Báo Đồng Nai điện tử
En

Bác sĩ trả lời: Cách điều trị khớp vai bị chấn thương?

Ths-BS Lê Ngân
13:04, 24/11/2023
 

* Tôi bị chấn thương khớp vai đã 3 tháng nay. Cách đây 1 tháng, tôi đi khám xác định bị rách bán phần gân cơ trên gai. Được chỉ định điều trị bảo tồn bằng thuốc uống và tiêm vào gân cơ, ổ khớp. Đến nay, vẫn đau nhiều, bác sĩ cho tôi hỏi, như vậy tôi có thể mổ khâu vết rách được không? Nếu tiêm huyết tương giàu tiểu cầu hoặc collagen vào khớp có giúp liền cơ đứt không? Xin cám ơn!

(Anh Hữu Tuấn, ngụ H.Nhơn Trạch)

Trả lời:

Chào anh!

Gân cơ trên gai là một thành phần quan trọng của chóp xoay. Chóp xoay gồm: cơ trên gai, cơ dưới gai và cơ tròn bé tham gia chủ yếu vào động tác của khớp vai như: dạng khép, xoay trong, xoay ngoài, đưa tay ra trước, đưa tay ra sau và giữ vững khớp vai.

Tổn thương rách gân cơ trên gai hay tổn thương chóp xoay là một bệnh lý thường gặp của khớp vai nhất là người trên 40 tuổi. Thương tổn làm cho bệnh nhân đau đớn, hạn chế vận động khớp vai, tay yếu và ảnh hưởng rất nhiều đến hoạt động của người bệnh.

Nếu không điều trị sớm và đúng cách, chấn thương rách gân chóp xoay có thể dẫn đến hạn chế vận động của vai, lỏng khớp, viêm khớp, thoái hóa khớp sớm.

Tùy theo mức độ tổn thương, tình trạng của bệnh nhân mà bệnh lý tổn thương chóp xoay sẽ có các chiến lược điều trị khác nhau. Đối với giai đoạn sớm, mức độ nhẹ có thể điều trị bảo tồn bằng cách nghỉ ngơi, tập vật lý trị liệu, dùng thuốc kháng viêm giảm đau, tiêm corticoid tại chỗ. Thường bệnh nhân phải mất nhiều tháng tập luyện để tăng sức mạnh của khối cơ chóp xoay từ đó cải thiện chức năng khớp vai.

Tiêm huyết tương giảu tiểu cầu hoặc collagen là một giải pháp giúp hỗ trợ quá trình hồi phục, liền vết thương với nguyên lý kích thích sự tăng sinh của một yếu tố tăng trưởng. Có thể chỉ định trong một số trường hợp thoái hóa khớp giai đoạn đầu hoặc hổ trợ mau liền vết thương sau khi đã mổ nội soi khâu chổ rách, không thể thay thế được phẫu thuật khi đã có tổn thương rách thực thể.

Nếu sau khi điều trị bảo tồn khoảng 3-6 tháng mà các triệu chứng không giảm, chức năng khớp vai không cải thiện, anh nên tới khám trực tiếp để bác sĩ chuyên khoa để đánh giá chính xác mức độ tổn thương của gân cơ trên gai, từ đó mới có thể tư vấn khả năng phẫu thuật.

Phẫu phẫu thuật nội soi khớp vai khâu gân cơ trên gai là một kỹ thuật tiên tiến với ưu điểm ít xâm lấn, hồi phục nhanh. Các tổn thương sẽ được trực tiếp sửa chữa, phục hồi lại cấu trúc giải phẫu, kết hợp với chương trình tập phục hồi chức năng phù hợp sau mổ giúp bệnh nhân lấy lại chức năng của khớp vai.

Chúc cho tình trạng của anh sớm được cải thiện

Ths-BS Lê Ngân,

Trưởng khoa Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai

 

 

Tin xem nhiều