Vốn là xã thuần nông, diện tích đất nông nghiệp chiếm trên 91% (gần 5,8 ngàn ha/hơn 6,3 ngàn ha diện tích tự nhiên) nên nông dân xã Xuân Bắc (H.Xuân Lộc) rất thuận lợi trong việc xây dựng vùng chuyên canh năng suất cao.
Vốn là xã thuần nông, diện tích đất nông nghiệp chiếm trên 91% (gần 5,8 ngàn ha/hơn 6,3 ngàn ha diện tích tự nhiên) nên nông dân xã Xuân Bắc (H.Xuân Lộc) rất thuận lợi trong việc xây dựng vùng chuyên canh năng suất cao.
Từ trồng chuối xuất khẩu, nông dân Trần Văn Đức (phải) ngụ ấp 6, xã Xuân Bắc mua được xe ô tô bán tải tiền tỷ để thăm vườn. Ảnh: Đ.Phú |
Chủ tịch UBND xã Xuân Bắc Trần Văn Trình cho hay, nông thôn mới (NTM) không chỉ kích thích người dân, nông dân bắt nhịp với kinh tế thị trường mà còn tạo thêm động lực mạnh mẽ để tăng nhanh giá trị sử dụng đất hằng năm trên cùng diện tích sản xuất.
* Liên kết, hợp tác sản xuất cánh đồng lớn
Ấp 6, xã Xuân Bắc trước kia là những cánh đồng mía bạt ngàn, nhiều nông dân có cuộc sống ổn định nhờ thu nhập từ cây mía. Tuy nhiên, từ năm 2015 đến nay, do việc trồng mía năng suất thấp, giá cả không ổn định nên phần lớn nông dân trong ấp dần chuyển sang cây trồng khác như: chuối, mít, chôm chôm, xoài, bưởi… cho năng suất và thu nhập cao hơn.
“Diện mạo nông thôn xã Xuân Bắc ngày càng khởi sắc, kết cấu hạ tầng giao thông, điện, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa… được đầu tư đạt chuẩn NTM nên giờ không thua kém các địa phương khác trong H.Xuân Lộc” - Chủ tịch UBND xã Xuân Bắc TRẦN VĂN TRÌNH bày tỏ. |
Ông Trần Thế Tĩnh, Trưởng ấp 6 cho biết, hiện cây chuối xuất khẩu là chủ lực với trên 100ha, trong đó có nông dân Trần Văn Thống đã liên kết với các hộ nông dân trong ấp trồng 60ha và bao tiêu đầu ra để đôi bên cùng có lợi. Riêng các cây trồng khác như: cây có múi, xoài, mít, rau màu trên 200ha. Nhờ vậy, thu nhập bình quân của hộ nông dân trong ấp luôn đạt từ 250-300 triệu đồng/ha/năm.
“Trước đây, mọi chi tiêu sinh hoạt trong gia đình đều dựa vào mía, mà cây mía chỉ cho lãi từ 40-50 triệu đồng/ha là cao. Từ ngày chuyển sang các cây công nghiệp khác thì đời sống nhiều nhà nông thay đổi rất rõ như: mua thêm được đất sản xuất, xây dựng nhà ở khang trang, nuôi con học đại học và sắm sửa đầy đủ các phương tiện cơ giới lớn để phục vụ sản xuất” - ông Trần Thế Tĩnh bộc bạch.
Vùng đất ấp 4B vốn bạc màu, cây trồng chính chủ yếu là bắp, lúa, đậu…, lại hoàn toàn phụ thuộc vào nước trời nên mỗi khi gặp hạn hán thì bị mất mùa. Đứng trước khó khăn này, năm 2010, khi khởi động xây dựng NTM, xã Xuân Bắc đã ưu tiên nguồn vốn các cấp đầu tư cho xã để hoàn thiện hệ thống điện lưới nông thôn, đường giao thông nội đồng, vốn và kỹ thuật.
Trên cơ sở đó, nông dân ấp 4B đã mạnh dạn chuyển đổi phần lớn ruộng cao, đất trồng màu, điều sang trồng cây ăn trái, chuối, thanh long, hồ tiêu nên giá trị sử dụng đất tăng từ 60-80 triệu đồng/năm/ha (vào năm 2010) lên 120-150 triệu đồng/ha/năm (vào năm 2015) và nay là trên 300 triệu đồng/ha/năm. Toàn ấp có trên 60 nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp.
Nông dân Phạm Bình (ngụ ấp 4A, xã Xuân Bắc) chuyển đổi đất trồng điều sang trồng mít cho thu nhập đạt trên 300 triệu đồng/ha/năm. Ảnh: Đ.Phú |
“Nhờ liên kết, hợp tác sản xuất cánh đồng lớn và tận dụng điều kiện thuận lợi về giao thông nội đồng, điện phục vụ sản xuất do địa phương đầu tư tới tận đồng nên nông dân trong ấp mấy năm nay thắng lớn. Vì vậy mà đời sống được nâng tầm theo phong trào xây dựng NTM, NTM nâng cao của địa phương” - Trưởng ấp 6B, xã Xuân Bắc Phạm Văn Hà cho biết.
* Nông dân là người hưởng lợi nhất
Năm 2014, xã Xuân Bắc hoàn thành mục tiêu xây dựng NTM. Năm 2019, sau khi địa phương được tỉnh tái công nhận NTM thì bắt tay ngay vào xây dựng các tiêu chí NTM nâng cao và đến nay địa phương đã hoàn thành cơ bản các chỉ tiêu, đang trình hồ sơ để được tỉnh công nhận.
Chủ tịch UBND xã Trần Văn Trình cho hay, từ năm 2015 đến nay, địa phương đã được huyện, tỉnh, Trung ương đầu tư gần 300 tỷ đồng nên diện mạo địa phương thay đổi rất rõ. Nhất là về hạ tầng như: điện, đường, trường, trạm đáp ứng nhu cầu giao thương hàng hóa, phục vụ đi lại, chuyên chở nông sản từ cụm dân cư tới trung tâm ấp, xã, huyện, tỉnh.
“Trong xây dựng NTM, NTM nâng cao thì mục tiêu tập trung nguồn lực chăm lo, nâng cao thu nhập, đời sống cho người dân, nông dân, tăng giá trị sử dụng đất hằng năm luôn được địa phương xem trọng. Chính vì vậy, khi diện mạo địa phương thay đổi nhờ NTM thì chất lượng đời sống của người dân, nông dân cũng thay đổi xứng tầm” - ông Trần Văn Trình bộc bạch.
Cây chuối xuất khẩu được nông dân ấp 6, xã Xuân Bắc phát triển trên 100ha khi chuyển đổi từ đất trồng mía. Ảnh: Đ.Phú |
Xã Xuân Bắc có thế mạnh là quỹ đất sản xuất nông nghiệp lớn (gần 5,8 ngàn ha), thích hợp một số cây trồng chủ lực như: tiêu, xoài, chuối, mít, hoa màu… Tuy nhiên, do địa phương chưa có hệ thống hồ đập tưới tiêu, nguồn nước tưới chủ yếu dựa vào nguồn nước ngầm, ao, hồ, suối nhỏ nên dù địa phương tập trung nguồn vốn lớn đầu tư cho hạ tầng nông thôn nhưng chưa thật sự để vùng đất chuyển mình nhanh, mạnh, đúng với lợi thế.
Theo Trưởng ấp 4A, xã Xuân Bắc Lê Văn Dũng, nếu Trung ương sớm đầu tư công trình thủy lợi dẫn nước từ sông La Ngà về các xã: Suối Cao, Xuân Thọ, Xuân Bắc thì nông dân trong ấp và các ấp lân cận sẽ chủ động được nguồn nước tưới, từ đó sẽ khá hơn, đạt được mục tiêu tăng giá trị sử dụng đất từ 300-400 triệu đồng/ha/năm theo chủ trương mà địa phương hướng tới.
Dù gặp khó về nguồn nước tưới tiêu trước mắt, nhưng nông dân xã Xuân Bắc vẫn lạc quan, ghi nhận và đánh giá cao những gì mà NTM mang lại cho họ, giúp họ thay đổi cuộc sống lẫn tư duy, cách làm sáng tạo.
Nông dân Lại Hồng Chí (ngụ ấp 2A, xã Xuân Bắc) bày tỏ, dù sản xuất còn phụ thuộc vào nước trời, nước ngầm, nông dân xã Xuân Bắc vẫn luôn chủ động, tìm tòi giải pháp khắc phục khó khăn, phát huy tinh thần cần cù, chịu khó để vươn lên làm giàu từ đất, chung sức cùng chính quyền xây dựng địa phương thêm vững mạnh, phát triển.
Xã Xuân Bắc hiện có 4 HTX, 8 tổ hợp tác và 42 CLB năng suất cao thu hút trên 1,8 hội viên nông dân. Do nông dân liên kết theo tổ, nhóm và sản xuất tập trung cùng một loại cây trên diện tích lớn nên việc áp dụng khoa học kỹ thuật, hỗ trợ nhau kinh nghiệm, tạo vùng thu mua nông sản lớn, tránh được tình trạng bị ép giá hoặc chặt - trồng, trồng - chặt như những năm về trước. |
Đoàn Phú