Thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt và những tồn tại, phát sinh liên quan đến chất thải rắn sinh hoạt đang là vấn đề nan giải của nhiều tỉnh, thành trên cả nước, trong đó có Đồng Nai. Dù đã có nhiều giải pháp được đưa ra cũng như sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị ngày một quyết liệt hơn, nhưng bài toán thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt vẫn luôn là vấn đề nóng.
Thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt và những tồn tại, phát sinh liên quan đến chất thải rắn sinh hoạt đang là vấn đề nan giải của nhiều tỉnh, thành trên cả nước, trong đó có Đồng Nai. Dù đã có nhiều giải pháp được đưa ra cũng như sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị ngày một quyết liệt hơn, nhưng bài toán thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt vẫn luôn là vấn đề nóng.
Bài 1: Ra ngõ gặp… rác
Nhiều đống rác lớn ở trước các chợ, khu dân cư, bãi đất trống không được thu gom kịp thời; những bịch rác đặc nghẹt ở nhiều cống rãnh, kênh mương, sông, suối… là hình ảnh thường thấy từ thành phố đến nông thôn.
Rác thải sinh hoạt để tràn lan trước hẻm 1621, đường Nguyễn Ái Quốc, P.Tân Tiến (TP.Biên Hòa). Ảnh: Đăng Tùng |
Lượng rác thải sinh hoạt đang ngày một gia tăng trên địa bàn tỉnh cũng như năng lực thu gom hạn chế, ý thức để rác đúng nơi quy định, đem rác ra đúng giờ thu gom của nhiều người chưa tốt khiến môi trường đang oằn mình vì ô nhiễm. Tình trạng này làm xấu mỹ quan đô thị cũng như ảnh hưởng đến sinh hoạt cộng đồng.
* Vứt rác bừa bãi
Hiện nay, tình trạng vứt rác bừa bãi ra đường hoặc nơi công cộng diễn ra khá phổ biến. Không khó để bắt gặp những đống rác lớn nhỏ ngổn ngang từ các tuyến phố lớn đến những công viên, khu vui chơi, thậm chí cả những ngõ hẻm… Trên một số sông, suối, rác cũng trôi lềnh bềnh sau những cơn mưa lớn.
Nhiều người đi lại trên đường Đồng Khởi (TP.Biên Hòa) không khỏi “xốn mắt” khi thấy dọc theo tuyến đường khá đẹp của thành phố lại có một số đống rác tự phát nhếch nhác. Khoảnh đất trống khá rộng trước Đài Khí tượng thủy văn Đồng Nai đoạn qua P.Tân Hiệp là một ví dụ. Nơi đây dù không phải là điểm tập kết rác, nhưng rác cứ được vứt ra chất thành đống vừa hôi hám, vừa mất mỹ quan đô thị. Những đống rác tự phát này thỉnh thoảng được dọn sạch, nhưng chỉ sau vài ngày thì đâu lại vào đấy, rác lại xuất hiện.
Đầu tháng 5-2022, ghi nhận của phóng viên Báo Đồng Nai trên đường Bùi Văn Hòa - nối từ vòng xoay Tam Hiệp đến vòng xoay Cổng 11, con đường dài 6km nhưng có tới gần 40 đống rác lớn nhỏ, trong đó có những vật dụng cồng kềnh, khó phân hủy như: giường, tủ, ghế sofa… bị vứt bỏ thành những đống lớn.
Tương tự, trên đường Trần Quốc Toản (P.Bình Đa, TP.Biên Hòa) cũng xuất hiện nhiều đống rác tự phát dọc hai bên đường. Còn trên quốc lộ 1, đoạn qua khu vực P.Tân Biên (TP.Biên Hòa), rác được vứt bừa bãi và nhiều đến nỗi bít hết các đường thoát nước.
Tại hội nghị tiếp xúc cử tri chuyên đề về rác thải sinh hoạt vừa qua ở TP.Biên Hòa, nhiều cử tri thốt lên, hiện nay cứ ra đường là thấy rác, rác ở nhiều nơi. Rất nhiều túi
ny-lông đựng rác, xà bần, phế thải tràn ra vỉa hè, rác lấp đầy miệng cống; rác trôi xuống sông, suối gây ô nhiễm môi trường và làm mất mỹ quan đô thị. Đây cũng là một trong những nguyên nhân gây ngập nước các tuyến đường, khu dân cư của TP.Biên Hòa mỗi khi trời mưa lớn.
Ông Huỳnh Tấn Hùng (ngụ xã Long An, H.Long Thành) cho biết, nhà ông ở gần một bãi rác. Rác thường xuyên tồn đọng ở bãi này gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường. Mỗi khi trời mưa lớn, nước đã mang rác và nước rỉ rác từ bãi này vào nhà dân. Thêm vào đó, nhiều khu vực gần bãi rác còn xuất hiện những đống rác tự phát. Điều đáng nói là nhiều người tiện tay vứt rác bừa bãi kể cả khi có thùng rác ngay bên cạnh, có biển cấm đổ rác kèm quy định xử phạt.
“Rất mong cơ quan chức năng cho di dời bãi rác ra xa khu vực dân cư cũng như vào cuộc quyết liệt hơn trong xử lý vi phạm nhằm bảo vệ môi trường, sức khỏe cộng đồng” - ông Hùng nói.
Theo nhận định của Sở TN-MT, với số dân 3,2 triệu người, hiện mỗi ngày Đồng Nai phát sinh hơn 2 ngàn tấn rác thải sinh hoạt. Lượng rác thải khổng lồ này đang tạo sức ép rất lớn đến công tác thu gom, xử lý rác của tỉnh. Ngoài nguyên nhân người đông, rác nhiều, còn có nguyên nhân thói quen của người dân trong việc sử dụng và thải bỏ các loại bao bì.
Thói quen đi chợ không giỏ vì đã có bịch ny-lông, xu hướng mua hàng online, đặt đồ ăn về nhà đã khiến cho lượng rác sinh hoạt gia tăng rất nhiều trong những năm trở lại đây. Điều đáng nói, trong khi lượng rác gia tăng không ngừng thì thói quen vứt rác bừa bãi, mang rác ra không đúng giờ quy định của nhiều người dân vẫn chưa được cải thiện. Những hình ảnh nhếch nhác này đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến cảnh quan môi trường đô thị cũng như không gian sống của cộng đồng.
* Phân loại rác thải tại nguồn còn hạn chế
Phân loại rác thải tại nguồn (PLRTTN) là việc làm ý nghĩa, vừa giảm lượng rác thải đổ về các bãi rác, tiết kiệm chi phí xử lý, giảm diện tích chôn lấp và tận dụng được nguồn nguyên liệu tái chế và tái sử dụng, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Với những ích lợi trên, từ năm 2008, Đồng Nai đã thí điểm thực hiện PLRTTN. Vì thiếu kinh phí hỗ trợ, thiếu chế tài xử lý, thói quen phân loại rác của người dân chưa được hình thành, các đơn vị thu gom chưa đủ điều kiện thu gom riêng... nên sau 14 năm triển khai PLRTTN, mới có hơn 310 ngàn hộ dân thực hiện PLRTTN theo hướng dẫn, tỷ lệ chỉ đạt 30% số hộ dân toàn tỉnh (tính tại thời điểm tháng 2-2022).
Tại hội nghị tiếp xúc cử tri chuyên đề về thực hiện phân loại, thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải sinh hoạt do HĐND tỉnh tổ chức cuối tháng 4-2022, Phó giám đốc Sở TN-MT Trần Trọng Toàn cho biết, hiện tỷ lệ thu gom các loại chất thải trên địa bàn tỉnh đều đạt tỷ lệ gần 100%. Tuy nhiên, việc PLRTTN, vận chuyển và xử lý chất thải sau phân loại còn nhiều hạn chế, trong đó tỷ lệ hộ gia đình thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt còn thấp. Ở các vùng nông thôn, người dân còn có thói quen tự xử lý chất thải rắn sinh hoạt bằng cách chôn lấp hoặc đốt.
Cũng tại hội nghị này, nhiều cử tri cho rằng, sở dĩ hoạt động PLRTTN không bền vững là do có tình trạng các hộ dân phân loại, nhưng đơn vị thu gom lại thu gom chung. Thêm vào đó, ý thức phân loại rác của nhiều hộ dân chưa cao vì không muốn trong nhà có nhiều thùng rác.
Với dân số hơn 1,2 triệu người và lượng rác thải mỗi ngày từ 500-700 tấn rác sinh hoạt, TP.Biên Hòa là địa phương được chọn thí điểm thực hiện đề án phân loại chất thải rắn tại nguồn từ năm 2008. Thế nhưng, tỷ lệ hộ dân thực hiện PLRTTN của TP.Biên Hòa chỉ là 52% (tính tại thời điểm tháng 6-2021). Hiện nay, mới chỉ có các cơ quan, đơn vị hành chính và trường học của thành phố thực hiện khá tốt việc PLRTTN.
Phó chủ tịch UBND TP.Biên Hòa Huỳnh Tấn Lộc cho biết, dù thành phố đã nỗ lực tuyên truyền, vận động, nhưng đa phần người dân vẫn đổ lẫn lộn các loại rác.
Theo ông Huỳnh Tấn Lộc, trước đây thành phố trang bị túi ny-lông, thùng đựng rác cho các hộ gia đình thực hiện thí điểm, sau khi triển khai nhân rộng, chương trình không còn tiếp tục hỗ trợ thùng rác, túi ny-lông nữa nên hoạt động PLRTTN chững lại. Hiện TP.Biên Hòa đặt mục tiêu đến cuối năm 2022 có 100% cá nhân và hộ gia đình thực hiện PLRTTN.
Còn trên địa bàn H.Thống Nhất có 4 điểm trung chuyển chất thải, có 7 HTX và 8 tổ hợp tác thu gom chất thải rắn sinh hoạt trong cộng đồng. Mỗi xã đều có một ấp được chọn thí điểm phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, nhưng theo đánh giá của địa phương, tâm lý và ý thức thực hiện của người dân chưa cao. Tương tự, H.Vĩnh Cửu là địa phương có tỷ lệ hộ gia đình đăng ký tham gia PLRTTN khá cao với hơn 3,1 ngàn hộ, thế nhưng hiện chỉ có vài trăm hộ ở các khu dân cư kiểu mẫu thực hiện phân loại rác.
Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có hiệu lực ngày 1-1-2022 quy định, việc PLRTTN là bắt buộc với mọi cá nhân và hộ gia đình. Trường hợp không phân loại rác sẽ bị từ chối vận chuyển, không để rác đúng nơi quy định bị phạt tiền và yêu cầu khắc phục. Cũng theo luật này, những hộ thải bỏ lượng rác nhiều sẽ phải trả phí cao, trong đó lượng rác thải có phân loại sẽ không phải trả phí. |
Phương Liễu
Bài 2: Đơn vị thu gom rác thiếu nguồn lực