Báo Đồng Nai điện tử
En

Ngôi nhà hạnh phúc...

10:11, 25/11/2019

Qua hơn 2 năm triển khai, mô hình Nơi thăm gặp hạnh phúc (hay còn gọi là Ngôi nhà hạnh phúc) tại Cơ sở điều trị nghiện ma túy tỉnh được đánh giá là một mô hình mang tính nhân văn cao vì tạo điều kiện cho học viên cai nghiện có không gian riêng tư để tâm sự cùng vợ. Qua đó giúp họ yên tâm với gia đình và tiếp tục nỗ lực trong cai nghiện, làm lại cuộc đời.

Qua hơn 2 năm triển khai, mô hình Nơi thăm gặp hạnh phúc (hay còn gọi là Ngôi nhà hạnh phúc) tại Cơ sở điều trị nghiện ma túy tỉnh được đánh giá là một mô hình mang tính nhân văn cao vì tạo điều kiện cho học viên cai nghiện có không gian riêng tư để tâm sự cùng vợ. Qua đó giúp họ yên tâm với gia đình và tiếp tục nỗ lực trong cai nghiện, làm lại cuộc đời.

Cán bộ Cơ sở điều trị nghiện ma túy tỉnh đến thăm hỏi, động viên các học viên được nhận “phần thưởng” Ngôi nhà hạnh phúc. Ảnh: N.An
Cán bộ Cơ sở điều trị nghiện ma túy tỉnh đến thăm hỏi, động viên các học viên được nhận “phần thưởng” Ngôi nhà hạnh phúc. Ảnh: N.An

Chia sẻ về ý tưởng triển khai Ngôi nhà hạnh phúc, ông Hồ Trí Lịch, Giám đốc Cơ sở điều trị nghiện ma túy tỉnh (đóng tại xã Xuân Phú, huyện Xuân Lộc) cho biết, năm 2016, trong những lần gặp gỡ và trò chuyện với các học viên ông đã nghe họ tâm sự rằng: “Tụi em đi cai nghiện ở nơi xa nên không biết chắc vợ con ở nhà có còn quan tâm, yêu thương mình nữa hay không. Trong khi, tụi em vào đây thiếu thốn tình cảm gia đình”.

* Mô hình mang ý nghĩa nhân văn

Ông Hồ Trí Lịch chia sẻ, xét thấy việc tổ chức thăm gặp là một trong những yếu tố mang tính nhân văn cao, vì thông qua thăm gặp sẽ giúp cho học viên nắm được thông tin gia đình để không còn lo lắng, đồng thời tạo điều kiện cho vợ chồng có không gian riêng tư tâm sự. Người vợ có dịp động viên chồng có những suy nghĩ, việc làm tích cực trong quá trình cai nghiện để sớm trở về với cuộc sống đời thường. Vì vậy, sau khi được tỉnh cho đầu tư sửa chữa lại cơ sở thì đơn vị dành ra 2 phòng để cải tạo thành Ngôi nhà hạnh phúc và đưa vào sử dụng từ cuối năm 2017 đến nay.

Tuy nhiên, không phải ai cũng vinh hạnh được “phần thưởng” đặc biệt này mà phải có thành tích trong học tập, rèn luyện tốt và được Ban giám đốc cơ sở xét chọn kỹ lưỡng theo quy chế đã đề ra.

Theo đó, đơn vị đã ban hành quy chế khen thưởng và kỷ luật, trong đó quy định cụ thể nhiều chế độ khen thưởng từ thấp lên cao như: thăm gặp hằng tuần, gọi điện thoại cho người thân, giảm hoặc miễn thời gian chấp hành cai nghiện... Riêng Ngôi nhà hạnh phúc chỉ dành cho học viên cai nghiện liên tục trong 6 tháng đạt loại tốt mới được xem xét để cho gặp vợ lần thứ nhất; bắt đầu từ tháng thứ 7 trở đi tiếp tục xếp loại tốt thì mỗi tháng được thăm gặp vợ 1 lần. Tuy nhiên, nếu học viên nào vi phạm thì bị xử phạt nghiêm.

Bên cạnh đó, Ngôi nhà hạnh phúc chỉ dành cho học viên có vợ (có giấy đăng ký kết hôn). “Phần thưởng” này chỉ mới áp dụng cho nam học viên gặp vợ chứ chưa giải quyết cho nữ học viên gặp chồng. Bởi học viên nữ liên quan đến vấn đề tránh thai. Trong khi theo quy định, nếu nữ học viên có thai thì phải cho về.

* “Phần thưởng” dành cho người xứng đáng

Từ năm 2017 đến nay, đơn vị đã giải quyết cho trên 800 lượt học viên được gặp gỡ vợ tại Ngôi nhà hạnh phúc, mỗi trường hợp được thăm gặp trong 1 buổi. “Qua những lần thăm gặp đã giúp học viên yên tâm hơn và họ tích cực chấp hành tốt quy chế cố gắng cai nghiện, đoạn tuyệt với ma túy. Điều đó cho thấy mô hình đã đem lại hiệu quả tích cực” - ông Hồ Trí Lịch cho biết.

Anh N.V.N. (27 tuổi, ngụ tỉnh Bình Dương) tâm sự, mô hình Ngôi nhà hạnh phúc rất có ý nghĩa đối với các học viên đã có vợ như anh; là dịp hiếm hoi được gặp gỡ vợ, nghe chia sẻ mọi chuyện trong gia đình những ngày anh đi cai nghiện. Có như vậy anh mới yên tâm điều trị, quyết tâm đoạn tuyệt với ma túy.

“Thời gian ở đây, tôi rất thiếu thốn tình cảm gia đình, nhất là nhớ vợ con. Để sớm nhận được “phần thưởng” Ngôi nhà hạnh phúc, tôi đã nỗ lực từng ngày. Bản thân tôi luôn chấp hành, tuân thủ phác đồ điều trị của cơ sở; siêng năng lao động, tích cực tham gia các hoạt động thể dục, thể thao. Đặc biệt, tôi luôn chú ý rèn luyện cách ứng xử, giao tiếp, tránh xảy ra mâu thuẫn, xung đột với các học viên khác thì mới được xét thưởng Ngôi nhà hạnh phúc” - anh N. vui vẻ cho biết.

Nhờ chấp hành tốt nội quy của cơ sở cai nghiện, nhiều tháng liền anh N.V.T. (30 tuổi, ngụ huyện Trảng Bom) được xét thưởng cho gặp vợ tại Ngôi nhà hạnh phúc. “Tôi thấy mô hình rất ý nghĩa vì tạo điều kiện cho vợ chồng gặp nhau, tâm sự, chia sẻ vui buồn và cùng động viên nhau vượt qua khó khăn, thử thách. Qua đó cũng giúp cho tôi giải tỏa được sự lo lắng, tinh thần trở nên phấn khởi hơn để yên tâm điều trị ma túy cho tốt và sớm trở về với gia đình, cộng đồng” - anh T. tâm sự.

Bên cạnh những mặt đạt được, mô hình Ngôi nhà hạnh phúc còn gặp những hạn chế, như: số lượng phòng còn ít, cơ sở vật chất chưa đầy đủ... Ông Hồ Trí Lịch cho biết thêm, sắp tới, khi chuyển về cơ sở mới ở xã Suối Cao (huyện Xuân Lộc) thì mô hình Ngôi nhà hạnh phúc sẽ có khoảng 10 phòng. Tại đây còn có không gian để con cái, người thân cùng lên thăm chứ không riêng gì vợ như hiện nay. Ngoài ra, các gia đình học viên còn được nấu bữa cơm đầm ấm, hạnh phúc.

Việc thực hiện mô hình Ngôi nhà hạnh phúc là một trong những chương trình của quy trình cai nghiện được quy định tại Điều 28 Nghị định 221/2013/NĐ-CP, ngày 30-12-2013 của Chính phủ quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Cụ thể, học viên có vợ hoặc chồng, được Giám đốc cơ sở cai nghiện bắt buộc xem xét, cho phép thăm gặp tại phòng riêng của cơ sở cai nghiện bắt buộc một lần trong tháng và tối đa không quá 48 giờ cho một lần gặp. Căn cứ quy mô và điều kiện, cơ sở cai nghiện xây dựng phòng để học viên thăm gặp gia đình.

Nhân An

Tin xem nhiều