Báo Đồng Nai điện tử
En

Người bị đái tháo đường mắc Covid-19 dễ biến chứng nặng

08:11, 11/11/2021

Theo thống kê của Sở Y tế, tính đến nay, toàn tỉnh ghi nhận 584 ca tử vong do Covid-19, chiếm 0,8% tổng số bệnh nhân mắc Covid-19 toàn tỉnh. Có khoảng 50% bệnh nhân Covid-19 tử vong có các bệnh lý nền kèm theo, trong đó có bệnh đái tháo đường.

Theo thống kê của Sở Y tế, tính đến nay, toàn tỉnh ghi nhận 584 ca tử vong do Covid-19, chiếm 0,8% tổng số bệnh nhân mắc Covid-19 toàn tỉnh. Có khoảng 50% bệnh nhân Covid-19 tử vong có các bệnh lý nền kèm theo, trong đó có bệnh đái tháo đường (ĐTĐ).

Nhiều bệnh nhân Covid-19 trở nặng do có bệnh nền đái tháo đường được điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất. Ảnh: Ảnh: H.Dung
Nhiều bệnh nhân Covid-19 trở nặng do có bệnh nền đái tháo đường được điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất. Ảnh: H.Dung

Việc phòng và kiểm soát bệnh ĐTĐ trong đại dịch Covid-19 có ý nghĩa quan trọng nhằm bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân.

* Nhiều bệnh nhân Covid-19 nặng mắc tiểu đường

BS Lâm Hùng Hạnh, Trưởng khoa Hồi sức tích cực chống độc Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất cho biết, qua thực tế tham gia điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng ở tầng 3 của tháp điều trị, anh nhận thấy có nhiều bệnh nhân Covid-19 trở nặng do mắc một số bệnh nền nguy hiểm như: tăng huyết áp, tim mạch, ĐTĐ, béo phì. Việc điều trị cho những bệnh nhân này vì thế mà khó khăn, vất vả hơn nhiều. Không ít bệnh nhân phải chạy ECMO, phải siêu lọc máu liên tục, thở máy xâm lấn, thở oxy dòng cao…

Có nhiều nguyên nhân khiến bệnh nhân ĐTĐ dễ gặp biến chứng nặng nếu mắc Covid-19. Đó là hệ miễn dịch ở bệnh nhân ĐTĐ yếu khiến quá trình hồi phục chậm. Đường huyết cao là môi trường thuận lợi cho virus phát triển. Người bệnh ĐTĐ nếu mắc kèm theo các bệnh như: tim mạch, tăng huyết áp rất dễ làm bệnh Covid-19 trở nặng nhanh hơn.

Các bác sĩ cho biết, việc kiểm soát đường huyết ở bệnh nhân ĐTĐ nhiễm Covid-19 khá khó khăn. Bởi lẽ, chế độ ăn và giờ ăn của bệnh nhân thay đổi, nhất là các bệnh nhân đang phải cách ly ở các khu cách ly hoặc điều trị tại bệnh viện. Ngoài ra, bệnh nhân bị viêm, nhiễm khuẩn khiến cơ thể có phản ứng tăng tiết glucocorticoid và một số nội tiết tố khác để chống stress và viêm nhưng chính các nội tiết tố này lại làm tăng đường huyết. Tâm lý lo âu, sợ hãi, căng thẳng cũng làm tăng đường huyết của bệnh nhân Covid-19 mắc ĐTĐ.

Không những thế, bản thân virus SARS-Cov-2 kích thích cơ thể tăng sản xuất nhiều cytokine viêm, gây stress nặng ở các bệnh nhân nặng và nguy kịch. Các loại thuốc giảm đau chống viêm được sử dụng để điều trị làm giảm triệu chứng của người bệnh cũng ít nhiều ảnh hưởng đến việc kiểm soát đường huyết của bệnh nhân ĐTĐ mắc Covid-19…

* Phòng bệnh hơn chữa bệnh

Bệnh ĐTĐ thường được phát hiện trễ do tình trạng tăng đường trong máu diễn ra âm thầm và trải qua nhiều năm tháng mà không có triệu chứng gì. Cho đến khi người bệnh có triệu chứng tăng đường huyết điển hình thì mới được phát hiện. Việc tăng đường huyết kéo dài sẽ dẫn đến các biến chứng của mạch máu lớn, mạch máu nhỏ và những biến chứng ngoài mạch máu. Các mạch máu bị tổn thương sẽ làm suy yếu các chức năng của các cơ quan trong cơ thể.

Cụ thể, biến chứng ở mạch máu nhỏ sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến mắt (bệnh võng mạc, có thể gây mù lòa); thận (có thể dẫn đến suy thận hoặc bệnh thận giai đoạn cuối không hồi phục, phải chạy thận hoặc ghép thận).

Biến chứng ở mạch máu lớn sẽ ảnh hưởng đến tim mạch (bệnh động mạch vành kèm đau ngực, đau tim, đột quỵ và xơ vữa động mạch), não, các động mạch ngoại biên chi dưới (gây ngứa, tê, rát hoặc đau ở đầu ngón chân hoặc ngón tay và lan rộng, có thể gây mất cảm giác hoàn toàn ở chân, tay; các vết loét và mụn nước có thể gây nhiễm trùng khó lành, có thể phải cắt bỏ chi).

Riêng phụ nữ bị ĐTĐ thai kỳ, nếu lượng đường trong máu không được kiểm soát có thể gây ra một số biến chứng như: thai nhi phát triển hơn so với tuổi, trẻ sơ sinh có nguy cơ cao mắc bệnh béo phì và tiểu đường tuýp 2 trong tương lai. Nguy hiểm hơn, trẻ có thể tử vong trước hoặc sau khi sinh nếu người mẹ không được điều trị tiểu đường thai kỳ.

BS CKII Nguyễn Thị Thúy Hằng, Trưởng khoa Nội tiết Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai cho hay, những dấu hiệu để nhận biết một người bị ĐTĐ tuýp 1 như: khát nước liên tục, uống nước nhiều hơn bình thường, sụt cân, tiểu đêm. ĐTĐ tuýp 2 thường xảy ra ở những người lớn tuổi có tình trạng thừa cân, béo phì, có tiền căn gia đình bị ĐTĐ. ĐTĐ tuýp 2 không có những triệu chứng rõ rệt mà chỉ tình cờ phát hiện qua xét nghiệm máu thấy lượng đường huyết trong máu tăng cao. Do không có những biểu hiện cụ thể nên các bác sĩ khuyên người dân từ 45 tuổi trở lên nên đi xét nghiệm đường huyết hằng năm, tránh khi phát hiện thì bệnh đã biến chứng nguy hiểm.

Trên thế giới hiện nay chưa có biện pháp chữa khỏi bệnh ĐTĐ. Do đó, người bệnh cần phải sử dụng thuốc insulin lâu dài. Để kiểm soát đường huyết trong máu và phòng ngừa biến chứng của bệnh tiểu đường cần phối hợp cùng lúc 3 phương pháp là dùng thuốc, chế độ dinh dưỡng và vận động hợp lý.

Việc dùng thuốc cần tuân thủ liều lượng theo đơn bác sĩ kê. Về chế độ dinh dưỡng, người bệnh nên lựa chọn các thực phẩm hoặc ngũ cốc nguyên hạt như: gạo lứt, gạo xay còn vỏ cám, các loại cá, thịt nạc, các loại đậu, sử dụng các loại dầu từ mè, ô-liu, hướng dương. Trong khẩu phần ăn của người bị bệnh ĐTĐ nên tăng cường rau xanh, trái cây ít ngọt như: táo, lê, ổi, mận, không nên ép lấy nước uống vì khi ép lấy nước đã loại bỏ chất xơ trong trái cây, làm cho đường hấp thu nhanh vào máu gây tăng đường huyết. Nên hạn chế những trái cây có chỉ số đường huyết cao như: dưa hấu, vải, sầu riêng.

Hạnh Dung (ghi)

Tin xem nhiều