Từ một lần được tham dự buổi tư vấn pháp luật do Trung tâm tư vấn pháp luật Công đoàn (thuộc Liên đoàn Lao động tỉnh) tổ chức, anh Trần Nam Trung (38 tuổi, phường Trảng Dài, TP.Biên Hòa) trở nên "mê" tìm hiểu về pháp luật lao động.
Từ một lần được tham dự buổi tư vấn pháp luật do Trung tâm tư vấn pháp luật Công đoàn (thuộc Liên đoàn Lao động tỉnh) tổ chức, anh Trần Nam Trung (38 tuổi, phường Trảng Dài, TP.Biên Hòa) trở nên “mê” tìm hiểu về pháp luật lao động. Từ đó, anh tình nguyện đăng ký tham gia vào lực lượng công nhân nòng cốt và hoạt động tích cực cho đến nay đã được 10 năm. Hiện anh là Trưởng nhóm công nhân nòng cốt TP.Biên Hòa.
Anh Trần Nam Trung (trái) tại chương trình giao lưu, chia sẻ về mô hình công nhân nòng cốt ở TP.Hà Nội. Ảnh:N.An |
Nhờ tham gia Nhóm công nhân nòng cốt TP.Biên Hòa, anh Trung có điều kiện trang bị cho mình những kiến thức pháp luật về lao động để có thể tự bảo vệ quyền lợi cho bản thân cũng như giúp đỡ cho nhiều công nhân lao động khác. Đồng thời, anh có điều kiện giao lưu và nắm bắt được cơ hội việc làm để chọn cho mình một tương lai tốt. Hiện anh là Chủ tịch Công đoàn cơ sở của một công ty chuyên về sản xuất may mặc đóng trên địa bàn phường Trảng Dài (TP.Biên Hòa) với mức thu nhập ổn định.
* Trưởng thành từ công nhân nòng cốt
Anh Trung cho biết, việc anh đến với mô hình công nhân nòng cốt diễn ra một cách tự nhiên. Năm 2002, sau khi tốt nghiệp ngành kinh tế của Trường đại học Vinh, anh đi tìm việc một số nơi ở ngoài quê Nghệ An nhưng không được. Do đó, anh quyết định vào Đồng Nai để lập nghiệp.
Thời gian đầu, anh Trung gặp nhiều khó khăn vì công việc chưa ổn định. Anh vào làm việc cho một số công ty may mặc ở huyện Trảng Bom và TP.Biên Hòa nhưng chỉ được một thời gian ngắn rồi nghỉ vì mức lương quá thấp, không đảm bảo cuộc sống hoặc không phù hợp với ngành nghề mình học. Hơn nữa, lúc ấy do chưa hiểu biết đầy đủ về kiến thức pháp luật lao động nên anh thường bị công ty chèn ép. Cụ thể, trong hợp đồng giao kết có ghi rõ anh Trung được nhận vào làm thủ kho, nhưng công ty lại bắt anh làm công việc bốc hàng lên xe container; thậm chí có ngày công ty bắt anh làm tăng ca đến 21-22 giờ.
Mô hình công nhân nòng cốt được đánh giá cao Ngoài tuyên truyền pháp luật tại Đồng Nai, Nhóm công nhân nòng cốt TP.Biên Hòa còn đưa các tiểu phẩm đi lưu diễn, giao lưu tại các tỉnh, thành có đông công nhân lao động như: TP.Hồ Chí Minh, Bình Dương, Hà Nội, Hòa Bình, Vĩnh Phúc, Hải Dương... (chương trình do Báo Lao Động tổ chức). Qua các chuyến lưu diễn, nhiều nhóm công nhân nòng cốt ở các tỉnh bạn đã đánh giá rất cao mô hình Nhóm công nhân nòng cốt TP.Biên Hòa. Một số nhóm đã đến Đồng Nai giao lưu, học hỏi để về áp dụng tại địa phương. |
Có lần, anh Trung cùng một số công nhân xin về nhà sớm một bữa vì đuối sức sau nhiều ngày tăng ca liên tục. Tuy nhiên, công ty không đồng ý vẫn bắt nhóm anh vào kho bốc hàng cho đến khi đầy xe container vải mới được ra về. Còn ai muốn về thì hôm sau không được đến công ty làm việc nữa. Sợ bị mất việc làm không có tiền trang trải cuộc sống, anh Trung đành chấp hành theo sự chỉ đạo của công ty. “Hôm đó, tôi làm đến hơn 19 giờ mới xong việc, trong người vừa mệt, vừa ấm ức chuyện công ty nhưng không biết làm gì hơn” - anh Trung nhớ lại.
Một lần, anh Trung về dãy phòng trọ thì gặp người bên Liên đoàn Lao động tỉnh phát loa tuyên truyền pháp luật miễn phí cho công nhân. Thấy đông người tham gia nên anh cũng xem chương trình. “Tôi thấy nội dung chương trình quá ý nghĩa vì giúp cho mình mở mang kiến thức liên quan đến quyền lợi của người lao động mà trước đây không biết hỏi ai. Tôi xung phong hỏi rất nhiều câu hỏi và đều được trả lời thỏa đáng. Khi chương trình kết thúc, một người bên đoàn đến gặp riêng tôi và đề nghị mời tham gia vào Nhóm công nhân nòng cốt. Tôi đã đồng ý ngay” - anh Trung chia sẻ.
Vào Nhóm công nhân nòng cốt TP.Biên Hòa, anh Trung cùng các thành viên được tham gia các buổi tập huấn về pháp luật lao động, trang bị kỹ năng tổ chức trò chơi, kỹ năng nói chuyện trước đám đông, tham gia dự thính các buổi tư vấn pháp luật để học tập kinh nghiệm… Sau khoảng 2 tháng học tập, Nhóm công nhân nòng cốt của anh Trung bắt đầu chia ra để tổ chức các buổi tư vấn pháp luật lưu động tại các khu nhà trọ có đông công nhân.
Khi đã tự tin nói chuyện trước đám đông, anh Trung cùng Nhóm công nhân nòng cốt ngồi lại với nhau bàn nghĩ cách tuyên truyền phổ biến pháp luật sao cho thật hay để công nhân khỏi bị nhàm chán. Từ đề xuất của các thành viên, anh Trung bắt đầu xây dựng các tình huống pháp luật từ những câu chuyện thực tế; đồng thời lồng ghép các trò chơi để mời công nhân tham gia, ai trả lời đúng sẽ được nhận quà. Nhờ vậy, công nhân hăng hái tham gia rất đông và tạo không khí buổi tuyên truyền pháp luật vui vẻ, cuốn hút người xem.
* Tận tình giúp đỡ công nhân lao động
Nhóm công nhân nòng cốt TP.Biên Hòa còn xây dựng các tiểu phẩm, sau đó tập luyện và đem đi lưu diễn hằng đêm tại các khu nhà trọ cho công nhân xem. Cho đến nay, anh Trung đã xây dựng được trên 10 tiểu phẩm, nội dung tập trung một số tình huống thường xảy ra trong đời thường như: việc tăng ca vượt quá thời gian quy định; người chồng xin công ty về nhà để đưa vợ đi sinh thì bị mất việc; công nhân bị tai nạn lao động mà công ty không trả tiền viện phí; người lao động trên đường đi đến công ty làm việc nhưng chẳng may bị tai nạn trên đường thì có được xem là tai nạn lao động không... Sau mỗi tiểu phẩm diễn xong, nhóm đều đặt những câu hỏi để công nhân trả lời và có quà kèm theo nếu trả lời đúng.
Anh Trần Nam Trung (thứ 3 từ trái sang phải) chụp hình lưu niệm chung với đại biểu tham dự Ngày hội tư vấn, giải đáp pháp luật cho công nhân lao động ở TP.Biên Hòa. |
Ngoài ra, nhóm còn làm những tiểu phẩm hài với cách đối thoại dí dỏm, hài hước... nhằm tránh được sự nhàm chán, giúp công nhân dễ hiểu, dễ nhớ những kiến thức pháp luật.
Không chỉ tham gia tại các buổi tuyên truyền pháp luật cho công nhân khu nhà trọ, thời gian qua, anh Trung còn tư vấn pháp luật miễn phí và tình nguyện nhận ủy quyền của người lao động tham gia tranh luận tại tòa để chỉ ra những việc làm sai trái của doanh nghiệp. Đến nay, anh đã giúp được khoảng hơn 10 người lao động đòi được quyền lợi với số tiền hàng trăm triệu đồng.
Điển hình là trường hợp của chị N.T.V. (ngụ huyện Long Thành). Chị V. được một công ty chuyên sản xuất da giày xuất khẩu nhận vào làm việc với thời hạn hợp đồng lao động 1 năm. Khi hợp đồng hết hạn nhưng công ty không thông báo là trường hợp của chị có tiếp tục làm việc hay cho nghỉ. Trong những ngày đó, chị vẫn đến công ty làm việc bình thường. Tuy nhiên, khi chị V. làm việc một thời gian thì công ty mới ký với chị một hợp đồng khác, nhưng sau đó công ty lấy lại rồi ra quyết định cho chị nghỉ việc với lý do người lao động tự làm đơn xin nghỉ việc...
Không chấp nhận việc làm sai trái của công ty, anh Trung sẵn sàng nhận ủy quyền của chị V. khởi kiện công ty ra tòa và đã giúp chị đòi được số tiền hơn 60 triệu đồng.
“Khi chị V. nhận được tiền bồi thường tôi rất vui vì mình đã làm một việc ý nghĩa giúp cho người lao động và cũng chính điều đó đã khiến tôi quyết định gắn bó với mô hình công nhân nòng cốt đến bây giờ” - anh Trung tâm sự.
Luật sư Vũ Ngọc Hà, Giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật Công đoàn tỉnh nhận xét: “Anh Trung là một trong những người tích cực tham gia mô hình Nhóm công nhân nòng cốt TP.Biên Hòa ngay từ những ngày đầu khi mới đưa vào hoạt động. Anh Trung là người có trình độ, nhanh nhẹn, thông minh và xử lý tình huống trong công việc rất tốt. Do vậy, chúng tôi rất yên tâm khi giao cho anh Trung phụ trách Trưởng nhóm công nhân nòng cốt TP.Biên Hòa, cùng với sự hỗ trợ tận tình của Công đoàn các cấp đã giúp cho hoạt động của nhóm ngày càng sôi nổi, hiệu quả”.
Nhân An