Nhiều giáo viên mầm non và phổ thông trên cả nước đang cảm thấy lo lắng vì vào đầu tháng 2 vừa qua, Bộ GD-ĐT ban hành một loạt thông tư về quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp hạng viên chức giảng dạy trong các trường mầm non và phổ thông công lập.
Nhiều giáo viên mầm non và phổ thông trên cả nước đang cảm thấy lo lắng vì vào đầu tháng 2 vừa qua, Bộ GD-ĐT ban hành một loạt thông tư về quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp hạng viên chức giảng dạy trong các trường mầm non và phổ thông công lập. Với thông tư mới này, giáo viên trong các trường công lập nếu không muốn bị “tụt hạng” và giảm lương thì buộc phải có chứng chỉ chức danh nghề nghiệp theo quy định.
Giáo viên Trường mầm non Suối Cát (H.Xuân Lộc) quản lý trẻ trong giờ vui chơi ngoài trời. Ảnh: C.Nghĩa |
Giáo viên của một trường mầm non công lập tại H.Vĩnh Cửu bày tỏ lo lắng: “Chúng tôi còn chưa kịp vui mừng vì tới đây quy định giáo viên phải có chứng chỉ ngoại ngữ - tin học được loại bỏ, thì giờ lại tiếp tục lo lắng với thông tư mới, giáo viên phải có chứng chỉ chức danh nghề nghiệp”.
* Chưa hết khổ vì chứng chỉ
Giáo viên này bộc bạch, trong 15 năm công tác tại trường mầm non, cô đã lần lượt đi học lên cao đẳng rồi đại học sư phạm về mầm non. Quá trình vừa dạy vừa học khá vất vả nhưng năm học nào cô cũng hoàn thành tốt và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Mới đây, khi được biết giáo viên bậc mầm non bắt buộc phải có chứng chỉ chức danh nghề nghiệp cô cảm thấy khá lo lắng. Cô nói thêm: “Chứng chỉ chức danh nghề nghiệp có thể không giúp gì cho việc nâng cao chuyên môn, vì cuối cùng nó chỉ là hình thức nên nếu có thể, Bộ GD-ĐT xem xét bỏ đi cho giáo viên đỡ vất vả, tốn kém”.
Giám đốc Sở GD-ĐT Trương Thị Kim Huệ: Cần đợi hướng dẫn cụ thể Những trường hợp giáo viên còn thiếu chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh cần phải bình tĩnh trước các thông tin, tránh vì hoang mang sẽ bị giảm lương mà vội vàng đăng ký theo học các khóa đào tạo bồi dưỡng không đảm bảo chất lượng. Sở GD-ĐT sẽ kiến nghị Bộ GD-ĐT sớm có hướng dẫn cụ thể để triển khai cho giáo viên nắm và thực hiện một cách bài bản theo hướng đúng và có lợi cho giáo viên. |
Còn cô P.A.Đ., giáo viên một trường THCS ở P.Trảng Dài (TP.Biên Hòa) cho biết: “Chúng tôi thật sự lo lắng vì phải bằng mọi cách có được chứng chỉ chức danh nghề nghiệp. Chứng chỉ này không phải để tăng hạng xếp loại giáo viên mà chỉ để đảm bảo “trụ hạng”, đồng thời quan trọng nhất là không bị giảm lương”.
Theo phản ánh của nhiều giáo viên, dù các thông tư của Bộ GD-ĐT về quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp hạng viên chức giảng dạy trong các trường mầm non và phổ thông công lập mới chỉ ra đời đầu tháng 2 vừa qua, nhưng nhiều trường đại học đã chuẩn bị sẵn sàng cả về chương trình lẫn mức học phí bồi dưỡng và chứng chỉ chức danh nghề nghiệp cho những giáo viên có yêu cầu với thời gian bồi dưỡng chỉ 5 ngày, mức học phí từ 2,5-3 triệu đồng/người. Cô N.T.H., giáo viên một Trường THCS tại TP.Long Khánh cho biết: “Không biết vì sao mà một trường đại học tại miền Tây Nam bộ lại biết được số điện thoại và mời tôi đi học lớp cấp chứng chỉ chức danh nghề nghiệp với mức phí 2,5 triệu đồng nếu học trực tuyến và 3 triệu đồng nếu học tập trung tại một địa chỉ cụ thể sẽ thông báo sau”.
Dù biết việc học nâng cao trình độ là cần thiết nhưng thầy V.S.T., giáo viên tại xã Quảng Tiến (H.Trảng Bom) cho rằng, chứng chỉ chức danh nghề nghiệp giáo viên thực chất chỉ là một “giấy phép con”, không có chứng nhận này, giáo viên vẫn hoàn thành nhiệm vụ được giao. Nếu bắt buộc phải có thì chỉ tốn tiền và thời gian của giáo viên do phải đi học, còn các cơ sở tổ chức đào tạo bồi dưỡng loại chứng chỉ này mới thực sự là những “ngư ông đắc lợi”.
* Có thực sự cần thêm chứng chỉ?
Các diễn đàn của giáo viên trên mạng xã hội đang thảo luận và chia sẻ rất nhiều về câu chuyện bổ nhiệm, xếp hạng và xếp lương của giáo viên khi áp dụng các thông tư mới được Bộ GD-ĐT ban hành về quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp hạng viên chức giảng dạy trong các trường mầm non và phổ thông công lập. Nhiều giáo viên cho rằng, Bộ GD-ĐT cần có một công văn hướng dẫn cụ thể để giáo viên khỏi hoang mang, lúng túng, đồng thời giúp cho cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục có giáo viên bị tác động bởi các thông tư này kịp thời giải đáp cho giáo viên thông hiểu. Một vấn đề nữa là cần tránh cho giáo viên bị mất tiền oan, vì quá lo lắng chuyện bị giảm lương nên vội tham gia các lớp bồi dưỡng cấp chứng chỉ chuẩn chức danh nghề nghiệp.
Có nhiều ý kiến của lãnh đạo các cơ sở giáo dục cho rằng, Bộ GD-ĐT đề ra quy định giáo viên phải có chứng chỉ chuẩn chức danh nghề nghiệp thì cần phải quy định rõ đơn vị nào được phép tổ chức bồi dưỡng cho giáo viên, chương trình và mức học phí cụ thể. Cần tránh đào tạo cho có, đủ điều kiện theo thông tư mà không thực sự tác động gì đến hoạt động chuyên môn của giáo viên trong quá trình công tác. Những bất cập này không chỉ gây hao tiền tốn của cho giáo viên mà còn tạo nên những hệ luỵ xấu, giống như quy định giáo viên phải có chứng chỉ ngoại ngữ - tin học, bị dư luận và giáo viên phản đối, Bộ GD-ĐT đã phải hủy bỏ quy định này.
Theo Bộ GD-ĐT, quy định giáo viên phải có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp theo các thông tin mới ban hành là thực hiện theo quy định tại Luật Viên chức năm 2010 và Nghị định số 101 và một số nghị định khác của Chính phủ. Cụ thể, Luật Viên chức năm 2010 quy định người được bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp nào thì phải có đủ tiêu chuẩn của chức danh nghề nghiệp đó (điểm b, khoản 1, Điều 31) và viên chức phải thực hiện chế độ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp trước khi bổ nhiệm, thăng hạng (điểm b, khoản 3, Điều 33).
Đại diện Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục thuộc Bộ GD-ĐT cho hay, thực tế ngành Giáo dục cũng nỗ lực trong việc đề nghị được thay các chứng chỉ này bằng các chứng chỉ chuyên ngành của ngành nhưng đây là quy định của Luật Viên chức và Nghị định số 101. Mặt khác, không phải khi nào giáo viên cũng phải đi học chứng chỉ này, thậm chí từ giáo viên hạng III lên hạng II là 9 năm và hạng II lên hạng I là 6 năm mới phải đi học một lần. Giáo viên nào có nhu cầu thăng hạng thì mới phải đi học, hơn nữa việc đi học để giúp giáo viên nắm thêm về quản lý hành chính nhà nước, hiểu được vị trí của mình là viên chức nhà nước.
Công Nghĩa