Báo Đồng Nai điện tử
En

Ấm ấp mùa Vu lan

09:08, 31/08/2020

Mùa Vu lan tháng 7 (âm lịch) từ lâu đã được coi là dịp để nhắc nhớ mỗi người về tình cảm hiếu lễ, lòng biết ơn cha mẹ, tổ tiên, cội nguồn; là cơ hội để những lỗi lầm được sẻ chia, tình yêu thương được đong đầy.

Mùa Vu lan tháng 7 (âm lịch) từ lâu đã được coi là dịp để nhắc nhớ mỗi người về tình cảm hiếu lễ, lòng biết ơn cha mẹ, tổ tiên, cội nguồn; là cơ hội để những lỗi lầm được sẻ chia, tình yêu thương được đong đầy.

Ngày 28-7, Giáo hội Phật giáo TP.Biên Hòa ủng hộ Quỹ Vì người nghèo và Quỹ Cứu trợ thiên tai của Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.Biên Hòa. Ảnh: Giáo hội Phật giáo tỉnh Đồng Nai
Ngày 28-7, Giáo hội Phật giáo TP.Biên Hòa ủng hộ Quỹ Vì người nghèo và Quỹ Cứu trợ thiên tai của Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.Biên Hòa. Ảnh: Giáo hội Phật giáo tỉnh Đồng Nai

Theo Hòa thượng Thích Giác Quang, Phó trưởng ban trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh, giá trị đích thực của chữ “hiếu” ở lễ Vu lan không thể hiện ở mâm cao cỗ đầy hay lượng hàng mã đốt mà ở lòng biết ơn thành kính thật sự và bằng chính những hành động thiết thực của thế hệ con cháu đối với bậc sinh thành, dưỡng dục mình.

* Báo hiếu bằng những việc làm thiết thực

Không quen thể hiện tình cảm bằng những lời nói ngọt ngào, yêu thương trực tiếp, anh Mai Văn Nam (làm việc tại Công ty CP Taekwang Vina Industrial, Khu công nghiệp Biên Hòa 2) cụ thể hóa lòng biết ơn của mình với cha mẹ bằng những việc làm cụ thể và ý nghĩa. Ở công ty, anh luôn làm việc chăm chỉ, hiệu quả, là một lao động giỏi tiêu biểu, có mức thu nhập khá; ngoài công ty, anh còn tích cực tham gia các hoạt động từ thiện xã hội, san sẻ giúp ích cho cộng đồng.

Anh chia sẻ, động lực để anh làm được những việc ấy, đơn giản là vì đó là những điều khiến cha mẹ anh vui và tự hào. Mới đây, nhân dịp mùa Vu lan, anh Nam đã cùng các thành viên trong Nhóm từ thiện Hoa Mặt Trời tới thăm và tặng 60 phần quà với tổng trị giá gần 26 triệu đồng cho các cụ khó khăn bị khiếm thị ở H.Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Hòa thượng Thích Giác Quang, Phó trưởng ban trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh cho biết, lễ Vu lan năm nay diễn ra trong tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp ở nhiều địa phương. Do đó, Ban trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh đã chủ trương tổ chức lễ Vu lan báo hiếu trang nghiêm, đơn giản, tiết kiệm và đảm bảo thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.

Những ngày qua, tùy tình hình, điều kiện của các chùa, tự viện ở các địa phương trong tỉnh, lễ Vu lan đã bắt đầu được tổ chức từ ngày 8 đến 15-7 (âm lịch). Tại chùa Tỉnh hội, vào ngày 11-7 âm lịch đã diễn ra lễ Mãn hạ với tinh thần nghiêm trang, đơn giản, tiết kiệm, hạn chế tập trung đông người và đảm bảo thực hiện nghiêm các biện pháp phòng dịch bệnh Covid-19.

Theo anh Nam: “Vào những ngày này, sẽ có rất nhiều người ước muốn được đến chùa để tham dự lễ Vu lan báo hiếu và thắp một nén hương lòng cầu nguyện cho cha mẹ được an lành, hạnh phúc. Ngày lễ Vu lan năm nay trùng vào ngày nghỉ lễ Quốc Khánh 2-9, buổi sáng tôi sẽ cùng các bạn trong nhóm từ thiện đi lễ chùa, trưa về sẽ cùng cha mẹ ăn một bữa cơm ấm áp. Mỗi ngày sau đó, tôi sẽ tiếp tục làm tốt công việc của mình và từng bước gầy dựng tương lai, sống tốt. Và với tôi, những việc làm ấy chính là cách để báo hiếu với cha mẹ mình” - anh Nam xúc động nói.

Chị Vũ Thị Hương (ngụ tại P.Phước Tân, TP.Biên Hòa) hiện là chủ một cơ sở sản xuất chuyên sản xuất nhang trầm chia sẻ, năm nào cũng vậy, cứ đến mùa Vu lan, chị lại đến chùa thắp nén hương để cầu nguyện cho cha mẹ, gia đình được sống an lành, yên vui. Sau khi dự lễ xong về nhà, chị chuẩn bị mâm cơm cúng lễ gia tiên, sau đó cả nhà ăn uống vui vẻ bên nhau.

Theo chị Hương: “Lòng tri ân, báo hiếu theo tinh thần của lễ Vu lan không thể hiện ở mâm cao cỗ đầy, mà thể hiện ở cái tâm, bằng những hành động, việc làm thiết thực mỗi ngày của mình. Đó là cách sống và làm việc; là cách nuôi dạy con cái sao cho tốt”.   

Từ quan niệm ấy, chị Hương và các anh chị em trong gia đình luôn có cách sống và cống hiến khiến cha mẹ an vui. Từ chỗ là người đi làm thuê cho một cơ sở chuyên sản xuất nhang trầm, chị Hương cùng các anh chị của mình đã tích cực học hỏi, nghiên cứu, lao động hăng say, tích lũy kinh nghiệm rồi tự mở công ty chuyên sản xuất nhang trầm. Nhiều năm qua, công ty làm ăn ngày càng phát đạt, hàng hóa chủ yếu được xuất khẩu ra nước ngoài, giúp cả gia đình đều có công việc và thu nhập ổn định, khiến cha mẹ luôn hài lòng. Hơn thế nữa, khi có điều kiện kinh tế khá giả, chị Hương cùng các thành viên trong gia đình còn tích cực tham gia các hoạt động từ thiện, giúp đỡ những người xung quanh. “Cứ sống và làm việc thật tốt, chính là báo hiếu với cha mẹ” - chị Hương nói.

* Sẻ chia yêu thương

Hòa thượng Thích Giác Quang cho biết, kể từ khi Phật giáo truyền vào Việt Nam, ngày lễ Vu lan trở thành truyền thống của tinh thần báo hiếu. Ngày nay, lễ Vu lan không còn đơn thuần chỉ có ý nghĩa tôn giáo thiêng liêng mà đã trở thành lễ hội văn hóa, là cơ hội để những lỗi lầm được sẻ chia, để tình yêu thương được đong đầy và niềm tri ân được bày tỏ. Đây cũng là dịp để nhắc nhớ tâm tưởng mỗi người đong đầy thêm tình cảm hiếu lễ, lòng biết ơn hướng về cha mẹ, tổ tiên, cội nguồn. Và giá trị lớn nhất của lễ Vu lan là xây dựng được một thái độ sống, một nếp sống giải thoát tất cả các khổ đau hệ lụy; hướng tâm đến việc tạo dựng hạnh phúc và sống an lạc trong cuộc sống ở hiện tại.

Nhóm từ thiện Hoa Mặt Trời trao quà cho người già có hoàn cảnh khó khăn nhân dịp lễ Vu lan 2020
Nhóm từ thiện Hoa Mặt Trời trao quà cho người già có hoàn cảnh khó khăn nhân dịp lễ Vu lan 2020

Hòa thượng Thích Giác Quang chia sẻ thêm, một nét đẹp trong ngày Vu lan là nghi thức Bông hồng cài áo. Trong buổi lễ thiêng liêng ấy, dù già hay trẻ, trai hay gái đều thành kính và xúc động khi đón nhận một bông hoa hồng cài trang trọng lên ngực áo. Những người còn cha mẹ cài bông hồng đỏ như một lời nhắc nhở rằng mình vẫn còn cả cha và mẹ. Người không còn cha mẹ cài bông hoa trắng để tưởng nhớ đấng sinh thành.

Ni sư Kim Sơn, Trưởng ban Từ thiện - xã hội Giáo hội Phật giáo tỉnh, Trưởng ban Ni giới TP.Biên Hòa chia sẻ, mỗi mùa Vu lan lại có thêm những câu chuyện xúc động trong ngày lễ ý nghĩa này. Ni sư còn nhớ trường hợp về một gia đình có 3 cha con. Đến chùa vào dịp Vu lan, cả 3 cha con đều được cài hoa hồng trắng. Trong khi cài hoa lên áo, 3 cha con đều không kìm nén được sự xúc động, nhất là người con gái luôn khóc nức nở. “Ni sư có hỏi vì sao con khóc, cô bé trả lời, con nhớ mẹ con vô cùng. Con cảm thấy luyến tiếc, cảm thấy hối hận vì khi mẹ còn sống, con còn chưa làm được nhiều điều ý nghĩa để mẹ được vui. Vậy mà giờ mẹ đã đi xa rồi. Kể từ ngày hôm nay, con hứa sẽ sống thật tốt, làm việc thật chăm chỉ để mẹ ở nơi xa được an lòng” - Ni sư Kim Sơn nhớ lại.

Ni Sư Kim Sơn cho biết thêm, với ý nghĩa đặc biệt đó, mùa Vu lan là một trong những thời điểm được nhiều chùa, cơ sở tự viện, tổ chức, phật tử tích cực làm từ thiện nhiều nhất trong năm. Từ đây, đã có hàng ngàn phần quà tặng ý nghĩa đến với người cần giúp đỡ trong mùa Vu lan như: sách vở, xe đạp cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn; quà cho người già, trẻ mồ côi...

Vào 20 giờ ngày 1-9 (tức ngày 14-7 âm lịch), Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam sẽ tổ chức chương trình Vu lan trực tuyến trên Truyền hình An Viên và các kênh truyền thông khác của giáo hội.Chương trình diễn ra ở 3 điểm cầu: chùa Bái Đính (tỉnh Ninh Bình), chùa Giác Ngộ (TP.HCM) và nghĩa trang A1 (tỉnh Điện Biên). Chương trình gồm tổng hợp các nghi thức Phật giáo, ca múa nhạc nghệ thuật thể hiện tinh thần tri ân, báo ân của những người con Phật và truyền thống uống nước nhớ nguồn của dân tộc Việt Nam.

Thảo Lâm

Tin xem nhiều