Báo Đồng Nai điện tử
En

Đón Tết thời công nghệ

10:01, 19/01/2020

Công nghệ - đặc biệt là công nghệ số  đã tác động rất lớn đến cách người ta đón Tết. Nhiều người cảm thấy luyến tiếc hương vị Tết cổ truyền đã mất đi khi bước vào kỷ nguyên 4.0. "Tết 4.0" có gì khác với Tết xưa?

Công nghệ - đặc biệt là công nghệ số  đã tác động rất lớn đến cách người ta đón Tết. Nhiều người cảm thấy luyến tiếc hương vị Tết cổ truyền đã mất đi khi bước vào kỷ nguyên 4.0. “Tết 4.0” có gì khác với Tết xưa?

Trên mạng, bạn có thể tìm thấy rất nhiều công cụ tạo thiệp chúc Tết
Trên mạng, bạn có thể tìm thấy rất nhiều công cụ tạo thiệp chúc Tết

* Mừng ngày Tết ta chúc cho nhau...

Ngày xưa, muốn chúc Tết nhau người ta đến tận nhà, trao nhau câu chúc ân cần. Cùng với đó là những cánh thiệp đầu Xuân, chọn mua thiệp phù hợp với từng đối tượng được gửi hoặc chân tình hơn là tỉ mỉ tự tạo nên tấm thiệp Xuân.

Khi công nghệ phát triển, các công ty công nghệ soạn sẵn các mẫu hình ảnh và câu chúc, các video clip để người dùng gửi đi. Có vô số công cụ để gửi đi, nhanh chóng và miễn phí như: Messenger, Zalo, Viber... Có nơi còn phát triển các ứng dụng có thể gửi đồng loạt đến rất nhiều người nhận cùng một lúc. Người dùng không còn phải bận tâm suy nghĩ xem mình phải chúc như thế nào, phải gửi đến ai nữa mà chỉ việc chọn mẫu, có những ứng dụng còn tự động chọn sẵn mẫu, người dùng chỉ việc... bấm nút thôi!

Những tấm thiệp rất đẹp với những câu chúc văn hoa bay bướm đáng lẽ làm người nhận cảm thấy xúc động thì lại chỉ khiến họ dửng dưng, chẳng buồn nhìn tới vì chúng được sản xuất hàng loạt và rập khuôn. Mỗi tấm thiệp, câu chúc không hề mang nét riêng gì của người gửi và vì thế hầu như chẳng có chút tình cảm gì trong đó. Theo thông lệ, khi nhận lời chúc thì người nhận phải trả lời đáp lễ. Thế nhưng vì số lời chúc vô cảm như thế này quá nhiều nên khó mà trả lời chu đáo được. Thế là họ đành phải làm cái việc tương tự như người gửi, nghĩa là lôi trong danh bạ, trong danh sách bạn bè ra những cái tên để gửi lời chúc hàng loạt. Kết quả là ta có vô số lời chúc vô cảm gửi cho nhau, chẳng ai buồn đọc cả!

Vẫn có những lời chúc chân tình, thực tâm, nhưng chúng bị lọt thỏm giữa vô số lời chúc “robot”.

* Trẻ thơ nô đùa, Tết đến lì xì vui ghê

Phong tục lì xì ngày Tết đang dần phai nhạt khi ngày nay người ta bắt đầu chuyển sang lì xì online.

Cách lì xì thông dụng nhất là nạp thẻ điện thoại cho người khác. Đây là một cách lì xì dễ dàng, chỉ cần người bạn muốn lì xì có sử dụng điện thoại thì bạn có thể lì xì với mệnh giá thẻ nạp tùy ý, không nhất thiết họ phải có tài khoản ngân hàng. Đơn giản hơn, ta có thể mua thẻ cào và tự mình lì xì vào tài khoản di động của người khác. Đơn giản hơn nữa là... cứ ra đại lý thẻ cào nhờ người ta nạp dùm.

Hiện đại hơn, bạn có thể tận dụng loại hình tiền điện tử để lì xì mà ở đó các ứng dụng ví điện tử phổ biến như: Momo, Appota, ZaloPay... đang cạnh tranh nhau thu hút người dùng sử dụng ứng dụng lì xì của mình với nhiều hình thức thể hiện.

Những “công nghệ lì xì” này là điều mà thế hệ cha ông chúng ta không thể tưởng tượng ra được, nó giúp người dùng có thể lì xì đến nhiều người, ở nhiều nơi khác nhau mà không cần đến tận nơi, trao tận tay. Tuy nhiên có chút gì đó khiến ta phải suy nghĩ, luyến tiếc... Bởi nếu như vậy sẽ không có cảnh ông bà cha mẹ ân cần trao con cháu phong bao lì xì đỏ; sẽ không có cảnh em bé mắt xoe tròn hạnh phúc nhận tiền lì xì, khoanh tay cảm ơn và chúc cha mẹ ông bà sống lâu trăm tuổi.

* Người lo đi mua sắm Tết

Tết đến là dịp đi mua sắm, đó là công việc nhưng cũng là thú vui. Thú vui được ngắm phố chợ đông đúc, được “mừng ngày Tết phố xá đông vui”. Nhưng với sự phát triển của thương mại điện tử, càng ngày người ta càng ưa thích shopping online. Ngày Tết, các trang thương mại điện tử càng khuyến mãi rầm rộ. Chỉ cần ngồi nhà, lên mạng truy cập Shopee, Sendo, Lazada... là tha hồ chọn lựa các mặt hàng phong phú ngày Tết và được giao hàng tận nhà mà khỏi cần đi đâu.

* Bày mực Tàu giấy đỏ, bên phố đông người qua

Nếu bạn biết sử dụng những phần mềm đồ họa như: Photoshop, Corel Draw... bạn có thể dễ dàng tạo nên những bức thư pháp khá đẹp và in ra. Nhưng nếu bạn không biết sử dụng bất cứ phần mềm đồ họa nào, mà chỉ biết sử dụng... Word thôi, thì bạn cũng vẫn có thể tạo nên những bức thư pháp... coi được. Ấy là vì hiện giờ người ta đã soạn ra khá nhiều font thư pháp, bạn chỉ việc cài đặt vào máy tính, sau đó gõ văn bản và set font thôi. Việc cài đặt font thư pháp cũng rất đơn giản, chỉ việc chép các file font đó vào folder Windows.

* Đón Xuân này tôi nhớ Xuân xưa

Tết, cũng như cuộc sống, mỗi thời mỗi khác. Khi công nghệ phát triển, nó giúp chúng ta làm việc, hoạt động nhanh chóng hơn, hiệu quả hơn và công nghệ cũng ngày càng lấn sâu hơn vào mọi lĩnh vực đời sống, kể cả lĩnh vực mang nhiều yếu tố tình cảm như chúc Tết hay lì xì đầu năm. Đó là quy luật tất yếu, cái mới sẽ dần thay thế những cái xưa cũ. Chúng ta không thể viện lẽ hoài cổ để đòi hỏi phải duy trì những tập quán cổ truyền y hệt như ngày xưa, vì mỗi thời mỗi khác. Tuy nhiên, như ông bà ta đã nói “Của cho không bằng cách cho”, việc ứng dụng công nghệ phải theo cách thức nào đó để việc gửi những lời chúc mừng năm mới, những món quà lì xì cho nhau phải mang theo được tấm lòng của người gửi. Chúc mừng năm mới, trao tiền lì xì là những hành động của những con người dạt dào tình cảm với nhau chứ không nên là hoạt động khô khan của những cỗ máy.

Sẽ còn nhiều điều khác nữa dần thay đổi khi công nghệ phát triển và ta phải thích ứng thay vì chỉ hoài niệm. Vấn đề là công nghệ phải làm sao hài hòa giữa cái mới và cái cũ, công nghệ làm cho những cái hay của tập quán cũ được tiện lợi hơn, có ý nghĩa hơn chứ không phải xóa bỏ nó.

Phạm Hoài Nhân

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích