu vực đông dân cư (thực tế cho thấy, nếu chưa có đường gom, người dân sẵn sàng phá hàng rào kiên cố để băng ngang đường sắt); chính quyền phường, xã cần phối hợp tốt và bảo đảm duy trì việc giải tỏa chợ ở các đường ngang. Bên cạnh đó, cần phải giải tỏa các công trình, cây cối che khuất tầm nhìn lái tàu cũng như người lái phương tiện đường bộ (ở các đường ngang). Ngành đường sắt cải tiến thủ tục để việc mở rộng nâng cấp đường ngang ở nơi giao với đường sắt được nhanh chóng hơn. Ở đoạn đường ngang gác chắn ga Hố Nai, cần phân luồng hợp lý để các xe container ngang đây không gây ùn tắc và làm hư đường bộ, đường sắt. Sử Hoàn |
Thanh Toàn (thực hiện)