Mong muốn của hầu hết các cặp vợ chồng là có con để vui cửa, vui nhà và "thắt chặt" sợi dây tình cảm gia đình. Thế nhưng, không ít người vì nhiều lý do mà hành trình "tìm" con hết sức gian nan...
Mong muốn của hầu hết các cặp vợ chồng là có con để vui cửa, vui nhà và “thắt chặt” sợi dây tình cảm gia đình. Thế nhưng, không ít người vì nhiều lý do mà hành trình “tìm” con hết sức gian nan...
Nhân viên Khoa Phụ sản Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai thực hiện kỹ thuật xét nghiệm điều trị vô sinh, hiếm muộn. Ảnh: P.Liễu |
Nhiều năm qua, tại Đồng Nai, một số bệnh viện đã triển khai kỹ thuật điều trị vô sinh, hiếm muộn để giúp các cặp vợ chồng vô sinh có thể điều trị gần nhà, không phải đi lại xa xôi, tốn kém.
Hành trình đong đầy nước mắt
Mơ về ngôi nhà và những đứa trẻ, nhưng 5 năm sau ngày cưới, chuyện có một đứa con với vợ chồng chị C.T. (ngụ P.Tân Phong, TP.Biên Hòa) vẫn chỉ là... mơ ước. Hành trình “tìm” con của vợ chồng chị là hành trình đẫm nước mắt với những tháng ngày chạy ngược, chạy xuôi.
Chị T. kể, ra trường đi làm được 2 năm thì anh chị cưới nhau. Dự định ổn định kinh tế rồi mới sinh con nên 3 năm đầu anh chị chủ động kế hoạch chưa vội sinh con. Đến khi đã có được một ngôi nhà nhỏ, đầy đủ tiện nghi, sẵn sàng chào đón những đứa trẻ chào đời thì chờ mãi...vẫn không có. Khi đi khám bệnh, bác sĩ cho biết, chị bị suy buồng trứng (thiểu nang và nang không trưởng thành) nên rất khó thụ thai.
3 năm sau đó, chị T. chạy chữa, đủ cả Đông - Tây y vừa mất thời gian, vừa tốn kém, mỏi mệt, nản lòng nên vợ chồng chị T. tính bỏ cuộc. Thế nhưng, cách đây 8 năm, trong một lần gặp người bạn cũng bị hiếm muộn đã điều trị thành công tại Bệnh viện Phụ sản Âu Cơ (TP.Biên Hòa), vợ chồng chị T. đã tìm đến đây để điều trị.
Trong quá trình điều trị hiếm muộn tại Bệnh viện Phụ sản Âu Cơ của vợ chồng chị T. cũng rất vất vả khi 4 lần bơm tinh trùng đều thất bại; có 2 lần thành công, thai đậu nhưng chỉ đến tháng thứ hai và thứ ba thì thai hư.
“Lúc ấy vợ chồng tôi vô cùng chán nản, định bỏ cuộc, nhưng bác sĩ động viên “còn nước còn tát” và lần mang thai thứ ba đã thành công. Suốt thời gian đầu của thai kỳ, tôi phải nằm dưỡng thai trên giường. Những vất vả rồi cũng qua, may mắn đã mỉm cười, con gái tôi ra đời khỏe mạnh, nay cháu đã 8 tuổi” - chị T. kể.
Vợ chồng chị T.P. (ngụ H.Định Quán) là một trong số những ca điều trị vô sinh thành công tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai. Sau nhiều năm điều trị vô sinh, hiếm muộn ở nhiều nơi, vợ chồng chị cũng cạn kiệt tiền bạc. Cách đây 2 năm, vợ chồng chị quyết định chữa vô sinh tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai cho đỡ tốn kém. Sau gần 2 năm điều trị tích cực, hiện chị P. đã mang thai tháng thứ 3.
* Nỗi lo vô sinh trẻ hóa
Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai và Bệnh viện phụ sản Âu Cơ là 2 trong số ít cơ sở y tế ở Đồng Nai điều trị thành công nhiều ca vô sinh, hiếm muộn. Hiện mỗi năm Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai khám vô sinh, hiếm muộn cho cả trăm ca và thực hiện thụ tinh nhân tạo cho 40-50 ca với tỷ lệ thành công khoảng 30%. Còn tại Bệnh viện Phụ sản Âu Cơ cũng thực hiện phương pháp này cho từ 13-17 ca/năm với tỷ lệ thành công hơn 30%.
Niềm vui được làm mẹ của chị C.T. (ngụ TP.Biên Hòa). Ảnh gia đình cung cấp |
BS CKII Nguyễn Mạnh Hoan, Trưởng khoa Phụ sản Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai cho biết, Bộ Y tế đã cảnh báo về tỷ lệ vô sinh, hiếm muộn đang có xu hướng gia tăng ở người trẻ. Kết quả nghiên cứu của Bộ Y tế cũng chỉ ra tỷ lệ vô sinh của các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ tại Việt Nam là 7,7% (tương đương với khoảng 1 triệu cặp vợ chồng vô sinh), trong đó vô sinh nguyên phát là 3,9% và vô sinh thứ phát là 3,8%. Tuy nhiên có đến 50% số cặp vợ chồng vô sinh, hiếm muộn ở độ tuổi dưới 30, điều đó rất đáng báo động.
Cũng gần 30 năm chuyên sản phụ khoa và làm những đề tài nghiên cứu về tình trạng vô sinh, theo BS CKII Nguyễn Mạnh Hoan, vô sinh, hiếm muộn có nhiều nguyên nhân như: ô nhiễm môi trường, thực phẩm có nhiều hóa chất độc hại, tình trạng viêm nhiễm đường sinh dục, nạo phá thai, thai ngoài tử cung, ảnh hưởng của thuốc lá, rượu bia, thậm chí là áp lực công việc và cuộc sống...
Theo đề tài nghiên cứu về vô sinh, hiếm muộn của BS Hoan, thì tỷ lệ vô sinh, hiếm muộn ở các cặp vợ chồng tuổi dưới 30 đang có xu hướng gia tăng. Do đó, BS Hoan đã đề xuất Ban giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai triển khai điều trị vô sinh, hiếm muộn tại Khoa Phụ sản của bệnh viện để chữa vô sinh, hiếm muộn cho người dân trong tỉnh.
Nhiều năm làm công tác khám và điều trị vô sinh, hiếm muộn, BS CKI Võ Tuyết Loan, Phó trưởng khoa Phụ sản (Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai) cho biết, tại bệnh viện mới chỉ thực hiện thành công phương pháp IUI (bơm tinh trùng vào tử cung) và tỷ lệ thành công cũng chỉ từ 10-15% (tùy từng trường hợp). Riêng kỹ thuật IVF (thụ tinh trong ống nghiệm), bệnh viện khó có thể triển khai vì đầu tư máy móc rất tốn kém, mỗi ca thụ tinh trong ống nghiệm chi phí quá cao (từ 80-120 triệu đồng) và cũng không phải không có thất bại.
12 năm đồng hành với nhiều cặp vợ chồng đến điều trị vô sinh, hiếm muộn, BS Loan chia sẻ, nhiều cặp vợ chồng vô sinh, hiếm muộn đến đây có những người nghèo, người giàu... Hoàn cảnh khác nhau, nhưng họ có chung nỗi khát khao một đứa con và nỗi khát khao ấy rất chính đáng. Niềm vui lớn nhất của BS Loan là khi điều trị những ca vô sinh thành công, nhìn vợ chồng bệnh nhân hạnh phúc, bác sĩ cũng vui lây. Nhiều cặp vợ chồng cứ đến sinh nhật con lại mang bé đến thăm và cảm ơn các bác sĩ đã mang con họ đến với thế giới này.
Tại Bệnh viện Phụ sản Âu Cơ, nhiều năm qua đã được nhiều người tìm đến để điều trị vô sinh, hiếm muộn. Hiện tại, bệnh viện đã thực hiện nhiều kỹ thuật điều trị vô sinh, hiếm muộn cho cả nam và nữ. Theo đó, bệnh viện đã thực hiện nhiều ca canh noãn theo chu kỳ tự nhiên, kích thích buồng trứng, bơm tinh trùng, chuyển phôi trữ, làm tinh dịch đồ và lọc rửa tinh trùng cho thụ tinh nhân tạo... với tỷ lệ thành công đến 30%.
Theo thống kê của Bệnh viện Phụ sản Âu Cơ, từ thực tế điều trị cho các cặp vợ chồng vô sinh, hiếm muộn tại bệnh viện cho thấy, tỷ lệ các nguyên nhân gây vô sinh, hiếm muộn trong các cặp vợ chồng chủ yếu là do tinh trùng yếu (chiếm hơn 50%), không có tinh trùng (chiếm hơn 17%), dị tật ở tai, vòi trứng (chiếm hơn 15%), buồng trứng đa nang (chiếm 2,7%), lạc nội mạc tử cung (chiếm 0,5%), không rõ nguyên nhân 1,1% và các nguyên nhân khác là 11,7%...
Theo khuyến cáo của BS CKI Trần Thanh Kỳ, Phó giám đốc chuyên môn Bệnh viện Phụ sản Âu Cơ, ngoài những khiếm khuyết tự thân trong cơ quan sinh sản, để tránh tình trạng bị vô sinh, hiếm muộn, các cặp vợ chồng nên sinh hoạt tình dục lành mạnh, an toàn. Nên khám sức khỏe và sức khỏe sinh sản trước khi kết hôn, kịp thời điều trị hoặc quyết định có nên kết hôn hay không, nhằm tránh phiền muộn, vất vả khi sau cưới phải điều trị vô sinh, hiếm muộn gây tốn kém, không hạnh phúc và có khi không đạt được mục đích của hôn nhân.
Thông tin từ Bộ Y tế, công tác điều trị vô sinh, hiếm muộn tại Việt Nam đã rất thành công với 2 phương pháp: IUI (bơm tinh trùng vào tử cung) và IVF (thụ tinh trong ống nghiệm) và tỷ lệ thành công đứng trong tốp 15 thế giới. |
Phương Liễu