Báo Đồng Nai điện tử
En

Nơi nương tựa của những mảnh đời kém may mắn

08:02, 28/02/2023

Những năm qua, Trung tâm Nhân đạo Làng Tre (xã Xuân Quế, H.Cẩm Mỹ) là nơi trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật được chăm sóc, tạo điều kiện học văn hóa, học nghề.

Những năm qua, Trung tâm Nhân đạo Làng Tre (xã Xuân Quế, H.Cẩm Mỹ) là nơi trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật được chăm sóc, tạo điều kiện học văn hóa, học nghề.

Đại đức Thích Chiếu Bổn, Giám đốc Trung tâm Nhân đạo Làng Tre bên các trẻ em đang độ tuổi đến trường. Ảnh: S.Thao
Đại đức Thích Chiếu Bổn, Giám đốc Trung tâm Nhân đạo Làng Tre bên các trẻ em đang độ tuổi đến trường. Ảnh: S.Thao

Điều này đã góp phần giúp những mảnh đời kém may mắn có nơi nương tựa; đồng thời, tạo điều kiện để nhiều trẻ em có cơ hội học tập với hy vọng tìm kiếm công việc trong tương lai.

* Nâng niu từng hoàn cảnh

Đó là chia sẻ của đại đức Thích Chiếu Bổn, Giám đốc Trung tâm Nhân đạo Làng Tre, khi nói về từng trường hợp đang được chăm sóc, nuôi dưỡng tại Trung tâm.

Theo đại đức Thích Chiếu Bổn, mỗi hoàn cảnh khi đến đây đều có số phận kém may mắn hơn những người khác như: trẻ em bị cha mẹ bỏ rơi khi mới ra đời, trẻ khuyết tật bị bỏ rơi, người già lang thang cơ nhỡ hay người cao tuổi neo đơn không người chăm nom…

Cũng từng là trẻ được cho người khác làm con nuôi khi mới 9 tháng tuổi nên đại đức Thích Chiếu Bổn có sự đồng cảm, thấu hiểu và mong muốn tạo ra nơi chốn cưu mang những hoàn cảnh kém may mắn. Vì vậy, đại đức Thích Chiếu Bổn cùng mỗi thành viên tham gia vào hoạt động ở Trung tâm Nhân đạo Làng Tre luôn xem mỗi người sinh sống tại đây là thân nhân cần được yêu thương, nâng niu, chăm sóc.

Trung tâm Nhân đạo Làng Tre đang nuôi dưỡng 230 trẻ em mồ côi, người cao tuổi, người khuyết tật.

Từ năm 2008 đến nay, Trung tâm Nhân đạo Làng Tre là nơi nương tựa cho gần 700 trường hợp kém may mắn. Có những trẻ đến đây chỉ vừa được sinh ra ít ngày, có người bại liệt không ai chăm nom được đưa đến và trung tâm tiếp nhận để chăm sóc. Trẻ nhỏ tuổi nhất mới ngoài 2 tháng tuổi, còn người cao tuổi nhất đã ngoài 90.

Bé H.N.N. (11 tuổi) nói: “Con ở đây đã nhiều năm. Con được sư cho đi học tại trường, được mọi người kèm cặp học tại nhà, chăm lo ăn mặc hàng ngày. Lúc rảnh, con chơi cùng các em nhỏ hơn hay phụ làm những việc vặt ở nhà”.

Còn bà N.T.M. (92 tuổi) cho biết, bà quê ở miền Trung, bà vào Nam bươn chải nhưng cuộc sống khó khăn nên được tạo điều kiện vào sống ở Trung tâm Nhân đạo Làng Tre. “Do còn sức khỏe, đi lại tốt nên tôi giúp những người cao tuổi khác trong sinh hoạt hàng ngày. Ở đây, ngoài sự chăm sóc của những người phụ trách thì người còn khỏe giúp người yếu hơn để cùng nương tựa vào nhau như một gia đình”- bà M. nói. 

Bên cạnh việc tạo điều kiện cho trẻ em theo học văn hóa ở trường, Trung tâm Nhân đạo Làng Tre còn hỗ trợ thanh thiếu niên học nghề để phù hợp với năng lực học tập của từng em. Qua đó, đã có nhiều em sau khi trưởng thành có trong tay nghề mộc để tự lao động nuôi sống bản thân.

* Mong nhận được sự chung tay của cộng đồng

Theo đại đức Thích Chiếu Bổn, Trung tâm Nhân đạo Làng Tre được Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam cấp phép thành lập năm 2008. Đơn vị hoạt động trên cơ sở tự cân đối thu chi và tự kêu gọi sự tài trợ từ cộng đồng trên khắp mọi miền đất nước. Từ một địa điểm ban đầu chỉ là những gian nhà tạm, đến nay cơ sở vật chất của Trung tâm Nhân đạo Làng Tre ngày càng hoàn thiện với các gian nhà thoáng mát dành cho từng nhóm trẻ, khu vực cho người già, người khuyết tật, sân chơi tập trung, phòng chức năng và cảnh quang.

Thời gian qua, chính quyền địa phương luôn tạo điều kiện để Trung tâm Nhân đạo Làng Tre làm các giấy tờ liên quan để trẻ em, người già có đầy đủ các giấy tờ cần thiết theo quy định. Nhiều đoàn mạnh thường quân đã đến với trung tâm để cùng chung tay, hỗ trợ trung tâm hoạt động. Tuy nhiên, để duy trì hoạt động không phải lúc nào cũng thuận lợi khi chi phí mỗi tháng dao động từ 500-600 triệu đồng.

“Từ thực tế này, Trung tâm rất mong muốn nhận được sự quan tâm hơn nữa của cộng đồng để duy trì chăm sóc tốt cho từng trẻ em, người già tại đây. Bởi điều khó nhất mà chúng tôi lo lắng vẫn là làm sao đảm bảo bữa ăn, rồi quần áo, sách vở cho trẻ đến trường, chăm sóc sức khỏe khi đau ốm cho từng trường hợp…” - đại đức Thích Chiếu Bổn chia sẻ.

Trong lần đến thăm và trao tặng quà tại Trung tâm Nhân đạo Làng Tre mới đây, Ủy viên Ban TVTU, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Cao Văn Quang đã ghi nhận đóng góp của đại đức Thích Chiếu Bổn cũng như những người đang tham gia chăm sóc trẻ em, người cao tuổi ở Trung tâm.

Cũng theo ông Cao Văn Quang, cơ sở bảo trợ công lập được Nhà nước cấp kinh phí hoạt động, còn những cơ sở bảo trợ xã hội ngoài công lập, trong đó có Trung tâm Nhân đạo Làng Tre, phải tự lực cho mọi hoạt động của mình. Ngoài vận động nguồn lực, mỗi người còn góp công sức, tình yêu thương để chăm lo cho những mảnh đời bất hạnh hoàn toàn xa lạ với mình. Đây là điều rất đáng quý và Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh ghi nhận đóng góp này của Trung tâm Nhân đạo Làng Tre, của các cá nhân đang tham gia hoạt động tại đây. Trong thời gian tới, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh sẽ tiếp tục huy động nguồn lực xã hội và mong rằng sẽ đón nhận được sự chung tay của cộng đồng để trợ giúp các trung tâm bảo trợ xã hội, trong đó có Trung tâm Nhân đạo Làng Tre.

Sông Thao

Tin xem nhiều