Những ngày cuối năm 2021, các ngõ đường, khu dân cư ở xã Bảo Hòa (H.Xuân Lộc) nhộn nhịp sắc xuân với bóng dáng những người nông dân chăm hoa, dọn vườn, nhà, đường làng, ngõ xóm để đón năm mới.
Những ngày cuối năm 2021, các ngõ đường, khu dân cư ở xã Bảo Hòa (H.Xuân Lộc) nhộn nhịp sắc xuân với bóng dáng những người nông dân chăm hoa, dọn vườn, nhà, đường làng, ngõ xóm để đón năm mới.
Người dân ấp Bưng Cần phát quang, dọn vệ sinh đường ấp, tổ để đón năm mới. Ảnh: Đ.Phú |
Chủ tịch UBND xã Bảo Hòa Đặng Ngọc Đức bộc bạch, mặc dù dịch bệnh Covid-19 vẫn tiềm ẩn nguy cơ, nhưng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Bảo Hòa vẫn tự hào về một năm đầy quyết tâm, chung sức, đồng lòng vượt đại dịch để giữ vững thành quả nông thôn mới (NTM) kiểu mẫu.
* Vẻ đẹp NTM
Sau nhiều năm trở lại ấp Bưng Cần, điều khác lạ đầu tiên mà chúng tôi cảm nhận là tuyến đường Mã Vôi vào ấp nay được mở rộng, thông thoáng, nhiều hoa xanh, đỏ, vàng và những ngôi nhà lộng lẫy dọc hai bên đường. Rẫy vườn của nhà nông phần lớn được chuyển đổi từ cây màu sang chôm chôm, mít, sầu riêng, thanh long, bưởi và các nhánh đường rẽ từ đường chính Mã Vôi vào vườn rẫy, khu dân cư đều toát lên màu trắng xi măng sạch đẹp.
Có mặt tại ấp Bưng Cần ngay từ những năm 1976, ông Nguyễn Văn Ba (90 tuổi, quê tỉnh Quảng Ngãi) cho biết, ấp Bưng Cần - quê hương thứ hai của ông - đã đổi thay qua từng mùa xuân nên luôn mới và đẹp. Sự đổi thay đó không chỉ người dân Bưng Cần cảm nhận được mà khách phương xa thỉnh thoảng ghé vào cũng đều nhận ra.
Phó chủ tịch UBND xã Bão Hòa NGUYỄN HỒNG PHÚC bày tỏ, năm 2020, địa phương hoàn thành mục tiêu NTM kiểu mẫu và tháng 3-2021, UBND tỉnh ra quyết định công nhận. Năm 2020 cũng là năm dịch bệnh Covid-19 bùng phát. Sang năm 2021, dịch bệnh diễn biến phức tạp, kéo dài nhưng địa phương vẫn hoàn thành các mục tiêu, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững thành quả xây dựng NTM kiểu mẫu. Đó là nhờ tập thể chính quyền đoàn kết, hành động vì dân và dân vì chính quyền nên đồng hành, chung sức. |
Ông Ba kể, những ngày đầu khai hoang phục hóa, ngày xuân của dân di cư ở Bưng Cần chỉ cần có cơm trắng, ít thịt cá là đủ vui. Nay cuộc sống của nông dân trong ấp ngày càng sung túc, đầy đủ nên ngày xuân không còn bận tâm nhiều tới chuyện ăn ngon, mặc ấm mà là tổng kết lại xem dư dả bao nhiêu, làm sao khu vườn gia đình tăng thu nhập hơn trước, nhà có bao nhiêu con em học đại học, cùng địa phương làm được bao nhiêu tuyến đường sáng - xanh - sạch - đẹp - an toàn.
Gió xuân từ đồng thổi vào người mát rượi, thành quả của mấy chục năm vợ chồng ông Ba rời quê vào Bưng Cần lập nghiệp là căn nhà đang gấp rút hoàn thành trị giá gần 2,4 tỷ đồng, có tiền tiết kiệm gửi ngân hàng dưỡng già và đất đai đã chia đều cho 8 người con, mỗi người cũng được vài sào. Cho nên, xuân này sẽ là mùa xuân vui nhất, ý nghĩa nhất đối với vợ chồng ông.
Từ khu đầm hoang, bưng biền, qua những mùa xuân, Bưng Cần trở thành vùng đất nông nghiệp trù phú nhất xã Bảo Hòa. Trưởng ấp Bưng Cần Bùi Huy Sinh, nay ở tuổi trên 60 nhưng vẫn giữ được sự nhiệt huyết, lăn xả công tác xã hội của 10 năm về trước. Ông Sinh hồ hởi cho biết, tháng 3-2021, xã Bảo Hòa được tỉnh công nhận là xã NTM kiểu mẫu. Do đó, ấp Bưng Cần của ông phải tiếp tục gìn giữ, duy trì phong trào. Chính vì vậy, những ngày qua, ông luôn có mặt ngoài đường để vận động nhân dân phát quang, dọn dẹp vệ sinh, treo sửa lại các bóng đèn thắp sáng dọc các tuyến đường nông thôn trong ấp, các tổ, khu dân cư để đón xuân mới.
Ấp Hòa Hợp có điều kiện phát triển nông nghiệp, dịch vụ - thương mại nhất xã. Do đó, đời sống kinh tế - văn hóa - xã hội của ấp khá phát triển. Trưởng ấp Hòa Hợp Bùi Đình Mậu cho biết, các tuyến đường xóm, tổ, khu dân cư trong ấp đều đạt tiêu chí sáng - xanh - sạch - đẹp. Ngoài những tuyến được đầu tư theo hình thức xã hội hóa, người dân ấp Hòa Hợp còn chủ động họp bàn, bỏ kinh phí ra đầu tư bằng 100% sức dân để các khu dân cư trong ấp sớm đạt tiêu chí khu dân cư kiểu mẫu, thuận lợi cho việc sinh hoạt, đi lại, phát triển kinh tế và nhất là chia sẻ với địa phương nguồn kinh phí đối ứng có hạn nên cần phải ưu tiên cho những ấp, khu dân cư khó khăn hơn.
“Dân ấp Hòa Hợp là dân góp từ mọi miền đất nước. Dù âm sắc nói ra có khác nhau nhưng trái tim và hành động của họ đều đồng thuận trong quá trình chung sức cùng ấp, xã xây dựng NTM kiểu mẫu. Năm nay, dịch bệnh Covid-19 có tác động xấu tới kinh tế, thu nhập của người dân. Tuy vậy, người dân ấp Hòa Hợp vẫn quyết tâm bê tông tuyến đường nhánh Tập đoàn 1 và tổ 9+10 dài 630m với tổng kinh phí gần 500 triệu đồng bằng 100% vốn do dân đóng góp, không phải chờ địa phương hỗ trợ kinh phí” - ông Mậu nói.
* Cùng dân vượt qua đại dịch Covid-19
Mặc dù dịch bệnh Covid-19 phức tạp, kéo dài, bức tranh kinh tế - xã hội của xã Bảo Hòa năm 2021 vẫn luôn sáng bởi những con số: tổng giá trị sản xuất xã hội thực hiện đạt được 1.821 tỷ đồng, đạt 108,8% kế hoạch, tăng 7,1% so với cùng kỳ. Giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp thực hiện đạt 289 tỷ đồng, đạt 118,4% kế hoạch, tăng 7,4% so với cùng kỳ. Giá trị sản xuất ngành thương mại - dịch vụ đạt 791 tỷ đồng, đạt 107,3% kế hoạch, tăng 6,3% so với cùng kỳ. Giá trị sản xuất ngành Nông nghiệp thực hiện đạt 488 tỷ đồng, đạt 105,9% kế hoạch, tăng 5,9% so với cùng kỳ. Tổng thu ngân sách trên địa bàn xã đạt trên 17 tỷ đồng, đạt 105,35% so với kế hoạch... Năm 2021, địa phương giữ vững 53/53 chỉ tiêu xây dựng NTM nâng cao theo Quyết định số 1753/QĐ-UBND tỉnh và 24/25 tiêu chí NTM kiểu mẫu theo Quyết định số 931/QĐ-UBND của UBND tỉnh.
Nông dân Bưng Cần chuẩn bị vụ hoa dơn để bán Tết |
Chủ tịch UBND xã Bảo Hòa Đặng Ngọc Đức cho biết thêm, cơ cấu kinh tế của xã trong năm chuyển dịch đúng hướng, các ngành: thương mại - dịch vụ, công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp có nhiều chuyển biến, góp phần tăng giá trị sản xuất xã hội năm 2021 là 7,1% so với cùng kỳ. Bên cạnh đó, địa phương chú trọng, quan tâm chăm lo gia đình chính sách, người có công, thương binh, bệnh binh, bảo trợ xã hội, tăng cường chăm lo an sinh xã hội cho hộ nghèo, khó khăn với nhiều giải pháp hỗ trợ, giúp đỡ nâng cao đời sống cho hộ nghèo, cận nghèo, thực hiện tốt chính sách về công tác tôn giáo, dân tộc…
Cuối năm 2021, xã Bảo Hòa hoàn thành mục tiêu xóa hộ nghèo. Tuy nhiên, qua khảo sát, điều tra hộ nghèo theo chuẩn mới của tỉnh giai đoạn 2021-2026 thì cuối năm địa phương phát sinh 32 hộ nghèo. Điều này cũng làm cho cấp ủy Đảng, chính quyền, hệ thống chính trị xã cũng có sự trăn trở.
Chủ tịch UBND xã Đặng Ngọc Đức bày tỏ, phương châm của xã vẫn cố gắng tìm mọi nguồn lực để giúp sức cho người dân thoát nghèo bền vững. Chính vì vậy, những ngày năm hết, Tết đến, hệ thống chính trị xã, các ấp đã chuẩn bị sẵn nguồn lực, vật chất để đưa quà xuân tới tay những người nghèo, khó khăn, bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19. Đồng thời, kêu gọi cộng đồng dân cư, mạnh thường quân chung sức, đồng lòng cùng chính quyền, đoàn thể chăm lo tết cho họ được tươm tất và ấm lòng hơn.
Trên 20 năm gắn bó với vùng đất ấp Hòa Bình từ đôi bàn tay trắng, nông dân sản xuất giỏi của xã Bảo Hòa Trần Văn Tài (51 tuổi, quê tỉnh Bình Định) đã dày công vun xới 2ha đất xấu thành vườn chôm chôm thái, nhãn, thanh long ruột đỏ, mít, sầu riêng trĩu quả khi vào vụ, cho thu nhập từ 500-600 triệu đồng/năm. Để bày tỏ tấm lòng với vùng đất ấp Hòa Bình đã cưu mang, lo cho mình cuộc sống ngày thêm sung túc, phát triển, ông Tài luôn chia sẻ sự thành đạt của bản thân với đồng hương, người nghèo, phong trào bằng những việc thiết thực như: hỗ trợ tiền, ngày công cho phong trào xây dựng NTM, giúp người nghèo vui xuân.
Thêm một mùa xuân nữa đang về, các ngõ đường, khu dân cư trên địa bàn xã Bảo Hòa đã chộn rộn với xuân mới. Rời Bảo Hòa trong cái nắng nhạt trên những tuyến đường nông thôn láng bóng màu xi măng, hai bên đường hoa, cỏ rung rinh theo làng gió, lão nông Phạm Văn Bình (70 tuổi, ấp Chiến Thắng) ngỏ ý mời chúng tôi ở lại nhà đêm nay để ông bầu bạn và lý giải câu chuyện vì sao vẫn còn một số người dân có điều kiện kinh tế vẫn chưa chịu xây tường rào nhà theo chủ trương của xã trong phong trào xây dựng NTM kiểu mẫu. Lời ông Bình như níu kéo bước chân chúng tôi khi ông ngắn gọn giải thích, xưa dân Bắc - Trung - Nam di cư tự do khi khó khăn, ngày Tết chỉ có miếng mứt, ly trà nhạt vẫn nghĩa tình. Do đó, họ chần chừ làm hàng rào vì sợ tình nghĩa ngăn cách, chứ rất quý địa phương và tiền nhà dư dả.
Đoàn Phú