Báo Đồng Nai điện tử
En

Kịp thời giúp đỡ người bị nạn

10:03, 24/03/2022

Không lương, không phụ cấp, tự bỏ kinh phí mua bông băng, nẹp gỗ cố định xương, băng ca…; dành thời gian đến nơi có người gặp nạn để sơ cứu và đưa họ đi cấp cứu miễn phí…, đó là việc làm đang được các thành viên của Đội sơ cấp cứu P.Tân Hòa (TP.Biên Hòa) tự nguyện duy trì thường xuyên trong thời gian qua.

Không lương, không phụ cấp, tự bỏ kinh phí mua bông băng, nẹp gỗ cố định xương, băng ca…; dành thời gian đến nơi có người gặp nạn để sơ cứu và đưa họ đi cấp cứu miễn phí…, đó là việc làm đang được các thành viên của Đội sơ cấp cứu P.Tân Hòa (TP.Biên Hòa) tự nguyện duy trì thường xuyên trong thời gian qua.

Lãnh đạo Hội Chữ thập đỏ P.Tân Hòa và các thành viên Đội sơ cấp cứu P.Tân Hòa kiểm tra vật dụng trước khi lên đường ứng cứu người bị nạn. Ảnh: S.Thao
Lãnh đạo Hội Chữ thập đỏ P.Tân Hòa và các thành viên Đội sơ cấp cứu P.Tân Hòa kiểm tra vật dụng trước khi lên đường ứng cứu người bị nạn. Ảnh: S.Thao

Đội sơ cấp cứu P.Tân Hòa hiện có 4 điểm sơ cấp cứu nằm rải rác trên địa bàn phường, góp phần ứng cứu kịp thời người bị tai nạn, từ đó xây dựng hình ảnh đẹp về những người làm công tác xã hội trong cuộc sống hằng ngày.

* Không thể thờ ơ với người bị nạn

Theo ông Bùi Đức Quân, Đội trưởng Đội sơ cấp cứu P.Tân Hòa, nhà ông ở gần quốc lộ 1 đoạn chạy qua địa bàn phường nên ông thường xuyên chứng kiến các vụ tai nạn giao thông. Có những vụ chỉ va chạm nhẹ nên không ai bị thương, song cũng có những vụ khiến người bị nạn gặp chấn thương, vết thương hở gây mất máu, gãy xương hay hôn mê mà không có ai trợ giúp.

Do còn phải làm việc để mưu sinh hằng ngày nên các thành viên trong đội không thể thường xuyên có mặt tại điểm sơ cấp cứu. Nhưng mỗi khi nhận được tin báo từ người dân, ai ở gần nơi có người bị nạn nhất sẽ nhanh chóng tìm đến để sơ cấp cứu ban đầu, nếu gặp trường hợp cần người giúp thì những thành viên khác sẽ đến hỗ trợ thêm.

Bà Đặng Thị Phương, Phó chủ tịch Hội Chữ thập đỏ TP.Biên Hòa cho hay, TP.Biên Hòa có 4 điểm sơ cấp cứu thuộc Hội Chữ thập đỏ quản lý thì tất cả đều tập trung tại P.Tân Hòa. Thời gian qua, những điểm sơ cấp cứu này đã phát huy tốt vai trò ứng cứu người bị nạn khi thực hiện sơ cứu ban đầu cho người dân.

Ông Quân cho biết thêm: “Ban đầu, khi tham gia ứng cứu người bị tai nạn giao thông, nhiều người đi đường và ngay cả người nhà nạn nhân hiểu lầm mình là người gây ra tai nạn nên có lời lẽ, cử chỉ không hay. Lâu dần, kinh nghiệm để bảo vệ mình là mở điện thoại quay lại quá trình ứng cứu ngay từ đầu để chứng minh bản thân không phải là người gây tai nạn. Tuy vậy, đôi lúc các thành viên vẫn gặp tình huống bị hiểu lầm do người nhà lo lắng khi thấy người thân bị nạn. Song từng thành viên không nản lòng mà vẫn tiếp tục với việc ứng cứu người bị nạn”.

Ngoài điểm sơ cấp cứu của ông Bùi Đức Quân, theo bà Hoàng Thị Yến, Phó chủ tịch Hội Chữ thập đỏ P.Tân Hòa, phường còn có 3 điểm sơ cấp cứu khác. Với đặc điểm là khu vực có nhiều cơ sở sản xuất gỗ nên việc xảy ra tai nạn lao động liên quan đến bị vật sắc nhọn cắt gây vết thương mất máu diễn ra thường xuyên. Không ít trường hợp vì cuộc sống khó khăn nên khi bị vết thương hở trong quá trình lao động đã đánh liều tự xử lý vết thương dẫn đến biến chứng nặng. Do vậy, Hội Chữ thập đỏ phường đã vận động và thành lập nhiều điểm sơ cấp cứu nằm gần các nhà xưởng, khu dân cư, cá biệt có thành viên đội sơ cấp cứu làm việc trực tiếp trong nhà xưởng. Điều này đã góp phần kịp thời trợ giúp người dân khi cần. Trung bình mỗi tháng mỗi đội xử lý giúp dân từ 5-7 vụ tại nạn lao động.

Anh Châu Liêm (dân tộc Kh’mer) làm việc tại một xưởng gỗ ở P.Tân Hòa cho hay, trong một lần xử lý gỗ nguyên liệu anh không may bị vật sắc nhọn cắt trúng mặt trong bàn tay trái. Khi đó máu chảy nhiều nên anh lo lắng và may là được người làm cùng chở đến điểm sơ cấp cứu của P.Tân Hòa để băng bó cầm máu miễn phí trước khi đưa vào bệnh viện kiểm tra.

* Chủ động nâng cao khả năng ứng cứu

Cùng với tinh thần tự nguyện dấn thân vì cộng đồng, từng thành viên của điểm sơ cấp cứu đều chủ động dành thời gian tham gia các lớp tập huấn kiến thức về sơ cấp cứu được Hội Chữ thập đỏ tỉnh, Sở Y tế tổ chức.

Bà Hoàng Thị Yến cho hay, hiện 6/8 thành viên Đội sơ cấp cứu P.Tân Hòa đã hoàn thành chương trình tập huấn huấn luyện viên sơ cấp cứu cấp 2; 1 cá nhân đang theo chương trình đào tạo huấn luyện viên sơ cấp cứu cấp trung ương. Đồng thời, cá nhân này còn tham gia chia sẻ kinh nghiệm ở các lớp tập huấn sơ cấp cứu trong các xưởng sản xuất gỗ.

Hiện toàn tỉnh có 36 điểm sơ cấp cứu được cấp phép hoạt động. Trong số này nhiều nhất là H.Nhơn Trạch với 14 điểm. Các huyện, thành phố còn lại như: Xuân Lộc, Vĩnh Cửu, Long Thành, Định Quán…, mỗi địa phương có từ 2-6 điểm sơ cấp cứu.

Hay nhiều cá nhân còn chủ động thi tuyển, nộp hồ sơ theo học các chương trình đào tạo dược sĩ, y sĩ ở các trường cao đẳng, đại học để nâng cao khả năng của bản thân và cũng là lấy nghề nuôi việc làm tốt mà mình theo đuổi. Trong số này có chị Trần Thị Huế. Chị Huế hiện cùng cha là thành viên 2 điểm sơ cấp cứu khác nhau. Để có điều kiện gắn bó lâu dài với việc làm thiện nguyện cũng như có nghiệp vụ xử lý những tình huống khó trong sơ cấp cứu, chị đang theo học chuyên ngành Y tại một trường cao đẳng ở TP.Biên Hòa.

Còn ông Nguyễn Văn Hoàn chia sẻ, ông tình nguyện tham gia hoạt động ở điểm sơ cấp cứu từ năm 2015. Để có thêm kinh nghiệm, chuyên môn, ông đã đăng ký học dược sĩ và vừa hoàn thành. Những kiến thức có được giúp ông xử lý nhanh nhẹn hơn trong quá trình sơ cấp cứu. Đồng thời, đây cũng là điều kiện giúp ông có thể gắn bó lâu dài với việc sơ cấp cứu ban đầu cho người bị nạn. Bởi thông qua chuyên môn được đào tạo, ông có thể mở quầy thuốc vừa tạo thu nhập, vừa sơ cấp cứu miễn phí cho người dân.

Cùng với tinh thần tự nguyện, các thành viên ở Đội sơ cấp cứu P.Tân Hòa còn đóng góp để chi trả tiền thuê nhà làm điểm sơ cấp cứu.

Bà Hoàng Thị Yến cho hay, dù được một số mạnh thường quân hỗ trợ song mỗi tháng các điểm sơ cấp cứu phải chi trả khoảng 4 triệu đồng tiền thuê nhà. Thời gian gần đây, có một cá nhân thấy việc làm ý nghĩa của điểm sơ cấp cứu đã tự nguyện không nhận tiền thuê nhà. Nhiều mạnh thường quân, chủ các xưởng gỗ cũng tặng dụng cụ sơ cấp cứu cho các điểm vì đã nhiều lần xử lý vết thương cho công nhân khi gặp nạn. Đây là điều rất đáng mừng vì việc làm của các điểm sơ cấp cứu đã lan tỏa trong cộng đồng.     

Văn Truyên

Tin xem nhiều