Báo Đồng Nai điện tử
En

Cứu sống bệnh nhân bị ngưng tim bằng kỹ thuật cao

08:09, 27/09/2020

Ông N.V.H. (58 tuổi, ngụ P.Thống Nhất, TP.Biên Hòa) bị ngưng tim sau cơn nhồi máu cơ tim vừa được các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai cứu sống ngoạn mục, thoát khỏi đời sống thực vật.

Ông N.V.H. (58 tuổi, ngụ P.Thống Nhất, TP.Biên Hòa) bị ngưng tim sau cơn nhồi máu cơ tim vừa được các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai cứu sống ngoạn mục, thoát khỏi đời sống thực vật.

Ông N.V.H. được vợ chăm sóc tại Khoa Tim mạch can thiệp Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai trước khi được xuất viện. Ảnh: H.Dung
Ông N.V.H. được vợ chăm sóc tại Khoa Tim mạch can thiệp Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai trước khi được xuất viện. Ảnh: H.Dung

Đáng lưu ý, kỹ thuật mà các bác sĩ sử dụng để cứu sống ông H. là hạ thân nhiệt chủ động ngoài cơ thể. Đây là kỹ thuật cao, từ trước đến nay chỉ có các bệnh viện tuyến trung ương mới thực hiện được.

* Dồn lực cứu bệnh nhân qua cơn nguy kịch

Nhớ lại buổi chiều 9-9 khi chồng gặp nạn, bà M.T.T., vợ ông H. chia sẻ, trước đây chồng bà hay cảm thấy mệt trong người, bị cao huyết áp nhưng không đi kiểm tra sức khỏe tổng quát nên không biết rõ tình hình sức khỏe của bản thân. Chiều 9-9, ông H. cảm thấy đau ngực, mệt nhiều nên nói vợ chở bằng xe máy đến bệnh viện để thăm khám. Tuy nhiên, khi mới chạy xe đến đường Trương Định (P.Tân Mai, TP.Biên Hòa), ông H. bỗng ngất xỉu, được vợ và người dân đưa vào Bệnh viện quốc tế Hoàn Mỹ Đồng Nai để cấp cứu.

Tại Việt Nam, theo thống kê của Viện Tim mạch, ước tính mỗi năm có khoảng hơn 200 ngàn người chết vì bệnh tim mạch, chiếm 33% trong tổng số các ca tử vong, gấp 20 lần số tử vong do ung thư.

BS CKI Trần Đức Anh, Trưởng khoa Cấp cứu Bệnh viện quốc tế Hoàn Mỹ Đồng Nai cho hay, bệnh nhân nhập viện trong tình trạng tím tái toàn thân, không có nhịp tim, không thở. Nhận thấy ca bệnh nguy cấp, khoa đã huy động lực lượng để cấp cứu nhằm hồi sinh tim phổi cho bệnh nhân. Sau khoảng 30 phút liên tục ép tim, bóp bóng, đặt ống nội khí quản, sử dụng máy sốc điện phá rung, dùng thuốc phá rung thất… tim bệnh nhân đã đập trở lại. Tuy nhiên, do tình trạng rung thất của bệnh nhân nặng nên tim cứ đập 1, 2 phút lại ngưng. Song song với việc cấp cứu bệnh nhân, Bệnh viện quốc tế Hoàn Mỹ Đồng Nai liên hệ với Khoa Cấp cứu Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai để chuẩn bị tiếp nhận bệnh nhân. Sau khi cấp cứu bệnh nhân có kết quả khả quan, Bệnh viện quốc tế Hoàn Mỹ đã chuyển ông H. đến Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai để tiếp tục được cứu chữa.

Sau khi tiếp nhận bệnh nhân, các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai đã khẩn trương chụp mạch vành và phát hiện bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim trước rộng, tắc ở nhánh xuống trước trái (là nhánh mạch máu chính quan trọng của tim). Bệnh nhân được can thiệp mạch vành để tái thông mạch máu bị tắc.

Tuy nhiên, sau khi tái thông được mạch vành, bệnh nhân rơi vào hôn mê do trước đó bị ngưng tim gần 10 phút ngoài bệnh viện. Điều này dẫn đến khả năng bệnh nhân bị tổn thương não (thông thường, nếu bệnh nhân bị ngưng tim từ 3 phút trở lên, không có máu nuôi não, não sẽ bị tổn thương nặng nề), có nguy cơ phải sống đời sống thực vật kèm theo tổn thương đa cơ quan như thận, gan.

* Cho bệnh nhân “ngủ đông” để bảo tồn các tế bào

BS Đào Nguyễn Minh Châu, Trưởng khoa Hồi sức tích cực - chống độc Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai cho biết: “Để cứu sống bệnh nhân, chúng tôi đã thực hiện kỹ thuật hạ thân nhiệt chủ động ngoài cơ thể (giống như việc cho bệnh nhân ngủ đông) để giảm nhu cầu chuyển hóa của cơ thể, giúp não bớt viêm, bớt phù, bảo tồn các tế bào trong cơ thể bệnh nhân chưa bị tổn thương kết hợp lọc máu liên tục. Đây là 2 kỹ thuật cao, thường chỉ được thực hiện ở các bệnh viện tuyến trung ương do yêu cầu cao về trình độ chuyên môn của bác sĩ và trang thiết bị máy móc”.

Năm 2020, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã chọn ngày 29-9 là Ngày Tim mạch thế giới. Khẩu hiệu được WHO đưa ra là: Hãy nhớ số huyết áp như chính số tuổi của bạn, tăng huyết áp - kẻ giết người thầm lặng.

Theo đó, các bác sĩ đã sử dụng một loại chăn lạnh, có các mạch lưu thông nhỏ, bên trong có các loại dịch, được gắn vào máy hạ thân nhiệt chỉ huy rồi đắp cho bệnh nhân để hạ thân nhiệt của bệnh nhân xuống khoảng 32-350C. Sau 2 ngày được hạ thân nhiệt, bệnh nhân hồi phục về tri giác, bác sĩ tiến hành tăng dần nhiệt độ cơ thể cho bệnh nhân và tiếp tục điều trị các bước tiếp theo. Khoảng 1 tuần sau điều trị, bệnh nhân đã có thể ngồi dậy, ăn uống được. Đến nay, ông H. đã bình phục gần như hoàn toàn và đã được xuất viện.

Cũng theo BS Châu, không phải bất kỳ ca ngưng tim nào cũng có thể được cứu sống ngoạn mục như bệnh nhân H. bằng kỹ thuật hạ thân nhiệt chỉ huy ngoài cơ thể. Bởi kỹ thuật này còn phụ thuộc vào thời gian bệnh nhân được chuyển đến bệnh viện sớm hay muộn kể từ khi bị ngưng tim. Nếu bệnh nhân được đưa vào cấp cứu càng sớm thì khả năng được cứu sống sẽ càng cao và ngược lại. Trước đây nếu không có kỹ thuật hạ thân nhiệt ngoài cơ thể này, tỷ lệ hồi phục của bệnh nhân bị ngưng tim cực kỳ thấp, đa số bệnh nhân có tổn thương não, phải sống đời sống thực vật hoặc để lại di chứng, thậm chí tử vong.

Phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai Đặng Hà Hữu Phước chia sẻ, để có thực hiện được kỹ thuật này, bệnh viện đã cử các bác sĩ đi học, đồng thời đầu tư thêm các loại máy móc cần thiết. Hiện tại, ở Khoa Hồi sức tích cực chống độc đã có 6 bác sĩ có đủ trình độ để thực hiện được kỹ thuật này. Sắp tới, bệnh viện sẽ cấp cho Khoa Hồi sức tích cực chống độc 1 máy hạ thân nhiệt chỉ huy ngoài cơ thể mới.

Giám đốc Sở Y tế Phan Huy Anh Vũ đánh giá, việc Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai thực hiện thành công kỹ thuật hạ thân nhiệt chỉ huy ngoài cơ thể cứu sống ngoạn mục bệnh nhân bị ngưng tim là bước tiến mới trong công tác điều trị của bệnh viện nói riêng và ngành Y tế Đồng Nai nói chung. Sở Y tế đang làm tờ trình trình UBND tỉnh để khen thưởng đột xuất ê-kíp y, bác sĩ cứu sống thành công ca bệnh này.

Hạnh Dung

Tin xem nhiều