Đôi mắt được ví như "cửa sổ tâm hồn" của mỗi người. Tuy nhiên, làm thế nào để bảo vệ đôi mắt luôn khỏe mạnh thì không phải ai cũng biết.
Đôi mắt được ví như “cửa sổ tâm hồn” của mỗi người. Tuy nhiên, làm thế nào để bảo vệ đôi mắt luôn khỏe mạnh thì không phải ai cũng biết.
Bệnh nhi có các bệnh lý về mắt được khám, chỉ định điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai |
Các bác sĩ chuyên khoa mắt khuyến cáo, người dân cần có chế độ sinh hoạt và dinh dưỡng phù hợp, tránh tiếp xúc thường xuyên với khói bụi, màn hình máy vi tính, điện thoại... để hạn chế các bệnh về mắt.
* Những bệnh về mắt thường gặp
BS Bùi Thị Nga, Phó trưởng khoa Mắt Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai cho biết, đối với trẻ em, những bệnh về mắt thường gặp nhất là bệnh viêm kết mạc, viêm giác mạc, chắp lẹo, tắc lệ đạo bẩm sinh, đục thủy tinh thể bẩm sinh, bệnh lý võng mạc trẻ sinh non. Những trẻ trong độ tuổi đi học thường gặp nhất là tật khúc xạ học đường như cận thị, loạn thị. Ngoài ra, trẻ cũng có khả năng bị các bệnh về chấn thương mắt do tai nạn sinh hoạt, tai nạn giao thông...
Cụ thể, bệnh viêm kết mạc, viêm giác mạc thường do virus, vi khuẩn hoặc nấm gây ra.
Trung bình mỗi ngày, Khoa Mắt Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai tiếp nhận, khám cho khoảng 50-70 trường hợp bệnh nhi có các bệnh lý về mắt. Trong đó khoảng 5-7 trẻ bị tật khúc xạ. |
Bệnh tắc lệ đạo bẩm sinh do đường lệ bị tắc, hẹp, có những trường hợp không có điểm lệ gây tình trạng chảy nước mắt, ứ đọng nước mắt kèm theo ghèn.
Bệnh lý võng mạc trẻ sinh non thường xảy ra đối với những trẻ sinh non tháng (tuổi thai từ 28-32 tuần), nhẹ ký (dưới 2,5 kg).
Bệnh lác, lé do bẩm sinh, tật khúc xạ hoặc chấn thương gây ra.
Để đảm bảo sức khỏe cho đôi mắt của trẻ, phụ huynh cần theo dõi khả năng nhìn của trẻ, đưa trẻ đi khám sức khỏe định kỳ hoặc theo lịch hẹn để có thể phát hiện các bệnh về mắt ở trẻ và có biện pháp can thiệp sớm.
Phần lớn nguyên nhân dẫn đến các bệnh lý về mắt, nhất là cận thị, là do chế độ sinh hoạt, học tập của trẻ chưa đảm bảo. Bởi hiện nay, đa số trẻ em tiếp xúc với màn hình máy vi tính, điện thoại thông minh khá sớm và trong thời gian dài nên ảnh hưởng lớn đến đôi mắt của trẻ. Ngoài ra, nhiều gia đình nhập cư hoặc không có điều kiện kinh tế, ở trong những phòng trọ chật hẹp, ẩm thấp, khoảng cách giữa các đồ vật trong phòng gần cũng khiến trẻ em dễ mắc các bệnh về tật khúc xạ.
Cha mẹ bị tật khúc xạ (bẩm sinh hoặc mắc phải) khi sinh con, thì con cũng có nguy cơ mắc tật khúc xạ cao hơn so với những trẻ có cha mẹ không mắc tật khúc xạ.
* Điều chỉnh chế độ sinh hoạt, dinh dưỡng phù hợp
Theo BS Nga, đa số các trường hợp bị tật khúc xạ khi đến bệnh viện trẻ đã có những dấu hiệu như: phải nheo mắt khi nhìn hoặc hay nhìn nghiêng thì cha mẹ mới đưa đi khám, chứ không phải do cha mẹ tự giác đưa con đi khám theo định kỳ. Hoặc có nhiều người lại có suy nghĩ là đeo kính vào nhìn mặt khờ hoặc đeo kính sẽ lên độ nên không đeo kính, khi nào trẻ bị nặng hơn nữa, đi học không nhìn được chữ viết trên bảng thì cha mẹ mới đưa con đi khám bệnh. Điều này là không nên và sẽ ảnh hưởng đến cơ hội điều trị của trẻ.
Để bảo vệ và chăm sóc mắt đúng cách, BS Nga khuyến cáo, không chỉ riêng trẻ em mà tất cả mọi người ở mọi lứa tuổi nên đi khám mắt định kỳ 6 tháng/lần để phát hiện những bất thường về mắt (nếu có). Đồng thời, hạn chế để mắt tiếp xúc trực tiếp với khói bụi. Khi đi ra ngoài đường, nhất là trong thời tiết nắng nóng nên đeo kính râm để tránh tác động của tia UV đến mắt.
Nếu làm việc trên máy tính, khoảng cách tối thiểu giữa mắt và màn hình máy tính là 50cm. Thường xuyên chớp mắt, thỉnh thoảng nên nhắm chặt mắt và xoay tròn mắt để giúp điều tiết chất nhờn tốt hơn. Cứ 20 phút làm việc với máy vi tính thì để mắt giải lao 20 giây và nhìn tập trung vào một vật cách khoảng 6m.
Khi trẻ em và người lớn đã được chẩn đoán bị cận thị, loạn thị, cần đến ngay các cơ sở y tế có chuyên khoa mắt để được đo kính đúng độ, đeo kính thường xuyên, tránh thức khuya, nên ngủ đủ 7-8 tiếng/ngày, không nên sử dụng máy tính, điện thoại trong không gian tối.
Về chế độ dinh dưỡng, nên ăn đầy đủ chất dinh dưỡng gồm thịt, cá, trứng, sữa, ăn nhiều rau, củ có màu vàng, đỏ để tăng cường chất chống oxy hóa. Tránh dụi mắt để không làm xước giác mạc; khi bị bụi bay vào mắt, hãy nhỏ nước nhỏ mắt hoặc chớp mắt với nước lọc để dị vật chảy ra. Khi gặp các vấn đề về mắt, cần thăm khám tại các cơ sở y tế chuyên khoa để được bác sĩ tư vấn điều trị phù hợp.
Hạnh Dung