Báo Đồng Nai điện tử
En

Ngăn "làn sóng" bác sĩ, điều dưỡng nghỉ việc

07:04, 05/04/2023

Áp lực công việc lớn, trách nhiệm cao nhưng thu nhập thấp, cùng nhiều lý do khác khiến hàng trăm bác sĩ, điều dưỡng của các bệnh viện công lập đã "dứt áo ra đi".

>>> Bài 1: Bác sĩ, điều dưỡng ồ ạt nghỉ việc

Áp lực công việc lớn, trách nhiệm cao nhưng thu nhập thấp, cùng nhiều lý do khác khiến hàng trăm bác sĩ, điều dưỡng của các bệnh viện công lập đã “dứt áo ra đi”. Để ngăn “làn sóng” này, từ Trung ương đến địa phương đã triển khai nhiều giải pháp, trong đó có tăng thu nhập, ưu đãi hàng tháng cho cán bộ, nhân viên y tế. Tuy nhiên, thu nhập không phải là tất cả.

Một ca phẫu thuật được thực hiện tại Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai
Một ca phẫu thuật được thực hiện tại Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai. Ảnh: H.DUNG

Đại dịch Covid-19 được xem là giọt nước làm tràn ly, khiến tình trạng bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên y tế nghỉ việc ở các bệnh viện công lập diễn ra đáng
báo động.

Năm 2022 chứng kiến “làn sóng” bác sĩ, điều dưỡng nghỉ việc, bỏ việc nhiều nhất từ trước đến nay.

Gần 600 viên chức, nhân viên y tế nghỉ việc

Phó giám đốc phụ trách Sở Y tế Lê Quang Trung cho biết, sau khi dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát trên toàn tỉnh, ngành Y tế Đồng Nai gặp rất nhiều khó khăn, trong đó có vấn đề nhân lực. Năm 2022, toàn tỉnh có 598 viên chức, nhân viên y tế đã nghỉ việc tại các cơ sở y tế công lập, bao gồm 178 bác sĩ, 178 điều dưỡng, 42 kỹ thuật viên và các nhân viên khác.

Bệnh viện có số lượng bác sĩ, điều dưỡng nghỉ việc nhiều, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất, TS-BS Phạm Văn Dũng  cho hay, tình trạng bác sĩ nghỉ việc rộ lên từ khi các bệnh viện tư nhân trên địa bàn tỉnh đi vào hoạt động. Tình trạng này trở nên đáng lo ngại hơn kể từ giữa năm 2021 đến hết năm 2022. Chỉ trong hơn 1 năm, toàn bệnh viện có hơn 200 bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên y tế nghỉ việc. Các bác sĩ nghỉ việc đa phần có tay nghề chuyên môn cao, được đào tạo bài bản, có những người đang giữ chức vụ phó trưởng khoa hoặc được cơ cấu giữ các chức vụ chủ chốt tại các khoa, phòng của bệnh viện.

Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự khi riêng năm 2022 ghi nhận hơn 100 bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên y tế nghỉ việc. BS CKII Lê Thị Phương Trâm, Phó giám đốc bệnh viện chia sẻ, bác sĩ nghỉ việc đa số ở độ tuổi trung niên, có tay nghề, đã học xong chuyên khoa I và có chứng chỉ hành nghề.

Một nam bác sĩ đã nghỉ việc tại Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất tâm sự: “Tôi không thể nào an tâm làm việc, gắn bó với nơi mà mức lương hàng tháng không đủ để nộp học phí cho con, không đủ để vợ đi chợ mỗi ngày. Gánh nặng cơm, áo, gạo, tiền buộc chúng tôi phải lựa chọn một cơ sở y tế tư nhân có mức lương gấp 3, gấp 5 lần bệnh viện cũ”.

Một bác sĩ khác từng công tác tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai bộc bạch: “Không chỉ làm chuyên môn, chúng tôi còn phải lo lắng rất nhiều vấn đề khác, nhất là việc xuất toán bảo hiểm y tế. Ngoài ra, chúng tôi cần một môi trường làm việc lành mạnh hơn, công bằng hơn, được tạo điều kiện để làm chuyên môn, phát triển tay nghề nhiều hơn”.

“Đỏ mắt” tuyển điều dưỡng

Ở thời điểm hiện tại, không phải bác sĩ mà điều dưỡng mới chính là đối tượng mà các cơ sở y tế đang rất “khát”.

Đang rơi vào tình trạng thiếu điều dưỡng trầm trọng là Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai. ThS-BS Nguyễn Trọng Nghĩa, Phó giám đốc bệnh viện cho biết, năm 2022, bệnh viện có hơn 40 điều dưỡng nghỉ việc. Toàn bệnh viện hiện còn gần 340 điều dưỡng. Tình trạng điều dưỡng nghỉ việc với số lượng lớn khiến bệnh viện gặp rất nhiều khó khăn. Tháng 2 vừa qua, bệnh viện thông báo tuyển 20 điều dưỡng nhưng đến nay vẫn chưa tuyển được.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng nhân viên y tế nghỉ việc hàng loạt, trong đó nguyên nhân chính là thu nhập thấp, nhất là các đơn vị thực hiện tự chủ tài chính, hoàn cảnh gia đình, áp lực công việc…

Điều dưỡng trưởng khoa Hồi sức tích cực sơ sinh Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai Trần Tôn Nữ Anh Ty chia sẻ, nếu như chăm sóc bệnh nhi vất vả hơn chăm sóc người bệnh lớn tuổi thì chăm sóc bệnh nhi tại Khoa Hồi sức tích cực sơ sinh còn vất vả hơn rất nhiều, bởi bệnh nhi trong khoa đa số là trẻ sinh non, mắc một số bệnh nặng, người nhà ít được vào chăm sóc, thậm chí có nhiều trẻ bị bỏ rơi, không có người nhà. Do vậy, điều dưỡng trong khoa phải liên tục quan sát, luôn tay luôn chân chăm sóc trẻ, từ việc thay tã, cho uống sữa đến thực hiện các y lệnh của bác sĩ…

Tại Khoa Hồi sức tích cực chống độc Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai, công việc của điều dưỡng cũng áp lực không kém, nhất là khi các loại dịch bệnh truyền nhiễm như: sốt xuất huyết, tay chân miệng, viêm phổi vào mùa. Toàn khoa có 29 điều dưỡng nhưng hiện chỉ có 23 điều dưỡng có thể tham gia trực đêm, những người còn lại đang nghỉ thai sản hoặc nuôi con nhỏ không thể trực. Tua trực rất dày nên hầu như ai có vấn đề gì cần kíp lắm mới được giải quyết nghỉ phép, còn lại phải thay nhau trực liên tục. Khoa phải cần thêm từ 5-10 điều dưỡng nữa mới có thể giãn tua trực, nhưng việc tuyển điều dưỡng ở thời điểm này rất khó khăn.

Còn tại Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất, theo Trưởng phòng Điều dưỡng Nguyễn Đỗ Thị Ngân Trang, tính từ năm 2017 đến nay, có khoảng 200 điều dưỡng đã nghỉ việc. Đến thời điểm hiện tại, bệnh viện chỉ có 396 điều dưỡng/hơn 270 bác sĩ, không đủ đáp ứng như chỉ tiêu Bộ Y tế quy định để đảm bảo công tác khám, chữa bệnh.

Trưởng phòng Điều dưỡng Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai Cao Thị Hải Yến nhấn mạnh, điều dưỡng có vai trò rất quan trọng trong công tác khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe bệnh nhân. Do vậy, bệnh viện phải thường xuyên tuyển điều dưỡng để đáp ứng yêu cầu công việc. Tuy nhiên, việc tuyển điều dưỡng khiến lãnh đạo bệnh viện rất “đau đầu” vì có những khi, thông báo liên tục nhưng chỉ nhận được một vài hồ sơ. Do đó, ngoài việc tuyển điều dưỡng từ Trường cao đẳng Y tế Đồng Nai, bệnh viện phải tuyển thêm điều dưỡng của các trường đại học, cao đẳng khác ở ngoài tỉnh.

Cung - cầu lệch pha

Trên địa bàn tỉnh hiện có 3 cơ sở đào tạo chuyên ngành điều dưỡng là Trường cao đẳng Y tế Đồng Nai (công lập), Trường cao đẳng Lê Quý Đôn Việt - Nhật, Trường đại học Công nghệ Đồng Nai (ngoài công lập). Tuy nhiên, cả 3 cơ sở này đều không tuyển đủ chỉ tiêu điều dưỡng hàng năm do số lượng người học rất ít. Do vậy, không thể đáp ứng đủ nhu cầu điều dưỡng cho các cơ sở y tế công lập trong tỉnh.

Số lượng viên chức, nhân viên y tế nghỉ việc tại các cơ sở y tế công lập trên địa bàn tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2019-2022
Số lượng viên chức, nhân viên y tế nghỉ việc tại các cơ sở y tế công lập trên địa bàn tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2019-2022

TS Nguyễn Hồng Quang, Hiệu trưởng Trường cao đẳng Y tế Đồng Nai cho biết, hàng năm, chỉ tiêu tuyển sinh ngành điều dưỡng hệ cao đẳng của trường là 300 sinh viên. Nhưng 3 năm gần đây, việc tuyển sinh rất khó khăn, mỗi năm trường chỉ tuyển được khoảng 70-80% chỉ tiêu cả hệ chính quy và hệ trung cấp liên thông lên cao đẳng.

Theo khảo sát của Trường cao đẳng Y tế Đồng Nai, 100% sinh viên ngành điều dưỡng sau khi ra trường đều có việc làm. Thậm chí, có nhiều sinh viên được tuyển dụng ngay khi chưa tốt nghiệp thông qua ngày hội việc làm do nhà trường phối hợp với các bệnh viện, trung tâm y tế, các phòng khám đa khoa tư nhân tổ chức. Tuy nhiên, nhiều điều dưỡng mới lại chọn làm việc tại các phòng khám đa khoa tư nhân, các cơ sở làm đẹp vì những nơi này không phải trực đêm, áp lực công việc không quá căng thẳng như các cơ sở y tế công lập.

Trong khi đó, để có nguồn bác sĩ bù đắp số lượng bác sĩ đã nghỉ việc, nhiều bệnh viện, trung tâm y tế trong tỉnh phải thường xuyên đặt hàng các trường đại học đào tạo bác sĩ đa khoa trong cả nước.

BS CKII Lưu Văn Tường, Giám đốc Trung tâm Y tế H.Cẩm Mỹ cho hay, lãnh đạo trung tâm thường xuyên trực tiếp đến Trường đại học Y dược Huế (tỉnh Thừa Thiên - Huế) và một số trường đại học khác để mời gọi các bác sĩ tương lai. Tuy nhiên, một số bác sĩ khi vào đến Đồng Nai, thấy cơ sở vật chất của trung tâm xuống cấp, máy móc thiết bị còn ít nhiều hạn chế nên đã rời đi.

Hạnh Dung

Bài 2: Bệnh viện, bệnh nhân thiệt đơn, thiệt kép

Tin xem nhiều