Việt Nam hiện đứng thứ 11/30 nước có gánh nặng bệnh lao cao trên thế giới với 169 ngàn người mắc bệnh và hơn 12 ngàn người tử vong do lao (năm 2021). 70% người mắc bệnh lao đang trong độ tuổi lao động, ảnh hưởng lớn đến kinh tế gia đình và toàn xã hội.
Việt Nam hiện đứng thứ 11/30 nước có gánh nặng bệnh lao cao trên thế giới với 169 ngàn người mắc bệnh và hơn 12 ngàn người tử vong do lao (năm 2021). 70% người mắc bệnh lao đang trong độ tuổi lao động, ảnh hưởng lớn đến kinh tế gia đình và toàn xã hội.
Chụp X-quang phổi để phát hiện sớm bệnh lao. Ảnh: H.DUNG |
Chấm dứt bệnh lao ở Việt Nam nghĩa là tránh đi cái chết không đáng có của hơn 12 ngàn người mỗi năm và hàng trăm ngàn gia đình không phải lo lắng vì có người mắc bệnh lao.
Khám, điều trị càng sớm càng tốt
Mỗi ngày, Bệnh viện Phổi Đồng Nai tiếp nhận, điều trị ngoại trú cho từ 10-20 bệnh nhân mắc bệnh lao, điều trị nội trú cho từ 5-10 bệnh nhân mắc bệnh lao. So với thời điểm trước dịch Covid-19, số lượng bệnh nhân đến khám, điều trị bệnh lao có giảm. Hiện tại, toàn tỉnh có khoảng 3 ngàn bệnh nhân lao đang được theo dõi, điều trị bệnh tại các bệnh viện và cộng đồng.
Chủ đề của Ngày thế giới Phòng chống lao năm 2023 trên toàn cầu là: Đúng! Chúng ta có thể chấm dứt bệnh lao. Tại Việt Nam, chủ đề là: Việt Nam chiến thắng bệnh lao. |
Cách đây gần 1 năm, ông P.T,N, (49 tuổi, ngụ P.Trảng Dài, TP.Biên Hòa) thường xuyên bị ho có đờm, ho khan, ho ra máu, sút cân nhanh, kém ăn, mất ngủ, sốt nhẹ vào buổi chiều, đau ngực, khó thở. Nhận thấy cơ thể có những dấu hiệu bất thường, nghi ngờ mắc bệnh lao, ông N. đã đến Bệnh viện Phổi Đồng Nai để khám bệnh. Kết quả, bác sĩ chẩn đoán ông N. mắc bệnh lao, phải liên tục điều trị.
“Nhận được kết quả xét nghiệm và chẩn đoán của bác sĩ, tôi vô cùng lo lắng vì từ trước đến nay gia đình không có ai mắc bệnh lao. Về nhà, tôi ở riêng một phòng, sinh hoạt riêng để tránh lây cho vợ con. Khi đi làm thì đeo khẩu trang, hạn chế tiếp xúc với những người xung quanh. Đồng thời uống đúng, đủ thuốc theo chỉ định của bác sĩ, không bỏ thuốc ngày nào. Những triệu chứng bệnh của tôi giảm dần sau đó và đến nay, khi đi làm xét nghiệm lại, bác sĩ thông báo tôi đã khỏi bệnh lao” - ông N. vui mừng cho biết.
BS Lương Văn Châu, Giám đốc Bệnh viện Phổi Đồng Nai cho hay, nhờ phát hiện sớm và điều trị kịp thời mà nhiều bệnh nhân mắc bệnh lao đã được điều trị khỏi. Tuy nhiên, cũng còn không ít trường hợp vì nhiều lý do khác nhau mà chưa được khám, phát hiện, điều trị kịp thời khiến cho công tác điều trị bệnh lao gặp ít nhiều khó khăn, chi phí điều trị tăng cao.
Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới, hiện mới chỉ có 60% bệnh nhân lao ở Việt Nam được phát hiện và báo cáo, 40% bệnh nhân còn lại chưa được phát hiện hoặc đã được phát hiện nhưng chưa được báo cáo đầy đủ. Tỷ lệ khỏi bệnh được duy trì ở mức trên 90% với bệnh nhân lao mới, gần 70% với bệnh nhân lao đa kháng thuốc sử dụng phác đồ dài hạn và 80% với bệnh nhân lao đa kháng thuốc sử dụng phác đồ ngắn hạn.
Các bác sĩ cảnh báo, lao là căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, lây lan qua không khí, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và tính mạng của người bệnh cũng như đe dọa sức khỏe của những người xung quanh. Bệnh thường kéo dài âm thầm, từ khi phát bệnh đến khi tử vong đã lây lan cho rất nhiều người khác. Do vậy, khi nhận thấy bản thân hoặc người thân trong gia đình có các triệu chứng của bệnh lao, cần khẩn trương đến các cơ sở y tế có chuyên khoa để thăm khám và điều trị, tránh hậu quả đáng tiếc.
Hướng đến chấm dứt bệnh lao vào năm 2035
PGS-TS Nguyễn Viết Nhung, nguyên Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương nhấn mạnh, bệnh lao hoàn toàn có thể chấm dứt được với các công cụ hiện có. Đó là chủ động phát hiện bệnh lao tại cộng đồng, triển khai Chiến lược 2X (gồm chụp X-quang phổi để sàng lọc người nghi mắc bệnh lao và xét nghiệm Xpert để khẳng định mắc bệnh lao).
Xét nghiệm Xpert để phát hiện bệnh lao tại Bệnh viện Phổi Đồng Nai |
Từ tháng 8-2020 đến hết năm 2022, nhờ dự án USAID Hỗ trợ chấm dứt bệnh lao do Tổ chức FHI 360 thực hiện mà 8 tỉnh trong cả nước (trong đó có Đồng Nai) đã triển khai được nhiều hoạt động cải thiện dịch vụ phát hiện lao, lao tiềm ẩn.
Giám đốc Bệnh viện Phổi Đồng Nai Lương Văn Châu cho hay, hiện nay bệnh viện có 1 xe chụp X-quang di động do Chương trình chống lao quốc gia cấp, 4 máy Xpert. Ngoài ra, trung tâm y tế các huyện: Long Thành, Thống Nhất và Xuân Lộc mỗi nơi có 1 máy Xpert. Dự kiến trong năm nay, bệnh viện sẽ đề xuất Chương trình chống lao quốc gia hỗ trợ 1 máy để thực hiện kỹ thuật LAMP nhằm phát hiện nhanh hơn, chính xác hơn vi khuẩn lao. Đây là kỹ thuật mới, kỹ thuật cao, cho kết quả khách quan và không phải phụ thuộc nhiều vào kinh nghiệm của nhân viên xét nghiệm như các kỹ thuật trước đây.
Về công tác điều trị lao đa kháng thuốc, hiện nay các huyện, thành phố trong tỉnh vẫn đang duy trì. Bệnh viện Phổi Đồng Nai có 1 bộ phận phụ trách tiếp nhận điều trị, xét nghiệm đàm, cấy đàm, xét nghiệm sinh hóa máu để điều chỉnh thuốc phù hợp cho bệnh nhân.
Trước tình hình bệnh lao đối mặt với nhiều thách thức sau đại dịch Covid-19, Chương trình chống lao quốc gia dự kiến điều chỉnh thời gian chấm dứt bệnh lao vào năm 2035 thay vì năm 2030, qua đó phù hợp với Chiến lược chấm dứt bệnh lao toàn cầu.
Để thực hiện được mục tiêu trên, Chương trình chống lao quốc gia cần được đầu tư thêm nhiều nguồn lực để bảo đảm tất cả bệnh nhân lao được khám, phát hiện và điều trị, đặc biệt là phát hiện chủ động trong cộng đồng, phát hiện tích cực tại cơ sở y tế, kết hợp phát hiện thường quy. Bên cạnh đó, cần đảm bảo chất lượng quản lý điều trị, mở rộng hệ thống xét nghiệm nhanh, chính xác để kịp thời phát hiện sớm bệnh nhân mắc lao và ngăn chặn nguồn lây.
Từ năm 2018 đến nay, Quỹ Hỗ trợ người bệnh chiến thắng bệnh lao đã hỗ trợ cho hơn 7,4 ngàn bệnh nhân lao trên cả nước số tiền hơn 8,5 tỷ đồng. Quỹ đã mua 471 thẻ bảo hiểm y tế cho người bệnh lao chưa có thẻ. Để hỗ trợ cho Quỹ và bệnh nhân lao, người dân có thể nhắn tin với cú pháp: TB gửi 1402 (20 ngàn đồng/tin nhắn, không giới hạn số lượng tin nhắn), thời gian từ ngày 15-3 đến 13-5-2023. |
Hạnh Dung