Báo Đồng Nai điện tử
En

Xử phạt nghiêm hành vi quảng cáo "thổi phồng"

07:07, 28/07/2023

Dù đã có mức xử lý theo khung hình phạt cùng nhiều cảnh báo nhưng tình trạng nghệ sĩ, bác sĩ giả danh quảng cáo thuốc, thực phẩm chức năng vẫn tràn lan trên mạng.

Dù đã có mức xử lý theo khung hình phạt cùng nhiều cảnh báo nhưng tình trạng nghệ sĩ, bác sĩ giả danh quảng cáo thuốc, thực phẩm chức năng vẫn tràn lan trên mạng.

Không ít nghệ sĩ có tên tuổi nhận lời tham gia vào các show quảng cáo cho sản phẩm thuốc và thực phẩm chức năng, từ tăng cân, giảm béo đến lợi tiểu, cường dương. Trong đó, theo các cơ quan chức năng, nhiều sản phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, chưa được công bố chất lượng. Vì tin theo lời quảng cáo đường mật của nghệ sĩ, nhiều người tiêu dùng “tiền mất, tật mang”. Một số nghệ sĩ đã phải lên tiếng xin lỗi công chúng vì trót tham gia những chương trình quảng cáo này. Tuy nhiên, vẫn có những nghệ sĩ bất chấp, vẫn nhận lời quảng cáo cho sản phẩm, không cần biết chất lượng, hậu quả đối với người dùng sẽ ra sao.

Hay tình trạng giả danh bác sĩ có uy tín trong nghề quảng cáo cho thuốc vẫn khá phổ biến và đến nay chưa có giải pháp để chấn chỉnh. Bằng công nghệ và thủ đoạn tinh vi, nhiều sản phẩm thuốc được quảng cáo bởi những giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ đầu ngành khiến người dân tin tưởng và không ngại tốn kém để đặt hàng hay ra các nhà thuốc để tìm mua sản phẩm. Thế nhưng qua xác định của ngành chức năng, hầu hết các bác sĩ có uy tín đều không nhận tham gia quảng cáo cho sản phẩm. Đó hoàn toàn là kỹ thuật cắt ghép, “đánh lận con đen” để bán sản phẩm.

Điều 8, Luật Quảng cáo năm 2012 xác định rõ hành vi quảng cáo sai sự thật với thực phẩm chức năng sẽ bị xử lý với mức phạt 60-80 triệu đồng. Thậm chí, nếu có căn cứ xác định hành vi này đủ yếu tố cấu thành tội phạm, người vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 197 Bộ luật Hình sự, tội quảng cáo gian dối. Tuy nhiên đến nay, rất ít trường hợp bị xử lý do vi phạm quy định này.

Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 9-5-2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, chấn chỉnh hoạt động quảng cáo chỉ rõ: Các vi phạm trong hoạt động quảng cáo chưa được kịp thời xử lý theo quy định của pháp luật hiện hành; chưa tạo được sự minh bạch trong hoạt động quảng cáo. Nguyên nhân là do thiếu sự phối hợp giữa các ngành, các cấp trong công tác quản lý nhà nước về hoạt động quảng cáo chưa chặt chẽ, thiếu đồng bộ; việc thực thi các quy định của pháp luật liên quan đến quảng cáo còn gặp khó khăn, hình thức quảng cáo ngày càng đa dạng, nhất là ở môi trường mạng xã hội…

Mới đây, Bộ Y tế đã đề nghị xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân văn nghệ sĩ quảng cáo sai sự thật về công dụng thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe. Trong đó, Bộ Y tế kiến nghị Bộ VH-TTDL xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân văn nghệ sĩ tham gia quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe có tác dụng như thuốc chữa bệnh, quảng cáo “thổi phồng” công dụng; nêu các thông tin chưa được kiểm chứng, quảng cáo các thông tin chưa được cơ quan chức năng kiểm duyệt, gây ảnh hưởng tới sức khỏe và kinh tế cho người tiêu dùng.

Hy vọng với sự phối hợp chặt chẽ hơn giữa các bộ, ngành có liên quan, những hành vi quảng cáo không đúng sự thật cùng sự “tiếp tay” của người nổi tiếng sẽ bị xử phạt nghiêm minh.           

Minh Ngọc

Tin xem nhiều