Báo Đồng Nai điện tử
En

Dịch bệnh tay chân miệng vào mùa

07:05, 31/05/2022

Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh ghi nhận gần 2 ngàn trường hợp mắc bệnh tay chân miệng phải nhập viện điều trị. TP.Biên Hòa là địa phương có số ca mắc cao nhất với hơn 800 ca. Tiếp đó là H.Trảng Bom và H.Vĩnh Cửu.

Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh ghi nhận gần 2 ngàn trường hợp mắc bệnh tay chân miệng phải nhập viện điều trị. TP.Biên Hòa là địa phương có số ca mắc cao nhất với hơn 800 ca. Tiếp đó là H.Trảng Bom và H.Vĩnh Cửu.

Bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai khám bệnh cho một bệnh nhi mắc bệnh tay chân miệng điển hình. Ảnh: A.Yên
Bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai khám bệnh cho một bệnh nhi mắc bệnh tay chân miệng điển hình. Ảnh: A.Yên

Trong số các bệnh nhi mắc tay chân miệng đang điều trị tại Khoa Bệnh nhiệt đới Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai, bé N.V.K. (2 tuổi, ngụ xã Bắc Sơn, H.Trảng Bom) có dấu hiệu bệnh điển hình nhất.

Mẹ bệnh nhi cho biết, vợ chồng chị là công nhân nên gửi con đi học ở nhà trẻ gần nhà. 2 ngày đầu, bé biếng ăn nhưng gia đình không nghĩ bé bị tay chân miệng nên không đưa đi khám. Đến khi bé bị sốt cao liên tục không hạ nên nửa đêm gia đình phải đưa bé đến bệnh viện để cấp cứu. Kết quả xét nghiệm máu xác định bé K. bị bệnh tay chân miệng cần phải nhập viện gấp. Trước khi nhập viện, bé K. bị nổi nhiều mụn, nốt trong miệng; sau nhập viện, các nốt đỏ nổi rất nhiều ở chân, tay, mông. Do miệng bị đau nên bé chỉ có thể uống sữa, ăn cháo. Sau gần 1 tuần điều trị, tình trạng bệnh của bé có thuyên giảm.

BS Nguyễn Thanh Quyền, Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới cho biết, từ đầu tháng 5 đến nay, số trường hợp nhập viện điều trị bệnh tay chân miệng gia tăng. Hiện tại, khoa đang điều trị cho gần 40 bệnh nhi mắc tay chân miệng. Đa số trẻ nhập viện từ 1-3 tuổi, đang đi nhà trẻ, đặc điểm chung là đều sốt cao, có giật mình. Nếu điều trị an thần ổn, các bé hết sốt, hết giật mình sẽ được xuất viện, chưa ghi nhận ca bệnh nào quá nặng phải lọc máu như những năm trước.

BS Quyền khuyến cáo, khi chăm sóc trẻ, phụ huynh, giáo viên nên theo dõi các biểu hiện bất thường của trẻ như biếng ăn, có những vết loét trong miệng. Khi tắm cho bé thì để ý ở bàn tay, mông, gối của trẻ có những vết bóng nước hay không. Nếu trẻ sốt liên tục quá 2 ngày, biếng ăn cần kiểm tra miệng của trẻ và đưa trẻ đi khám bệnh kịp thời.

Dự báo trong thời gian tới, dịch bệnh tay chân miệng sẽ còn tiếp tục gia tăng. Do vậy, phụ huynh nên trông chừng trẻ, không nên chủ quan khi trẻ mắc những dấu hiệu của bệnh, không nên tự ý điều trị tại nhà, tránh những biến chứng và hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra với trẻ. 

An Yên

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích