Dù chưa có kết luận chính thức các tai biến ở Đà Nẵng do thuốc tê Bupivacain WPW Spinal 0,5 Heavy gây ra, nhưng để đảm bảo an toàn cho người bệnh, Sở Y tế đã yêu cầu tạm ngưng sử dụng loại thuốc tê này
TS-BS.Phan Huy Anh Vũ, Giám đốc Sở Y tế cho hay, dù chưa có kết luận chính thức các tai biến ở Đà Nẵng do thuốc tê Bupivacain WPW Spinal 0,5 Heavy (Ba Lan sản xuất) gây ra, nhưng để đảm bảo an toàn cho người bệnh, Sở Y tế đã yêu cầu các cơ sở y tế trong và ngoài công lập trên địa bàn tỉnh tạm ngưng sử dụng loại thuốc tê này.
Bác sĩ chích thuốc tê cho bệnh nhân trước ca mổ tại khu B Bệnh viện đa khoa Đồng Nai. Ảnh: B.Nhàn |
Theo Bộ Y tế, 3 vụ tai biến làm 2 sản phụ tử vong và 1 người nguy kịch tại Đà Nẵng đều xảy ra sau khi gây tê tủy sống giảm đau sau mổ lấy thai.
* Nỗi lo ngộ độc thuốc tê
Trước thông tin này, nhiều người tỏ ra lo lắng khi mình sắp đối mặt với những ca mổ tương tự. Chị N.T.N. (ngụ phường Tân Phong, TP.Biên Hòa) chia sẻ, chỉ còn 5 tuần nữa chị sẽ sinh con thứ hai bằng phương pháp sinh mổ. Trong lần sinh trước, chị được bác sĩ gây tê tủy sống và mổ bắt con. “Lần sinh này, tôi cũng chọn phương pháp tương tự để sinh con, nhưng những thông tin gần đây về các tai biến có thể liên quan đến thuốc tê làm tôi rất lo lắng” - chị N. nói.
Việc sử dụng thuốc tê hiện nay mang tính bắt buộc và rất phổ biến trong các loại phẫu thuật để giảm đau đớn cho bệnh nhân. Tình trạng ngộ độc thuốc tê không phải hiếm gặp. Cách đây 4 tháng, một sản phụ nhập viện sinh mổ tại khu B Bệnh viện đa khoa Đồng Nai đã đối mặt với tình trạng ngộ độc thuốc tê do cơ địa. 30 giây sau khi vừa chích thuốc tê, sản phụ lên cơn co giật và ngưng tim. “Ngay lập tức chúng tôi đã cấp cứu, truyền Lipid 20% và một số thuốc khác cho sản phụ. Chỉ vài phút sau, sản phụ đã tỉnh táo, mạch và huyết áp về chỉ số bình thường và các bác sĩ tiếp tục ca mổ lấy thai. Trước ca mổ, sản phụ cho biết đã từng bị khó thở sau khi chích thuốc tê trong lần mổ bắt con trước đây tại Bệnh viện Từ Dũ (TP.Hồ Chí Minh). Dựa vào thông tin đó, chúng tôi rất cẩn trọng khi chích thuốc tê cho sản phụ” - bác sĩ CKI Nguyễn Văn Tuấn, Phó trưởng khoa Gây mê - hồi sức, khu B Bệnh viện đa khoa Đồng Nai kể.
ThS-BS.Lê Quang Sơn, Trưởng khoa Phẫu thuật - gây mê - hồi sức Bệnh viện đa khoa Thống Nhất chia sẻ, gây tê là phương pháp vô cảm giúp bệnh nhân không cảm thấy đau đớn khi mổ. Thuốc tê cũng như các loại thuốc khác, khi đưa vào cơ thể đều có khả năng gây ngộ độc hoặc dị ứng. Tuy nhiên, các phản ứng phụ của thuốc tê càng ngày càng ít hơn. Thực tế hành nghề 22 năm trong lĩnh vực gây tê/gây mê, bác sĩ Sơn đã gặp phải một số trường hợp bị ngộ độc, dị ứng thuốc tê dẫn đến ngưng tim, ngưng thở. “Nhưng may mắn, bệnh nhân đều được hồi sức cấp cứu, vượt qua tình trạng nặng để tiếp tục ca phẫu thuật” - bác sĩ Sơn cho biết.
* Bệnh nhân không nên quá lo lắng
Theo các bác sĩ, các trường hợp ngộ độc hay dị ứng dẫn đến sốc phản vệ thuốc tê đều có “cách giải”, phụ thuộc vào từng mức độ của bệnh nhân. Trong trường hợp bệnh nhân có phản ứng lạ với thuốc tê ngay khi đang tiêm, bác sĩ sẽ ngưng thuốc tê và cho bệnh nhân thở oxy. Nặng hơn, toàn thân của bệnh nhân sẽ rơi vào tình trạng ngưng thở, ngưng tim, bác sĩ sẽ phải can thiệp đúng phác đồ xử lý ngộ độc thuốc tê (truyền Lipid và thuốc hạ huyết áp) để cứu bệnh nhân.
Tất cả các bác sĩ chuyên về gây mê/gây tê đều được đào tạo xử lý các ca ngộ độc, dị ứng thuốc tê. Trước thông tin về các tai biến gần đây, nghi ngờ có liên quan đến thuốc tê, bác sĩ Sơn cho rằng, bệnh nhân không nên quá lo lắng. Nhưng để ca mổ suôn sẻ, người bệnh cần phải báo cho bác sĩ về: các loại thuốc đang sử dụng, dị ứng với loại thuốc nào (nếu có)… để bác sĩ có phương án tốt nhất trong lựa chọn thuốc gây tê. “Không phải bệnh nhân nào cũng bị dị ứng hay ngộ độc thuốc tê. Nhưng bác sĩ cần theo dõi sát bệnh nhân và nhanh chóng xử lý theo đúng phác đồ Bộ Y tế đưa ra khi tình trạng ngộ độc hay dị ứng xảy ra trên bệnh nhân” - bác sĩ Sơn nhấn mạnh.
Bác sĩ Nguyễn Văn Tuấn cho biết thêm, trong thực tế, ngộ độc thuốc tê không xảy ra thường xuyên, có dấu hiệu “báo trước” ở hệ thần kinh và tim mạch. Trên hệ thần kinh, bệnh nhân sẽ xuất hiện cảm giác: miệng đắng, tê môi, ù tai, đờ đẫn, lú lẫn, nặng hơn là rơi vào hôn mê, co giật. Trên hệ tim mạch, bệnh nhân sẽ đối mặt với tình trạng: rối loạn nhịp tim, trụy mạch. Nhưng trước khi chích thuốc tê, bác sĩ sẽ căn cứ vào loại phẫu thuật, cơ địa của bệnh nhân (người già, trẻ em, phụ nữ hoặc đàn ông…) để ước lượng thời gian của ca mổ, từ đó sẽ chích thuốc tê đủ liều lượng cho mỗi bệnh nhân, mỗi loại phẫu thuật.
Không chỉ riêng thuốc tê, tất cả các loại thuốc đều có tỷ lệ tai biến nhất định. Theo tỷ lệ chung của thế giới, cứ 10 ngàn ca thực hiện gây tê, sẽ có 3-6 ca bị ngộ độc thuốc tê. “Bác sĩ cần chủ động dự phòng các tình huống xấu có thể xảy ra đối với bệnh nhân bằng cách: chọn thuốc phù hợp với từng cơ địa bệnh nhân, chích chậm và theo dõi sát từ trước, trong và sau mổ… Khi xảy ra tai biến, bác sĩ cũng phải nhanh chóng xử trí theo đúng phác đồ để cứu bệnh nhân” - bác sĩ Tuấn nói.
Thuốc tê Bupivacain WPW Spinal 0,5 Heavy (Ba Lan sản xuất) nằm trong danh mục thuốc trúng thầu và sử dụng tại nhiều cơ sở y tế phía Nam. Tại các bệnh viện trên địa bàn Đồng Nai, loại thuốc này đã trúng thầu năm 2018 và thường xuyên được sử dụng gây tê cho bệnh nhân trong các loại phẫu thuật. Trước thông tin về 3 ca tai biến ở Đà Nẵng, đến nay các bệnh viện đã tạm ngưng sử dụng loại thuốc tê này và sử dụng 4 loại thuốc gây tê khác trong danh mục thuốc trúng thầu để thay thế. |
Bích Nhàn