Cha mẹ có sự lựa chọn riêng nên các em sống cùng ông bà, cô bác. Bởi thế, bao nhiêu tình thương yêu, lo lắng, các em đều dành cho "đấng sinh thành thứ 2" này...
Cha mẹ có sự lựa chọn riêng nên các em sống cùng ông bà, cô bác. Bởi thế, bao nhiêu tình thương yêu, lo lắng, các em đều dành cho “đấng sinh thành thứ 2” này. Các em không ước mơ cho riêng mình. Chỉ mong học tập tốt, có việc làm để nuôi những người thân yêu này…
Em Huỳnh Như Diệu Hiền (học sinh lớp 7/1, Trường THCS Trần Hưng Đạo, TP.Biên Hòa) trong giờ học. Ảnh: H.Yến |
* “Em mong sẽ học thật giỏi”
Giống như tên gọi của mình, Huỳnh Như Diệu Hiền (học sinh lớp 7/1, Trường THCS Trần Hưng Đạo, TP.Biên Hòa) là cô bé hiền lành, dễ mến. Qua cách nói chuyện, có thể nhận thấy Hiền được lớn lên trong một gia đình có đầy đủ tình yêu thương, được quan tâm, chăm sóc đầy đủ…
Nhà Hiền có 2 anh em. Năm 2009, khi Hiền mới lên 3 và “anh Ti” học lớp 12 thì cha của em qua đời. Một mình mẹ em không bươn chải nổi để nuôi 2 người con nên đã gửi lại 2 anh em cho bà con bên nội rồi ra đi. “Em nghe kể lại, khi cha mất, anh Ti nghỉ học rồi ở lì trong ngôi nhà mà cha mẹ để lại, hiếm khi bước chân ra ngoài. Cô Hai ở gần đó lo cơm nước cho anh. Còn em thì được má Tư, cha Tư đón về nuôi. Má Tư là chị ruột của cha” - Hiền kể.
Anh trai của Hiền nhốt mình trong nhà suốt rồi sinh ra bệnh trầm cảm. Bệnh lâu ngày không chữa nên bây giờ đã phải nhập viện Bệnh viện Tâm thần Trung ương 2 và ở luôn trong đó. Mẹ em bỏ đi một thời gian thì quay trở về nhận lại con gái. Nhưng: “Mẹ ở với em được vài năm, lúc em học lớp 1, lớp 2 gì đó thì mẹ lại đi nữa. Từ đó đến nay mẹ chỉ về đúng 1 lần, có mấy tiếng là lại đi. Đó là lần nghe tin anh Ti phải nhập viện” - Hiền nhớ lại.
Ngày mai 2-12, tại Văn miếu Trấn Biên, Báo Đồng Nai phối hợp với nhà tài trợ là Công ty CP Ô tô Trường Hải sẽ trao 100 suất học bổng Vượt khó vì tương lai, mỗi suất trị giá 2 triệu đồng. Đây là lần thứ XVIII, học bổng này được tổ chức nhằm động viên, khuyến khích những học sinh có hoàn cảnh khó khăn tiếp tục đến trường. |
Từ bấy lâu nay, cô gái nhỏ này sống trong tình yêu thương, sự đùm bọc của ba má Tư. Ba Tư là người đưa đón em đi học mỗi ngày. Ba má Tư có 2 người con ruột đều đã lập gia đình và đã có con. Hằng ngày, sau giờ học, Hiền làm việc nhà phụ giúp ba má Tư và phụ trông cháu cho chị.
Ngoài những công việc quen thuộc đó, mỗi tuần 2 lần, Hiền được má Tư chở vào Bệnh viện Tâm thần Trung ương 2 để đưa cơm cho anh. Hiền sợ, vì phòng bệnh có đông bệnh nhân, vì thế em chỉ dám đứng bên ngoài. Hiền mong có ngày anh Ti được xuất viện nhưng em cũng biết rằng đó là điều không thể. Ngoài mắc bệnh tâm thần, anh trai em còn bị bệnh tim.
Hiền kể về anh với một niềm vui dịu dàng: “Trước khi anh Ti phải đi bệnh viện, thỉnh thoảng, em được má Tư chở về nhà thăm anh. Anh Ti hay để dành tiền mua quà bánh cho em. Anh còn la em, không cho em chơi với bạn xấu”.
Mong muốn lớn nhất của Hiền là em sẽ học thật giỏi, sau này có công việc, kiếm được thật nhiều tiền để chăm sóc anh. “Nhận được học bổng Vượt khó vì tương lai của Báo Đồng Nai, em sẽ đưa cho má Tư để lo cho anh Ti và đóng tiền học cho em” - Hiền nói.
Tuy được sống trong không khí gia đình đầm ấm, được má Tư thương như má ruột, Hiền vẫn không tránh được những giây phút cảm thấy tủi thân, vì bạn bè ai cũng có cha mẹ ở bên cạnh còn mình thì không… Song ở trường, nhờ các bạn hòa đồng, thân ái, thường an ủi nếu thấy Hiền buồn. Đó cũng là niềm vui, giúp em hiểu rằng, cuộc sống không lấy đi của ai mọi thứ, mình thiếu cái này nhưng sẽ được bù đắp bằng những điều tốt đẹp khác.
* Dù có khó khăn vẫn sẽ theo đuổi việc học
Nhắc đến học trò Hồ Quỳnh Nhi (học sinh lớp 9/6, Trường THCS Thống Nhất, TP.Biên Hòa), cô Phạm Thị Kim Loan, giáo viên chủ nhiệm lớp không ngớt lời khen ngợi. Là giáo viên chủ nhiệm, cũng là hàng xóm gần nhà nên cô Loan hiểu rất rõ về người học trò nhỏ này.
Cô Loan khen: “Bé siêng học và học giỏi lắm. Trong lớp, bé có tham gia ban cán sự, cô giao cho việc gì đều hoàn thành việc đó. Bé làm mọi việc rõ ràng, rành mạch, có kỷ luật, kế hoạch. Ở nhà thì biết phụ giúp ông bà làm việc nhà…”.
Em Hồ Quỳnh Nhi (học sinh lớp 9/6, Trường THCS Thống Nhất, TP.Biên Hòa) trong giờ kiểm tra |
Cũng giống như Diệu Hiền, Quỳnh Nhi không được sống chung với cha mẹ từ khi còn nhỏ. Cha mẹ ly hôn, mẹ bỏ đi khi em chưa đầy năm. Cha cũng đi làm ăn xa từ dạo đó. Ông bà nội là người cưu mang, chăm sóc em mười mấy năm nay. Trong suốt ngần ấy năm, mẹ chưa một lần quay lại tìm em. Lần gặp cha gần đây nhất của Quỳnh Nhi cũng đã 6 năm. Đó là lần cha về TP.Biên Hòa đón Tết.
“Em nghe nói phía nhà ngoại cũng ở TP.Biên Hòa nhưng em không biết họ là ai. Nhà nội em không ai nhắc đến. Thỉnh thoảng, em cũng nghĩ về mẹ, cũng muốn biết về họ hàng bên ngoại của mình nhưng em chỉ giấu trong lòng…” - Quỳnh Nhi tâm sự.
Ông nội của Quỳnh Nhi làm nghề sửa xe máy. Bà nội làm nghề bán xôi. Đó là nguồn sống bao năm nay của gia đình Quỳnh Nhi. Năm nay, cả hai ông bà đều đã ngoài 70 tuổi, sức khỏe kém. Riêng bà, ngoài bị thoái hóa đốt sống cổ còn phải lắp khớp háng giả nên đi lại khó khăn. Hằng ngày, bà thức dậy từ lúc 2 giờ sáng để nấu xôi. Sáng sớm, ông chở bà đi bán. Quỳnh Nhi không dậy sớm để phụ bà nấu xôi được. Bù lại, khi bà đi bán về, cô bé phụ bà rửa nồi niêu; đi mua đậu, mua gạo giúp bà.
Quỳnh Nhi kể, tiệm sửa xe của ông được dựng tạm bằng các vách tôn. Tiệm cách nhà chừng 100m nhưng buổi tối ông không về mà phải ngủ lại đó để trông chừng, sợ trộm lấy mất đồ nghề.
Trong nhà, ngoài ông bà nội còn có gia đình của cô chú. Kinh tế của họ cũng eo hẹp nên tuy sống trong một nhà nhưng không giúp được nhau nhiều. Bản thân Nhi tự cảm nhận, tuy ở cùng anh chị em họ nhưng “ông bà thương em nhất. Có đồ ăn gì thì ông bà cho em ăn nhiều hơn 1 chút”.
Đáp lại tình thương của ông bà, Quỳnh Nhi cố gắng giúp ông bà làm việc nhà và chăm chỉ học tập. Sau giờ học chính khóa em còn đi học thêm. Các giáo viên biết được hoàn cảnh của cô bé nên không thu tiền học phí.
Hiện nay, Quỳnh Nhi đi học bằng xe đạp điện. Chiếc xe này là tiền mà cha gửi về để ông bà mua cho em. Quỳnh Nhi biết, cha hiện đang sống ở tỉnh Khánh Hòa, đã có gia đình riêng. Thỉnh thoảng, cha gọi điện về, cũng chỉ hỏi thăm được mấy câu thông thường. Lâu ngày không ở chung nên tình cảm cha con có phần phai lạt, không gần gũi như đối với ông bà.
Tuy còn nhỏ tuổi nhưng cô học trò này có suy nghĩ khá chín chắn, bao dung: “Em không hờn trách cha mẹ, vì mỗi người có sự lựa chọn riêng”.
Nói về ước mơ của mình, Quỳnh Nhi khẽ khàng: “Chắc là sau này em làm bác sĩ. Em muốn tìm ra loại thuốc hiệu quả để chữa bệnh cho ông bà. Vì ông bà bệnh, uống nhiều thuốc mà không thấy đỡ. Em ước vậy thôi chứ chắc ông bà không đợi được đến ngày đó, vì ông bà già rồi mà em còn phải học thêm cả chục năm nữa…”.
Những lúc làm việc nhà xong, ngồi rảnh rỗi, Quỳnh Nhi lại nghĩ đến tương lai của mình. Quỳnh Nhi dự tính, để có tiền đi học, em sẽ làm thêm. Công việc hiện tại Quỳnh Nhi nghĩ đến là đi phụ quán nước. Dù khó khăn thì em sẽ vẫn theo đuổi việc học. “Hiện tại, em cố gắng giúp ông bà có tinh thần vui vẻ để sống lâu. Em nhổ tóc bạc cho ông bà, lúc ông bà mệt thì con đấm lưng…” - Quỳnh Nhi nói.
Hải Yến