Việt Nam là nước có lượng rác thải nhựa thải ra đại dương nhiều thứ 4 trên thế giới (sau Trung Quốc, Indonesia và Philippines). Mỗi năm, nước ta xả ra đại dương 0,28-0,73 triệu tấn rác thải nhựa.
Việt Nam là nước có lượng rác thải nhựa thải ra đại dương nhiều thứ 4 trên thế giới (sau Trung Quốc, Indonesia và Philippines). Mỗi năm, nước ta xả ra đại dương 0,28-0,73 triệu tấn rác thải nhựa.
TS.Emilie Strady, chuyên gia nghiên cứu của Viện Nghiên cứu vì sự phát triển Cộng hòa Pháp (ngồi giữa) đang chia sẻ về các tình trạng ô nhiễm rác thải nhựa trên sông Sài Gòn. Ảnh: H. Yến |
Trong quá trình phân hủy, rác thải nhựa tạo ra những hạt vi nhựa (có kích thước dưới 5mm). Những hạt vi nhựa này đã được các nhà nghiên cứu tìm thấy trong thức ăn, nước uống, không khí, muối ăn... Những ảnh hưởng tiêu cực của rác thải nhựa đối với môi trường là điều đã rõ. Việc phát hiện ra vi nhựa trong thực phẩm, nước uống cũng cho thấy nguy cơ tiềm ẩn của hạt vi nhựa đối với sức khỏe con người.
* Rác thải nhựa “góp phần” gây ô nhiễm nước sông
Trong số hơn 9.500 tấn rác thải sinh hoạt mỗi ngày ở TP.Hồ Chí Minh có khoảng 1.600 tấn chất thải nhựa. Đa số rác thải này được đem ra bãi chôn lấp, bỏ đi. Chỉ có khoảng 200 tấn chất thải nhựa được thu gom đem đi tái chế mỗi ngày.
Compose - dự án nghiên cứu rác thải nhựa trên sông, biển ở Việt Nam Hiện nay, nhóm nghiên cứu của TS.Emilie Strady đang thực hiện dự án Compose, nghiên cứu về rác thải nhựa trong môi trường nước ở Việt Nam. Trong dự án này, các nhà khoa học sẽ tiến hành đồng thời ở một số sông, hồ, đầm, phá, biển tại các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hải Phòng, Nghệ An, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Bà Rịa - Vũng Tàu, TP.Hồ Chí Minh, Đồng Nai. Được biết, có 10 trường đại học và tổ chức khoa học cùng tham gia thực hiện công trình nghiên cứu này. |
Không chỉ trên cạn, một lượng lớn rác thải đang trôi nổi trên ao, hồ, kênh, rạch… Nếu không được vớt kịp thời, một phần rác thải sẽ chìm dần, gây ô nhiễm sông ngòi. Một phần rác sẽ trôi ra đại dương. Thời gian phân hủy của rác thải nhựa rất lâu. Nhanh nhất là bọc ny-lông cũng mất 20 năm; ống hút nhựa mất 200 năm. Thời gian phân hủy của một chai nước nhựa là khoảng 450-500 năm. Các sản phẩm từ nhựa khác như: bàn chải đánh răng, ly nhựa trắng, tã em bé… cũng có thời gian phân hủy tương đương. Trong quá trình sản xuất nhựa, người ta cho thêm một số hóa chất dùng như phụ gia để tạo cho nó những tính năng đặc biệt (bền, dẻo dai, nhẹ, chống cháy)...
TS.Emilie Strady, chuyên gia nghiên cứu của Viện Nghiên cứu vì sự phát triển Cộng hòa Pháp (IRD) tại Việt Nam đã cùng các cộng sự thực hiện công trình nghiên cứu ô nhiễm nước và vi nhựa của sông Sài Gòn. Đây là lần đầu tiên mức độ ô nhiễm nhựa mảnh lớn (macroplastic) và vi nhựa (microplastic) của một hệ thống cửa sông nhiệt đới được đánh giá.
Kết quả nghiên cứu (được công bố năm 2018) cho thấy tỷ lệ rác nhựa thu thập hằng ngày trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè là 12-43% và lượng vật thể nhựa trên bờ bị bỏ xuống sông là 0,96-19,91 g/người dân/ngày (350-7.270 g/người dân/năm).
Những nghiên cứu thực nghiệm cho thấy máy giặt có thể phát sinh ra 728 ngàn sợi/6 kg đồ giặt, dẫn đến một lượng lớn sợi trong nguồn nước thải tiếp nhận nước từ máy giặt thải ra. “Việt Nam sử dụng máy giặt không nhiều bằng các nước phát triển, nhưng chúng tôi không loại trừ máy giặt và việc rửa tay chính là nguồn tạo ra sợi nhựa trong kênh và sông. Tuy nhiên, sự có mặt của nhiều nhà máy dệt may ở TP.Hồ Chí Minh cùng với gần như không có việc xử lý nước thải sinh hoạt và nước thải công nghiệp chính là nguồn chủ yếu ô nhiễm sợi ở sông Sài Gòn và hệ thống kênh” - TS.Emilie Strady cho biết.
Từ kết quả nghiên cứu, TS.Emilie Strady đi đến kết luận: “Có sự ô nhiễm nhiều về nhựa mảnh lớn và vi nhựa trong hệ thống kênh sông Sài Gòn”.
* Con người đang “tiêu thụ” hạt vi nhựa mỗi ngày
Theo PGS-TS.Lê Hùng Anh, Viện Khoa học công nghệ và quản lý môi trường (Trường đại học công nghiệp TP.Hồ Chí Minh), hạt vi nhựa được tạo nên từ 2 nguồn: nguồn sơ cấp (do sản xuất hạt nhựa, mài mòn công nghiệp, in 3D, sản xuất mỹ phẩm…), nguồn thứ cấp (do phân rã từ các chất thải nhựa lớn do tia UV, nhiệt, sóng...).
Do kích thước nhỏ, các hạt vi nhựa dễ dàng theo dòng nước trôi xuống cống, ao, hồ, sông, suối; trôi dạt ra biển. Hạt vi nhựa cũng xâm nhập vào mạch nước ngầm. Hạt vi nhựa tồn tại dai dẳng, rất khó phân hủy, cũng không thể thu lại để tái chế như các mảnh nhựa lớn khác, dẫn tới tích tụ trong môi trường. Các nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng mọi loài sinh vật tồn tại dưới biển đều có thể bị nhiễm hạt vi nhựa; thậm chí các nhà khoa học còn tìm thấy hạt vi nhựa trong tinh thể muối biển.
“Các nghiên cứu về độc tố về sinh thái đã khám phá được tác động của vi nhựa đối với động vật phù du biển và các động vật ở biển. Kết quả của việc nuốt phải vi nhưạ là: tắc nghẽn đường ruột; mất khả năng dự trữ lipid; phá vỡ các chức năng sinh lý bình thường khác liên quan đến: chức năng hô hấp, quá trình sinh sản…” - PGS-TS.Lê Hùng Anh cho biết.
Không chỉ môi trường nước tự nhiên, hạt vi nhựa còn được tìm thấy trong không khí, thực phẩm, nước uống… PGS-TS.Lê Hùng Anh dẫn chứng, nhóm nghiên cứu của ông từng lấy mẫu nước uống đóng chai đang bán trên thị trường để nghiên cứu và tìm thấy vi nhựa trong đó. Theo PGS-TS.Lê Hùng Anh, công nghệ xử lý nước hiện nay chắc chắn có thể loại bỏ được hạt vi nhựa. Tuy nhiên, ma sát trong quá trình đóng nắp chai (bằng máy công nghiệp) có thể đã tạo ra hạt vi nhựa và chúng đã lọt vào chai nước.
Mới đây, Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF) đã đưa ra một nghiên cứu cho thấy trung bình, mỗi tuần, mỗi người trên thế giới có thể ăn phải ít nhất 5g hạt vi nhựa, tương đương với khối lượng của một chiếc thẻ tín dụng hoặc một chiếc thẻ ATM.
Hiện nay, chưa có nhiều công bố khoa học về tác hại của hạt vi nhựa với sức khỏe con người. Tuy vậy, Tổ chức y tế thế giới (WHO) cho rằng cần tìm hiểu thêm về tác động của hạt vi nhựa đối với sức khỏe con người vì chúng có mặt ở khắp mọi nơi - kể cả trong nước uống của chúng ta.
Trung tâm bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí (Hội Nhà báo Việt Nam) phối hợp với Cơ quan Về phát triển truyền thông Pháp (CFi) đã tổ chức khóa đào tạo “Hạt vi nhựa: Ô nhiễm môi trường và những tác động tiềm ẩn trên sức khỏe”. Các nhà khoa học đến từ Viện Khoa học công nghệ và quản lý môi trường (Trường đại học công nghiệp TP.Hồ Chí Minh) và Trung tâm nghiên cứu về nước khu vực châu Á - CARE (Trường đại học bách khoa TP.Hồ Chí Minh) đã cung cấp những thông tin tổng quan về vấn đề ô nhiễm rác thải nhựa và những tác động tiềm ẩn của hạt vi nhựa đối với sức khỏe con người. Thông qua khóa học, các nhà khoa học mong muốn vấn đề rác thải nhựa sẽ được cộng đồng chú ý nhiều hơn và cùng chung tay giảm thiểu rác thải nhựa. |
Hải Yến