Báo Đồng Nai điện tử
En

Tâm - Tầm - Trí - Dũng

11:06, 15/06/2016

Một ngày hè năm 1981, một người trung niên trong chiếc áo"ký giả" và bộ ria mép cũng... rất "ký giả", đi xe đạp, tìm đến nhà tôi. Anh giới thiệu mình là người của Báo Đồng Nai và hỏi thăm "anh" Minh Chung.

Một ngày hè năm 1981, một người trung niên trong chiếc áo“ký giả” và bộ ria mép cũng... rất “ký giả”, đi xe đạp, tìm đến nhà tôi. Anh giới thiệu mình là người của Báo Đồng Nai và hỏi thăm “anh” Minh Chung. Tôi, khi ấy là “thằng nhóc” vừa tốt nghiệp THPT, đang nằm nhà đợi kết quả thi đại học, trong chiếc quần xà lỏn chạy ra rón rén...“Dạ, em là... Minh Chung...!”. Anh là nhà báo Hữu Thạnh, phóng viên Ban Văn - xã Báo Đồng Nai.

“Duyên” mà không “nợ”

Đó là sự khởi đầu cho con đường từ “chòi báo” (từ tự trào của chú Hoàng Vĩnh Phú, cố Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tại một hội nghị cộng tác viên Báo Đồng Nai hồi ấy) trở thành “nhà báo” và mối lương duyên gắn bó đến nay đã 35 năm, vắt qua 2 thế kỷ của tôi với Báo Đồng Nai. Thực ra tôi “ấn tượng” về Báo Đồng Nai ngay từ trước đầu thập niên 80 của thế kỷ trước. Từng bỏ ăn vì “Thuở mơ làm văn sĩ” của Nhật Tiến, tập tành viết lách gửi gia đình “Mai Bê Bi” của nhật báo Chính Luận, tuần báo “Thiếu Nhi” của Nguyễn Hồng Trương (chủ nhà sách Khai Trí), rồi Tin Sáng; sau năm 1975 tôi rất bất ngờ, vui sướng khi biết tỉnh mình cũng có một tờ báo khi tình cờ xem nhóm ca khúc chính trị của Báo Đồng Nai tại Liên hoan ca khúc chính trị năm 1980 ở rạp Nam Hà. Ngày ấy những “ký giả - nhạc công - ca sĩ”: Hữu Thạnh, Huy Thanh, Trung Chính, Thúy Liễu... (sau này tôi mới biết tên) với cây guitar thùng, cùng phong cách rất “mộc”, rất Victor Hara (*) và... “báo chí” là một sự khác biệt, đầy chất “nghệ sĩ - trí tuệ”, làm tôi mê mẩn và càng củng cố lựa chọn đây sẽ là “Nghiệp” của mình!

Cùng Phó tổng biên tập Tôn Hoàn tại Bảo tàng Quang Trung, Tây Sơn tam kiệt, Bình Định.
Cùng Phó tổng biên tập Tôn Hoàn tại Bảo tàng Quang Trung, Tây Sơn tam kiệt, Bình Định.

3 thập kỷ rưỡi, nói như Khổng Tử, cùng với lần lượt trải qua các mốc của đời người, từ “Ngô thập hữu ngũ nhi chí vu học”, “Tam thập nhi lập” đến “Tứ thập nhi bất hoặc” và giờ bắt đầu bước vào “Ngũ thập nhi tri thiên mệnh”; tôi đã chứng kiến sự trưởng thành không ngừng của Báo Đồng Nai. Từ tờ tuần báo vỏn vẹn 4 trang, in “tipo” lem luốc trên giấy Tân Mai ố vàng còn lòi cả bã mía, mỗi số phải về tận Sài Gòn làm bản kẽm (tôi cũng từng đi lấy giúp để được... 2 lít xăng của Trị sự để dành chở người yêu đi... ăn chè “chú Sáu” ở Cù lao), nhưng ảnh của anh Trung Tiến, Phan Dẫu in ra cứ phải đố nhau: Cái gì đây? Nay Báo Đồng Nai đã ra 4 kỳ/tuần, in offset màu, tăng 4 lần về số trang (không kể phụ trương quảng cáo) với công nghệ làm báo, trình bày hiện đại; bên cạnh đó là website và đang tiến tới tham vọng trở thành một cơ quan báo chí tích hợp truyền thông đa phương tiện.

Tuy nhiên, có dịp cộng tác với nhiều cơ quan báo chí ngoài tỉnh, điều tôi tự hào nhất là tên tuổi, tay nghề và cái “tầm” của những người làm báo ở Báo Đồng Nai có thời đã vượt ra ngoài khuôn khổ, “biên giới” của một tờ báo địa phương. Lịch sử đổi mới báo chí phải ghi nhận, ngoài Sài Gòn Giải phóng và trong chừng mực nào đó là Hà Nội mới của 2 thành phố lớn nhất cả nước (không kể phụ trương Long An cuối tuần do nhóm nhà báo Hồ Nguyễn ở TP.Hồ Chí Minh thực hiện), Đồng Nai là tờ báo tỉnh chính thống đầu tiên “ra sạp” và đi đầu trong chuyển đổi cơ chế, hình thức, nội dung; “dám” cạnh tranh, chia thị phần với thị trường báo chí lớn nhất cả nước: TP Hồ Chí Minh. Thậm chí có giai đoạn số “Đồng Nai tím” đạt “tia ra” lên đến 6 vạn bản. Nhà báo Phạm Quốc Toàn, nguyên Tổng Biên tập Báo Bà Rịa - Vũng Tàu, Vũng Tàu chủ nhật, VDT, nguyên Phó chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, từng tâm sự với tôi ông ao ước báo của mình có vài cây viết và kỹ thuật viên trình bày có tư duy và kỹ năng làm báo như Đồng Nai, bởi đó là cái không thể đào tạo mà được.

35 năm, qua 4 đời Tổng biên tập, từ chú Hai Tân đến anh Năm Ngữ, anh Bảy Nhựt và giờ là anh Huy Thanh, chứng kiến nhiều thế hệ làm công tác Tòa soạn, biên tập viên, phóng viên ra đi rồi đến, biết bao kỷ niệm. Đó là những ngày rong ruổi đi huyện, “ăn cùng dân, ở cùng dân” (theo đúng nghĩa đen), tập tành, học nghề cùng nhà báo Thượng Khanh. Là nửa đêm về sáng leo rào vào tòa soạn (khi còn ở ao rau muống) để nộp cho kịp bài báo Xuân sáng hôm sau đi in sớm (thời đó còn chưa có fax chứ làm gì có email như hiện nay). Là cuộc đối phó “xất bất xang bang” cùng Tổng biên tập Thiện Nhựt với loạt bài điều tra “lừa đảo sừng tê giác” mà sau đó phát hiện có quy mô “kinh khủng” cả nước, chỉ vì một từ trong “tít” phụ. Là những buổi nhậu khuya “bức xúc” cùng Phó tổng biên tập Mai Sông Bé (để rồi sau này nghe nói anh về “hành” tòa soạn, bắt anh em trình bày đảo lộn cả market vì... bỗng nảy ra ý mới). Và những ngày “đánh thuê”, làm báo “show” cùng nhà báo Bùi Thuận - “Trưởng ban... cướp - giết  - hiếp”, không phải vì kinh tế - vì ngày ấy có tiền cũng chỉ đi... nhậu, chứ chẳng có gì để sắm sửa, tích cóp), chủ yếu bởi “máu” nghề và quá thừa năng lượng...

Nhưng tôi và Báo Đồng Nai như 2 người tình có duyên mà không nợ. Tháng 6-1984, tôi về Đài Phát thanh Đồng Nai với câu phỏng vấn duy nhất của chú Út Thiện (nhà báo Lê Thiện, Phó giám đốc Đài, cũng từng là Phó tổng biên tập Báo Đồng Nai): “Cháu có biết... nhậu không?”. Tuy nhiên, như mối quan hệ mật thiết, gắn bó của Báo - Đài tỉnh thời ấy, tôi vẫn cộng tác chặt chẽ như “người nhà” của báo (thậm chí có lúc thời gian “bù khú” ở báo còn nhiều hơn ở đài), chỉ duy nhất một thời gian ngắn gián đoạn đó là vào năm 2000 do quá bận bịu công việc của Phòng Thời sự truyền hình.

35 năm ấy (và hẳn rằng sẽ còn dài hơn nữa) biết bấy nhiêu tình!

4 chữ mừng sinh nhật 40

Với đời người, 40 là độ tuổi “bất hoặc”, thông tỏ sự đời, có thể hiểu thấu mọi sự - lý trong thiên hạ, phân biệt được việc phải - trái, hiểu được ai là người tốt - xấu, ai là người chân chính, trung thực - kẻ cơ hội, trục lợi. Trong ý nghĩa ấy, với thiên chức của một tờ báo, đó quả là một cái tuổi thật “đẹp”, thật “chín”.

Cùng Tổng biên tập Nguyễn Thiện Nhựt trong chuyến tặng quà học sinh dân tộc của tỉnh kết nghĩa Kon Tum.
Cùng Tổng biên tập Nguyễn Thiện Nhựt trong chuyến tặng quà học sinh dân tộc của tỉnh kết nghĩa Kon Tum.

Cũng như mọi tờ báo giấy cả nước và toàn cầu, Báo Đồng Nai đang đứng trước một cơn thách thức rất lớn của thời đại. Với sự bùng nổ của các phương tiện truyền thông số, đặc biệt là mạng xã hội, để tồn tại bên cạnh những tiêu chí truyền thống, có cá tính và biết cách “cùng chung sống”, báo giấy chỉ có một con đường duy nhất là phải đứng được trong lòng độc giả, phải trở thành chỗ dựa tin cậy để bạn đọc tìm đến mỗi khi băn khoăn, hoang mang trước một sự việc thông tin nhiễu loạn. Chính vì vậy, mừng sinh nhật 40 tuổi, xin chúc Báo Đồng Nai “Tâm - Tầm - Trí - Dũng”.

“Tâm” để luôn vững vàng lập trường, quan điểm là tiếng nói của Đảng cho lý tưởng “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Bảo vệ, ủng hộ đến cùng người chính trực, đứng về người cô thế, “thấp cổ bé miệng” bị bức áp, oan khiên; không bẻ cong hay “uốn mềm” ngòi bút vì bất cứ sự “nhạy cảm” của lợi ích và “mối quan hệ” nào.

“Tầm - Trí” để quy tụ người tài, phát hiện và dự báo, đi trước những vấn đề thực tiễn mà như nguyên Bí thư Tỉnh ủy Trần Đình Thành từng mong “Báo Đồng Nai là một phần trí tuệ của Đảng bộ tỉnh”. Đồng thời để phân biệt đúng sai; nhận rõ bản chất vấn đề; diễn giải, phản biện có khoa học, thuyết phục những chủ trương, dự án “có mùi” lợi ích nhóm hay nhân danh cộng đồng để trục lợi cá nhân.

Và “Dũng” để dám đương đầu, theo đuổi, bảo vệ đến cùng chân lý, sự thật trước những sức ép và sự định kiến hay chưa thông tỏ.

Tôi tin, nếu trung thành với 4 tâm nguyện đó, cho dù có kỷ nguyên “Thế giới phẳng...2.0”, Báo Đồng Nai vẫn sẽ luôn có chỗ đứng vững vàng trong lòng độc giả và sẽ có “Thất thập nhi tùng tâm sở dục bất du củ” (**).

Nhà báo Minh Chung

Cộng tác viên phụ trách trang Thể thao của Báo Đồng Nai

(*) Víctor Lidio Jara Martínez - ca sĩ, nhạc sĩ, nhà giáo, nhà thơ, đạo diễn sân khấu, nhà hoạt động xã hội, chính trị, đảng viên Đảng Cộng sản Chile. Sau cuộc đảo chính lật đổ chính quyền Salvador Allende, ngày 11-9-1973, ông bị bắt, tra tấn và bị bắn chết với 44 phát đạn súng máy và thi thể bị ném ra đường phố của một thị trấn tồi tàn ở Santiago. Cố nhạc sĩ Phan Nhân từng có bài hát bất hủ “Cây đàn ghi-ta của Victor Hara” về người ca sĩ, nhạc sĩ phản chiến nổi tiếng này.

(**) Đại ý: Đạt đến sự hoàn hảo, nói gì hay làm việc gì thì tự nhiên thể hiện đúng với chủ tâm của lòng mình.

Tin xem nhiều